Nhiều tàu thuyền gặp nạn ngoài khơi
> Miền Trung lại chuẩn bị đón bão cấp 13
TPO – Dự báo đến rạng sáng 14/10, tâm bão số 11 (Nari) giật cấp 12, 13, cách bờ biển cách tỉnh các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 290 km về phía Đông.
Ảnh hưởng bão, nhiều tàu thuyền ngoài khơi chạy vào đất liền liên tục gặp nạn.
Sáng nay (13/10), báo cáo mới nhất của Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, hiện có hơn 44.000 phương tiện tàu thuyền các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa được ngành chức năng thông báo hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động trú tránh. Trong đó, gần 39.000 tàu thuyền neo đậu tại bến, còn hơn 1.000 tàu/12.948 lao động còn khu vực quần đảo Trường Sa.
Tại khu vực Bắc vĩ tuyến 120, Nam vĩ tuyến 200: 64 tàu/693 LĐ (trong đó: Q.Nam: 24 tàu/379 LĐ; Q.Ngãi: 20 tàu/ 164 LĐ; B.Định: 20 tàu/ 150 LĐ); hoạt động khu vực khác: 4.497 tàu/31.851 LĐ.
Biển động, gió giật mạnh, sóng quật lớn khiến tàu thuyền liên tiếp gặp nạn ngoài khơi.
Tàu thuyền neo đậu Đà Nẵng. |
Theo Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão & Tìm kiếm Cứu nạn Quảng Ngãi, từ 15 giờ ngày 12/10 Ban chỉ huy Vùng 3 Hải quân đã điều tàu HQ 951 đạp sóng 35 hải lý tiếp cận tàu cá QNg 94257 TS do ông Cao Mẫn (SN 1975) làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 lao động (đều ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ).
Ngày 12/10, tàu này đang trên đường di chuyển đến tại tọa độ 17 độ VB, 109,3 độ KĐ (cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 100 hải lý về hướng Đông Bắc), bị hỏng máy, thả trôi với tốc độ 1,5 hải lý/giờ giữa vùng biển động
Lực lượng Hải đội 2 BĐBP tỉnh Quảng Bình phối hợp các phương tiện tàu cá đưa vào bờ an toàn 12 thuyền viên tàu QNg 92852 TS bị sóng đánh chìm.
Trước đó, 15 giờ ngày 12/10, tàu cá này do ông Trần Văn Viết (ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) làm thuyền trưởng, bị sóng đánh chìm tại tọa độ 17,45 độ VB, 106,41 độ KĐ (cách Cửa Gianh, Quảng Bình khoảng 20 hải lý).
Lực lượng chức năng, người dân chủ động kéo tàu thuyền nhỏ lên bờ. |
Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão & Tìm kiếm Cứu nạn Bình Định xác nhận: dự kiến đêm nay (13/10), tàu Trường Sa 16 Hải quân vùng 4 tiếp cận, lai dắt tàu cá tàu cá BĐ 96822 TS do ông Đặng Văn Học (thôn Thiện Đức, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, bị hỏng máy thả trôi về đến đảo Sơn Ca (QĐ Trường Sa).
Tại Phú Yên, đến sáng 13/10, 2 tàu cá gặp nạn do ảnh hưởng bởi bão số 10. Trước đó, ngày 8/10, tàu PY 92999 TS bị nạn khu vực quần đảo Trường Sa đã được tàu PY 92088 TS và PY 92024 tiếp cận để chở người và tháo dỡ trang bị ngư lưới cụ, vào trú tại đảo Đá Đông (QĐ Trường Sa).
8 giờ ngày 11/10, tàu PY 91025 TS, của ông Lê Thanh Khang, trên tàu có 10 lao động đánh bắt tại vị trí 10,5 độ VB, 114,3 độ KĐ (cách đảo Song Tử Tây khoảng 50 hải lý) thì bị hỏng máy không khắc phục được.
Hiện tàu này được tàu PY 95183 TS, do ông Lê Văn Lĩnh (ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) làm thuyền trưởng lai dắt vào đảo Song Tử Tây để khắc phục, sửa chữa.
Đà Nẵng chủ động phương án sơ tán dân
Trao đổi Tiền phong, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Phó BCH PCLB&TKCN TP.Đà Nẵng nhận định: các dự báo đều cho thấy, tâm bão hướng trực diện vào Đà Nẵng với tốc độ nhanh và rất mạnh.
Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ, Hải quân Mỹ, Hồng Kong, Nhật Bản... dự bão chiều 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 160 Bắc (ngang với Đà Nẵng) - 1090 Đông, cách Đà Nẵng khoảng 190km về phía Đông.
“Bão mạnh cấp 10, 11, giật cấp 14, 15 nên sức tàn phá rất ghê gớm, công tác đối phó với bão Nari không thể chủ quan”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, thành phố chỉ đạo ngành chức năng chủ động phương án sơ tán dân ở vùng dễ bị ảnh hưởng; tập trung các dãy nhà không kiên cố, phòng trọ sinh viên, công nhân, khu vực ven biển với phương châm sơ tán tại chỗ là chính, di chuyển đến nơi kiên cố lân cận, để hạn chế thiệt hại.
Chiều tối 12/10, BCH PCLB&TKCN TP.Đà Nẵng sau cuộc họp khẩn ngành chức năng, có công điện khẩn chỉ đạo cụ thể ban ngành, lực lượng chức năng tăng cường phòng chống bão. Bộ chỉ huy BĐBP, Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng liên tục cập nhật tình hình, quản lý tàu cá, phương tiện trên biển, thông báo diễn biến bão. Đặc biệt là yêu cầu các tàu không được tránh trú tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Ông Thắng cho hay, hơn 20 tàu cá đang trên đường di chuyển từ Hoàng Sa vào đất liền. Hiện, tất cả phương tiện Đà Nẵng, ngành chức năng đều kết nối, đảm bảo thông tin thông suốt.
Lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP TP.Đà Nẵng cho biết: tập trung kêu gọi, hướng dẫn số tàu cá địa phương đang ở trên biển, tại những vùng biển dễ xảy ra nguy hiểm từ Quảng Bình – Nghệ An và Quảng Trị.
UBND các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê tập trung lực lượng, hỗ trợ dân kéo tàu thuyền nhỏ lên bờ, chủ động chằng chống nhà cửa, rà soát kỹ và sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán nhân dân vùng mưa lũ lớn, ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ chứa...
Theo dự báo Trung tâm Khí tượng thủy văn TƯ, hồi 4 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ VB; 111,2 độ KĐ, trên khu vực phía Tây Nam QĐ Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 290 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. |
Nguyễn Huy