Nhiều quy hoạch sử dụng đất ở Thanh Hoá: Tăng thu ngân sách nhưng nhiều hệ lụy

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều Khu đất đã được quy hoạch, đấu giá tại huyện Quảng Xương, Nga Sơn nhưng bỏ trống. Ảnh: Hoàng Lam
Nhiều Khu đất đã được quy hoạch, đấu giá tại huyện Quảng Xương, Nga Sơn nhưng bỏ trống. Ảnh: Hoàng Lam
TP - Thu từ bán, thuế chuyển nhượng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách của Thanh Hoá, có lẽ vì thế mà quá nhiều dự án bất động sản, quy hoạch phân lô bán nền đất ra đời. Từ đó, thị trường bất động sản sôi động ở tỉnh này trong thời gian qua. Tuy nhiên, hệ lụy để lại từ quy hoạch tràn lan không nhỏ.

Ngân sách phụ thuộc nhiều vào bán đất

Trong tổng thu nội địa 9 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Thanh Hoá ước đạt 15.398 tỷ đồng, khoản thu từ chủ sử dụng đất là 5.803 tỷ đồng (chiếm 37,6%). Tăng thu ngân sách phụ thuộc vào đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) là thực tế đang diễn ra ở tỉnh này. Tại các huyện đồng bằng, ven biển, thu từ đất đai là nguồn thu chính cho ngân sách nhiều huyện, xã.

Theo báo cáo từ Cục Thuế Thanh Hóa, tính đến hết tháng 9/2021, tổng thu nội địa của Thanh Hoá tăng 19,7% so với cùng kỳ, trong đó, các khoản thu từ đất cũng tăng trưởng khá khi nhiều dự án trọng điểm hoàn thành đấu giá QSDĐ. Thực tế thu từ người thuê, mua, chuyển nhượng, đấu giá… (gọi chung là người có QSDĐ) đạt 105% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Hoàng Huy Tự, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Hà Trung cho biết: Thu từ người có QSDĐ chiếm khoảng 50% tổng thu ngân sách và chiếm khoảng 80% tổng các khoản thu tăng thêm trên ở huyện Hà Trung. Nếu như dự toán tỉnh Thanh Hóa giao cho Hà Trung thu từ QSDĐ năm 2021 là 126 tỷ đồng thì trong 9 tháng đầu năm 2021, huyện đã thực hiện ước đạt trên 180 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước tại huyện ước đạt 423 tỷ đồng, bằng 152% so với kế hoạch được giao. Nếu không chịu tác động của đại dịch COVID-19, thu từ QSDĐ còn tăng hơn nữa, bởi nhiều cuộc đấu giá trong thực tế đã phải tạm hoãn để phòng, chống dịch.

Ở huyện Hà Trung giá đất khởi điểm và giá đất trúng thầu tại nhiều dự án vẫn phù hợp với giá thị trường nên nhiều trường hợp trúng thầu đã không bỏ đặt cọc, nhiều cuộc đấu thầu đã không bị hủy bỏ. Trong khi đó, nhiều nơi ở Thanh Hóa, giá đấu thầu đất bị đẩy lên quá cao, vượt quá cả giá thị trường nên nhiều người trúng thầu cuối cùng đã bỏ cọc, không mua đất nữa.

“Dư thừa”, lãng phí

Tình trạng một số mặt bằng đã được quy hoạch (MBQH) để phát triển khu dân cư chưa phù hợp với nhu cầu về đất ở trong thực tế. Một số khu đất được đưa ra đấu giá với số lượng lớn, gây ra dư thừa, không có tính cạnh tranh cao trong đấu giá hoặc đấu giá “ế’’ người mua.

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu MBQH số 99, thôn Chính Đa, xã Quảng Chính (huyện Quảng Xương) cho thấy, có tổng số 57 lô đất ở với tổng diện tích quy hoạch 6.000m2 (khu này trước đây là đất nông nghiệp). Sau khi được quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích SDĐ và xây dựng hạ tầng, mặt bằng này được đưa ra đấu giá 2 lần vào tháng 6 và tháng 8/2021. Tuy nhiên, thực tế chỉ bán được 4 lô đất, số còn lại để không.

Trong khi đó, một số địa phương khác vẫn đang lao đao sau cơn “sốt đất”. 9 tháng đầu năm 2021, huyện Quảng Xương tổ chức đấu giá nhiều MBQH dự án khu dân cư nông thôn, với tổng số tiền thu về từ người trúng đấu giá QSDĐ là 1.575 tỷ đồng. Có những phiên đấu giá thu hút hàng nghìn người tham gia chỉ đấu để mua vài chục lô đất. Giá đấu được đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá sàn, có lô sau đấu giá, giá đã tăng hơn 100%. Tuy nhiên, ở huyện Quảng Xương tính đến hết tháng 9/2021, tổng số tiền trúng đấu giá bị người đấu thành công hủy lên đến hơn 717 tỷ đồng và có khả năng còn tăng thêm. Nhiều hộ gia đình, cá nhân đã không nộp tiền SDĐ theo quy chế đấu giá. Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc được thu về ngân sách là hơn 55 tỷ đồng-một con số rất đáng nói.

Bà Trịnh Thị Nguyên, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Quảng Xương, cho rằng: Việc hủy kết quả trúng đấu giá QSDĐ làm cho các dự án đấu giá của huyện, xã phải làm lại quy trình đấu giá, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc, công sức của các cơ quan chức năng và cả của người dân; Thực tế này cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách của địa phương.

Không chỉ dư thừa, ế ẩm sau cơn “sốt đất” vừa qua ở Thanh Hóa, nhiều mặt bằng dự án sau khi được quy hoạch đã bán cho người dân nhưng tỷ lệ dân đến ở rất thấp, gây lãng phí. Tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý trong đó có quy định rõ hơn về đấu giá QSDĐ có thu tiền SDĐ hoặc cho thuê đất...

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.