Không chủ quan khi trẻ mắc bệnh
Bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y tế Công Cộng cho biết với những trẻ không có bệnh lý nền, không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, các triệu chứng ở mức độ nhẹ thì có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc chủ yếu là các triệu chứng ở mức độ nhẹ: sốt, ho, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, trẻ lớn có thể đau đầu, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác, trẻ nhỏ thì quấy, ít chơi hơn. Một số trẻ có các biểu hiện ở đường tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, nôn.
Theo bác sĩ Tỉnh, hầu hết viêm đường hô hấp trên tự hồi phục sau 1 - 2 tuần. Thường ngày thứ 7 - 10, nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ dần hết các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh. Số ít diễn tiến nặng trong khoảng thời gian từ ngày thứ 5 - 8 của bệnh. Bác sĩ lưu ý, thuốc kháng sinh, chống viêm không có chỉ định với COVID-19 mức độ nhẹ, không bội nhiễm, chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của các bác sĩ. “Tuyệt đối không tự ý sử dụng. Hiện tại, chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu với COVID-19 dùng cho trẻ dưới 12 tuổi tại nhà. Do đó, vấn đề chăm sóc, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh”, bác sĩ Tỉnh cho hay.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay qua theo dõi, trẻ em mắc COVID-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng, thường gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19. Thực tế qua quá trình khám hậu COVID-19 ở trẻ, các bác sĩ phát hiện tình trạng trẻ khi là F0 không triệu chứng hoặc thể nhẹ, nhưng sau khi khỏi bệnh, một số lại gặp các biểu hiện như: đau đầu, uể oải, mệt, đau cơ, tiêu chảy, đau khớp… Một số trường hợp lại bị ảnh hưởng hoạt động thể lực, thể chất suy giảm, ho kéo dài, hồi hộp… Cá biệt, đã có những ca khi chuyển nặng phải thở máy, lọc máu.
Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn không được chủ quan với các dấu hiệu bất thường của bệnh. Việc theo dõi sát sao hằng ngày và thông tin đến các bác sĩ giúp phát hiện sớm những trường hợp chuyển nặng. “Với các thuốc xách tay, các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép, thuốc không có trong khuyến cáo điều trị của Bộ Y tế Việt Nam thì không sử dụng”, bác sĩ Tỉnh nói.
Điều trị cho bệnh nhi mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhi đồng - Đồng Nai Ảnh: Tuấn Dũng |
Theo dõi sát sau khi khỏi bệnh
Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội), một trong 12 nhân viên y tế tham gia phòng khám hậu COVID-19 của bệnh viện này cho biết, những ngày sau kỳ nghỉ Tết, lượng F0 khỏi bệnh trong đó có trẻ em đến khám khá nhiều. Hầu hết các bé được bố mẹ cho đi khám cùng dù không có dấu hiệu triệu chứng. Với trẻ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho trong khi năng lượng hoạt động các em vẫn rất tốt, bác sĩ không chỉ định lấy máu xét nghiệm hay chụp chiếu sau khi cân nhắc lợi ích - nguy cơ. Bố mẹ cần theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết thời gian qua bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị hậu COVID-19 cho khoảng 50 bệnh nhi. Phần lớn đều có biểu hiện nhẹ, tuy nhiên có 4 bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu.
Bệnh viện từng điều trị cho bé T.N.K (6 tuổi, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Gia đình cho bác sĩ biết, 3 ngày trước khi vào viện bé bị sốt nhẹ, tiêu lỏng 2 lần/ngày. Trẻ nhập viện khi sốt cao, tiêu lỏng tới 5 lần/ngày. Một ngày sau, bé mệt nhiều hơn, chi lạnh, môi tái, mạch nhanh, huyết áp chỉ còn 80/50, SpO2 90%. Bệnh nhi được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc. Bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19 ở trẻ em (MIS-C), sốc tim. Cùng ngày, bệnh nhi phải đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền vận mạch, sử dụng kháng sinh để điều trị. Kết quả xét nghiệm COVID-19 của trẻ là âm tính khi vào viện nhưng 2 ngày sau, kết quả xét nghiệm nồng độ kháng thể IgG của trẻ rất cao trong khi tiền sử gia đình dương tính với COVID-19 khoảng 2 tuần trước đó.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Với những trường hợp mắc MIS-C này tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trung bình tổng thời gian điều trị tại viện mất khoảng 2 tuần. Đến nay chưa có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, kinh phí điều trị cho các bé rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đồng do phải lọc máu, thở máy, sử dụng thuốc đắt tiền. Bác sĩ Nghĩa lưu ý: Trẻ mắc hội chứng MIS-C nếu không chẩn đoán chính xác, kịp thời điều trị đúng hướng thì nguy cơ tử vong rất cao, chi phí lớn. Nếu trong gia đình có trẻ mắc COVID-19, gia đình không được chủ quan. Sau khi trẻ âm tính ít nhất 2-3 tuần, trẻ cần được theo dõi sát, được đi khám, thậm chí phải được theo dõi tới 2-3 tháng sau. Nếu có dấu hiệu hậu COVID-19 phải cho trẻ đi khám ngay.
“Khi đang là F0 dương tính, các bé đều ở thể nhẹ nhưng khoảng 2-3 tuần sau khi âm tính, trẻ có thể có nhiều triệu chứng hậu COVID-19. Đến khi kiểm tra thì phát hiện bệnh ở tình trạng nặng mà người nhà không hề biết. Thậm chí lúc chụp chiếu, xét nghiệm mới phát hiện bé đã tổn thương phổi, tim, thận, bị sốc tim, suy tim, viêm cơ tim...”, bác sĩ Nghĩa nói.