Nhiều ông lớn địa ốc 'phớt lờ' quy định PCCC

Cư dân chung cư Golden West xuống đường phản đối CĐT đưa dân vào khi chưa nghiệm thu PCCC. Ảnh: Trần Hoàng.
Cư dân chung cư Golden West xuống đường phản đối CĐT đưa dân vào khi chưa nghiệm thu PCCC. Ảnh: Trần Hoàng.
TP - Sau nhiều vụ cháy xảy ra liên tiếp, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định, sẽ mạnh tay xử lý chủ đầu tư (CĐT) chung cư vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, kết quả xử lý thực tế lại không được như kỳ vọng. Thống kê nửa đầu năm 2017 cho thấy, toàn thành phố có 79 dự án vi phạm, không nghiêm túc khắc phục, trong đó có nhiều “ông lớn” địa ốc.

Dự án Golden West, địa chỉ lô đất 2.5HH, đường Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân) do Cty Cổ phần phát triển thương mại Việt Nam làm CĐT. Tháng 9/2016, dù hệ thống PCCC của chung cư vẫn chưa hoàn thiện, công trình chưa được tổ chức kiểm tra nghiệm thu để vận hành theo đúng quy định của pháp luật, nhưng CĐT dự án Golden West đã bàn giao và đưa hơn 400 hộ dân trên tổng số 600 hộ dân vào ở. Công trình này vừa bị yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi hoàn tất các thủ tục quy định an toàn PCCC.

Cuối tháng 5/2017, người dân của tòa nhà Capital Garden ngõ 102 Trường Chinh bị một phen hú vía khi ngọn lửa bao trùm tầng 15 toà nhà. Đáng chú ý, khi xảy ra cháy, khói nghi ngút đen đặc cả hành lang nhưng chuông báo cháy không hề kêu. Chỉ đến khi đám cháy quá lớn, khói bay vào các nhà hàng xóm thì người dân mới “tá hỏa” rủ nhau chạy. Bà Hòa, cư dân tại đây cho hay, khi xảy ra hỏa hoạn, các vòi chữa cháy để ở các tầng không có giọt nước nào. Được biết, dự án này chưa đủ điều kiện để nghiệm thu PCCC nhưng vẫn yêu cầu cư dân nhận bàn giao.

Dự án lớn, vi phạm nhiều

Trả lời chất vấn về giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng nhiều khu chung cư, tái định cư chưa đảm bảo về PCCC tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, toàn thành phố có 12% trong tổng số 1.075 công trình, vi phạm về PCCC. Thành phố đã cho các đoàn liên ngành vào kiểm tra, giám sát và đến nay, các chủ đầu tư công trình đã có cam kết, lộ trình, thời gian khắc phục. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý các chủ đầu tư chây ỳ bằng những biện pháp mạnh, nếu công trình đang thi công, hoàn thiện thì sẽ cho công bố công khai để người dân biết...

Những tuyên bố mạnh mẽ đã được đưa ra, nhưng kết quả kiểm tra và xử lý trên thực tế cho thấy, vẫn còn thiếu biện pháp xử lý mạnh tay từ Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PC&CC) Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý - giám sát - xử lý vi phạm về PCCC. Theo kết quả vừa công bố, đến hết tháng 5/2017, trên địa bàn thành phố còn 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng. Trong đó có 78 công trình đã đưa vào hoạt động chưa được nghiệm thu về PCCC. Danh sách này, có nhiều “ông lớn” địa ốc xem thường các quy định về PCCC như: Tòa nhà FLC Complex (36 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm); Tòa nhà Golden West (lô 2.5 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội); Tòa CT1, CT2, CT3 Xa La (khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông); Dự án chung cư Diamond Flower Tower (Lê Văn Lương, Thanh Xuân)...

Trước đó, Cảnh sát PC&CC đã “khoanh vùng” 10 công trình, tòa nhà, khu đô thị chưa đủ điều kiện về phòng cháy, gồm: Tháp C - VC 2 Golden Silk (quận Hoàng Mai), do Công ty CP Xây dựng số 2 làm CĐT; Tổ hợp khách sạn và căn hộ cho thuê Somerset West Point HaNoi (quận Tây Hồ), Công ty TNHH Biệt Thự Vàng làm CĐT; Tòa nhà hỗn hợp AZ Sky (quận Hoàng Mai), do Công ty TNHH Đá quý thế giới làm CĐT; Khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ, thương mại, văn phòng và trường học Tràng An Complex (quận Cầu Giấy)...

Trong nhóm này, có nhiều chủ dự án được kết luận vi phạm ngay từ khi Nghị định 79 hướng dẫn thực hiện Luật PCCC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (31/7/2014) có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, suốt nhiều năm vi phạm vẫn được “đặc cách” cho qua, tạo điều kiện cho chủ đầu tư đưa dân vào ở khiến việc xử lý trở nên phức tạp và khó khăn. Theo quy định pháp luật, Cảnh sát PC&CC có quyền kiến nghị phong toả tài khoản, bêu tên công khai dự án vi phạm quy định PCCC, đề nghị thành phố không giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mới.

Khó xử lý vì “dân nắm đằng lưỡi”!

Trao đổi với Tiền Phong, trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, công trình trước khi triển khai phải được thẩm duyệt PCCC. Trước khi đi vào hoạt động thì phải được kiểm tra, nghiệm thu tổng thể (giấy kiểm định PCCC là một trong những giấy tờ cần thiết để công trình được nghiệm thu tổng thể). Tuy nhiên, trên thực tế, có CĐT cứ nghĩ chỉ cần có thẩm duyệt PCCC là cứ thế xây. Có dự án xây xong móng, thậm chí xây xong phần thô mới đi thẩm duyệt PCCC.         

“Người dân đang bị nắm đằng lưỡi. Bởi khi buộc phải đình chỉ công trình để khắc phục PCCC, thì phải tính đến phương án bố trí chỗ ở cho người dân, trong cả trường hợp tạm đình chỉ 1 tháng hay khi đình chỉ vĩnh viễn công trình. Đối với những công trình có nguy cơ xảy ra cháy nổ, nếu cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục nhiều lần mà CĐT không thực hiện thì sẽ tiến hành đình chỉ công trình. Xử phạt hành chính hay đình chỉ hạng mục công trình là để CĐT khắc phục sai phạm chứ không phải để phạt cho tồn tại”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo số liệu của Cảnh sát PC&CC, đến thời điểm 31/5/2017, đơn vị đã ra quyết định đình chỉ với 8 dự án. Trong đó có 4 tòa nhà bị tạm đình chỉ toàn bộ là: Trung tâm thương mại và nhà ở cao tầng (27 Lạc Trung); Nhà ở chung cư cao tầng kinh doanh 46/230 Lạc Trung; Tòa nhà hỗn hợp văn phòng – Siêu thị điện máy HC (số 399 Phạm Văn Đồng); Chung cư BMM.

Đối với những công trình chưa được nghiệm thu PCCC, lực lượng Cảnh sát PC&CC yêu cầu CĐT không đưa dân vào ở thêm. Đồng thời, giữ quan điểm không đồng ý cho người dân đã ở đó từ trước, mà yêu cầu CĐT khắc phục vi phạm mà lực lượng PC&CC đã xử lý.

Chỉ 9/38 công trình được nghiệm thu PCCC

Lãnh đạo Cảnh sát PC&CC Hà Nội cho biết, sau khi công bố danh sách 38 công trình chưa nghiệm thu PCCC vào tháng 7/2016. Đến nay, mới có 9/38 công trình có văn bản nghiệm thu (chiếm ¼). Xử phạt 21 công trình với số tiền gần 2 tỷ đồng. 

MỚI - NÓNG