> Hợp thức hóa xăng dầu lậu rất dễ
Vào nhiều, ra ít
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đang thanh tra đồng loạt hoạt động tạm nhập tái xuất (TNTX) xăng dầu tại 33 chi cục hải quan trên toàn quốc.
Mục đích là đánh giá tình hình tạm nhập- tái xuất xăng dầu của 13 doanh nghiệp đầu mối, từ đó, đánh giá việc chấp hành quy định về thủ tục hải quan, thực hiện tái xuất hàng đúng khai báo, chấp hành nộp thuế ra sao…
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan về tình hình TNTX của 15 công ty, chi nhánh, tập đoàn kinh doanh xăng dầu đã chứng minh thực tế hàng “vào nhiều, ra ít”.
Cụ thể, từ đầu năm 2009 đến 31-6-2012, tổng lượng xăng dầu tạm nhập là 9,99 triệu tấn, nhưng tái xuất chỉ hơn 8 triệu tấn. Có nghĩa, còn hơn 1,98 triệu tấn xăng dầu (trị giá 1,39 tỷ USD) đã “ở lại” Việt Nam, thay vì tái xuất theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đã không tái xuất lượng lớn xăng dầu như Cty xăng dầu hàng không 164,8 nghìn tấn, Cty thương mại dầu khí Đồng Tháp 247 nghìn tấn, PVOil 369,2 nghìn tấn, Petrolimex 224,8 nghìn tấn, Tổng Cty Thương mại kỹ thương và đầu tư 171 nghìn tấn…
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, hiện cơ quan này chưa tách bạch được số xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất trên, thì doanh nghiệp đã làm thủ tục nộp thuế để tiêu thụ nội địa hay chưa, vì thế chưa đưa ra biện pháp xử lý.
“Muốn làm rõ tình trạng của 1,98 triệu tấn xăng dầu không tái xuất đi trong 4 năm qua. Hải quan phải kiểm tra ở từng địa phương, đối chiếu từng tờ khai hải quan mới làm rõ được”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói.
Do chính sách thuế với hàng TNTX rất “thoáng”, nên nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã nợ đọng thuế.
Tính đến 4-9-2012, có 5/13 doanh nghiệp đầu mối còn nợ thuế là hơn 192 tỷ đồng. Trong đó, Petrolimex còn nợ hơn 82,6 tỷ đồng, Tổng Cty xăng dầu quân đội nợ 50,9 tỷ đồng, Cty xăng dầu hàng không nợ 42,6 tỷ đồng…
Lợi dụng để buôn lậu
Theo ông Cẩn, có dấu hiệu các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở chính sách hàng TNTX để buôn lậu xăng dầu. Cuối tháng 7-2012, Cục điều tra chống buôn lậu đã bắt quả tang tàu Giang Châu (Trung Quốc) chở 2.000 tấn xăng tái xuất, nhưng không xuất mà bơm sang 3 tàu Việt Nam để tiêu thụ nội địa. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giữ các đối tượng liên quan để điều tra làm rõ.
“Theo quy định, xăng dầu tạm nhập về không tái xuất, có thể chuyển tiêu thụ nội địa và đóng thuế nhập khẩu theo từng thời điểm. Nhưng có tình trạng, doanh nghiệp nhập hàng về tại thời điểm thuế nhập khẩu là 12%, đổ chung vào bồn chứa với lô hàng đã nhập trước đó với mức thuế suất thấp (0-5%). Giờ họ nói là tiêu thụ lô hàng đã nhập từ lúc thuế thấp. Do vậy, chúng tôi kiến nghị, doanh nghiệp phải xuất đúng lô hàng đã kẹp chì”- ông Cẩn nói.
Việc cho ân hạn thuế tới 195 ngày cũng là kẽ hở chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuế của nhà nước.
Doanh nghiệp phản pháo Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết, mỗi một năm tập đoàn tái xuất trên 1 triệu tấn xăng dầu. Theo quy định, khi hết thời hạn tạm nhập tái xuất, các DN đầu mối được quyền nhập lại, theo quy định của Bộ Tài chính, trong phạm vi 10% hàng tạm nhập. Do vậy không bao giờ hàng TNTX bằng nhau, lượng tái xuất sẽ luôn thấp hơn lượng tạm nhập. “Như vậy, với hơn 1 triệu tấn xăng dầu nhập về mỗi năm, doanh nghiệp được phép nhập lại 10%, tính trong hai năm là hơn 200.000 tấn. Vậy số liệu hơn 200.000 tấn không tái xuất của Petrolimex mà hải quan công bố nằm trong phạm vi cho phép doanh nghiệp được nhập lại”- ông nói. Về có số 82,6 tỷ đồng tiền thuế tạm nhập tái xuất Petrolimex nợ, ông Năm nói: “Số nợ này là theo quy trình kiểm soát hồ sơ chứng từ của hải quan. Còn thực tế doanh nghiệp không hề nợ. Đáng lẽ, trước khi công bố thông tin hải quan phải có trao đổi với doanh nghiệp để thông tin chính xác, thì DN mới “tâm phục khẩu phục”. Về thông tin Cty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) tạm nhập và không tái xuất 164,8 nghìn tấn xăng dầu mà hải quan công bố, thành viên HĐQT, nguyên Tổng GĐ Vinapco Trần Hữu Phúc cho biết: “Làm gì có chuyện như hải quan công bố. Giấy tờ xuất nhập vẫn còn ở các cơ quan chức năng như hải quan. Với xăng dầu mặt đất (A95, A92) chúng tôi mới nhập vài chục tấn, lượng hàng nào không tái xuất được thì chúng tôi làm thủ tục, đóng thuế nhập khẩu để tiêu thụ trong nước bình thường”. Phạm Tuyên- Đình Thắng |