> Bài giải môn Vật lí kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 (mã đề 642)
Thí sinh: Đề vừa sức
Bước khỏi phòng thi với nụ cười tươi, thí sinh Mai Tùng Lâm (trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho biết, đề thi tốt nghiệp môn Vật lí năm nay không khó. Bài tập chiếm gần 70%: “Em làm bài trong 40 phút, hy vọng được điểm 10” - Lâm vui vẻ nói.
Tại điểm thi trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), thí sinh Ngân Giang cho rằng, bài tập phải tính toán hơi dài. Giang nói, không chắc chắn bốn đáp án, những câu còn lại dễ dàng "ăn" điểm.
“Đề thi Vật lí vừa sức, học lực trung bình cũng được 5 điểm. Em tính ít nhất cũng được 8 điểm. Nhiều bạn trong phòng em đều làm bài xong trước từ 10 - 20 phút” - Giang cho biết.
Tại cụm thi trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), mặc dù làm xong sớm nhưng các thí sinh đều chờ khi có hiệu lệnh trống đánh mới nộp bài thi ra về.
Đoàn Trung Đức (trường THPT dân lập Hồ Xuân Hương, Hà Nội) chia sẻ: Đề thi bình thường, em làm được khoảng 90%. Đề thi bám sát chương trình học trong sách giáo khoa và không đánh đố.
“Em làm được hết, chắc chắn đạt điểm tuyệt đối” – Trương Ngọc Anh, đến từ trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) vui vẻ chia sẻ.
Thầy giáo: Không có câu hỏi khó
Theo thầy Nguyễn Đức Lâm, giáo viên môn Vật lí trường THPT chuyên - Đại học Sư phạm Hà Nội, đề thi Vật lí bám sát toàn bộ chương trình lớp 12, không có câu hỏi thuộc chương trình học lớp 11.
Bài tập chỉ cần áp dụng công thức, thay số là ra kết quả. Không có bài nào học sinh cần sử dụng ba mức biến đổi mà nhiều nhất là hai mức biến đổi.
Thầy Lâm cho rằng, học sinh trung bình cũng có thể dễ dàng đạt 6 - 7 điểm. Những em có kĩ năng làm bài tốt có thể đạt 9 - 10 điểm.
“Đề thi không quá khó, không "lên gối", không đánh đố, nếu làm cẩn thận, học sinh dễ dàng đạt điểm khá” - Thầy Lâm nhận xét.
Cũng theo thầy Lâm, “với đề thi này, 50% học sinh sẽ đạt được điểm trung bình, 30% thí sinh đạt điểm giỏi, còn lại 20% đạt điểm dưới trung bình” - Thầy Lâm nhận định.
Thầy Trần Ngọc Lân (Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, TP Hồ Chí Minh): Đề thi môn Vật lí trải đều trong chương trình học và toàn bộ thuộc về kiến thức cơ bản lớp 12. Cách ra đề và dạng câu hỏi tương tự những năm trước.
Nhận xét về tính phân loại của đề thi, thầy Ngọc Lân cho rằng: đề thi chưa có sự bứt phá, tính phân loại chưa cao. Trong đề thi không có câu nào để thí sinh có học lực khá, giỏi thể hiện sự nổi trội của mình.
Thầy Lân cho rằng, đáng lẽ ra, nên có một, hai câu hỏi khó trong đề thi để phân loại khả năng của thí sinh.