Nhiều 'ốc đảo' xuất hiện sau mưa lũ ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mưa lớn liên tiếp tại Hà Nội trong những ngày qua khiến một số khu vực vẫn ngập úng. Nước dâng nhanh, nhiều gia đình không kịp di chuyển chuồng trại, bán “non” tôm cá. Không những thế, mưa lớn đã làm xuất hiện nhiều “ốc đảo” tại ngoại thành.

Người dân không kịp trở tay

Những ngày qua, mưa lớn đã khiến huyện Chương Mỹ là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ), đến ngày 29/7, nhiều khu vực vẫn bị ngập nước, nhất là khu vực thôn Tiến Tiên. Vào thôn Tiến Tiên chỉ có một con đường duy nhất, nhưng hiện đã bị ngập nước. Trong đó, chỗ ngập sâu nhất trên 2m, người dân muốn di chuyển phải dùng thuyền.

Thấy chúng tôi muốn vào ghi nhận các hộ gia đình trong thôn đang bị cô lập, ông Nguyễn Đình Thủ (62 tuổi, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến) tình nguyện chèo thuyền chở vào. Trên đường đi, ông đưa chúng tôi vào thăm một số nhà đang mở cổng. Ông Thủ cho biết, từ ngày 23/7 hầu hết người dân đã di tản đến nơi ở tạm, chỉ còn lại một số hộ ở lại canh giữ tài sản.

Đến nhà một cặp vợ chồng đang tháo lưới bắt cá, ông Thủ cho biết là vợ chồng ông Việt, ở lại trông giữ tài sản cho mọi người. Nước dâng cao, ông Việt tranh thủ đi thả lưới. Chỉ một mẻ đã được một con cá trắm và một con cá chim, mỗi con khoảng 2,5kg.

Nhiều 'ốc đảo' xuất hiện sau mưa lũ ở Hà Nội ảnh 1

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và lãnh đạo thành phố Hà Nội thị sát địa bàn ảnh hưởng lũ lụt. Ảnh: Hữu Thắng

Trên đường ra, ông Thủ cho biết số cá ông Việt vừa bắt được có lẽ là từ ao gia đình ông tràn ra. “Nước lên nhanh quá, gia đình tôi mất hết rồi chú ạ”, ông Thủ nói và cho biết có 3 người con. Các con đã trưởng thành ra ở riêng hoặc làm việc ở nội thành.

Vài năm trước, khi địa phương dồn điền, ông nhận khu vực đất hoang đào ao thả cá. Đến nay, gia đình ông có tổng cộng gần 3ha ao cá. Trong đó, có số cá trắm, chép nuôi gần 3 năm nay chuẩn bị cho thu hoạch.

Tháng trước, ông Thủ còn thả gần 20 triệu tiền cá giống để gối vụ. Thế nhưng, chưa đầy một ngày mưa, nước sông Bùi lên quá nhanh, gia đình ông trở tay không kịp. Đến sáng ngày 23/7, nước đã ngập giữa nhà. Ao cá nhà ông hòa cùng với nước sông và đồng ruộng. Bây giờ, ông không nhận ra ao cá nhà mình ở chỗ nào nữa.

“Gần 3 năm qua, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng tiền cá giống, đó là chưa kể công chăm sóc. Nếu không mưa lũ, ít hôm nữa sẽ được thu hoạch, bán rẻ cũng được trên 200 triệu đồng. Giờ thì mất trắng hết rồi”, ông Thủ ngậm ngùi.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài lưu ý các lực lượng theo dõi kỹ diễn biến tình hình đê điều. Thường trực Thành uỷ, UBND thành phố luôn “bám sát” để chỉ đạo. Khi lũ qua đi, phải nhanh chóng ổn định đời sống người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh...

Vợ chồng anh Trương Văn Tuần - Nguyễn Thị Thảo (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) ngồi thất thần bên đống đồ đạc sinh hoạt.

Cạnh đó, là khu vực trang trại chăn nuôi của gia đình đã bị nước nhấn chìm.

“Nước lũ lên quá nhanh, lại vào ban đêm nên gia đình tôi không kịp trở tay. Hàng trăm con lợn, gà đã bị chết”, anh Tuần nói.

Không chỉ tại Chương Mỹ, tại huyện Quốc Oai, nhiều địa bàn cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, đến thời điểm này, theo thống kê ban đầu, diện tích lúa bị ngập khoảng 250 ha, trong đó 40 ha mất trắng. Diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại khoảng 200 ha và hàng trăm nghìn gia cầm bị ảnh hưởng.

An toàn tính mạng người dân là trên hết

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, mưa lớn những ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo đó, mưa lũ đã làm 7.724m đê thuộc địa bàn 13 xã bị ngập, 20m đê bị sạt lở.

Về kinh tế, 1.811,7ha lúa bị ngập lụt, 367,6ha hoa màu bị hư hại, 252,5ha cây ăn quả bị úng nước, 1.711,6ha nuôi trồng thủy sản bị thất thu, 52.091m2 chuồng trại với 1.820 gia súc và 200.932 gia cầm bị cuốn trôi.

Còn tại huyện Quốc Oai, mưa lớn kéo dài đã gây bốn sự cố sạt trượt mái đê. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có gần 1.580ha, gồm hơn 1.350ha trồng lúa, 22ha cây màu, hơn 201ha cây ăn quả bị ngập.

Nhiều 'ốc đảo' xuất hiện sau mưa lũ ở Hà Nội ảnh 2

Người dân thôn Tiến Tiên chèo thuyền, bế con di tản đến nơi an toàn

Chiều 29/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng lãnh đạo Thành uỷ - HĐND - UBND thành phố trực tiếp thị sát địa bàn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đặc biệt lưu ý thông tin cụ thể về số lượng người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đời sống, sinh hoạt bà con bị ảnh hưởng ra sao.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các địa phương báo cáo, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đánh giá cao sự chủ động của chính quyền trong ứng phó với hậu quả lũ lụt. Tuy nhiên, bà Hoài cho rằng, cần dự báo trong những ngày tới tình hình mưa lũ thế nào để có phương án chuẩn bị. Việc ứng phó sự cố nếu “quá sức”, nên báo cáo kiến nghị ngay để thành phố có hỗ trợ.

Bà Hoài cho rằng, nếu thấy cần thiết phải tiếp tục sơ tán người dân. “Phải đặt tính mạng, sức khoẻ nhân dân lên hàng đầu. Nếu vận động không được thì có thể cưỡng chế di dời người dân đi nơi khác để đảm bảo an toàn”, bà Hoài nói.

Theo bà Hoài, khi di dời người dân, cần chăm lo cho đời sống bà con. Nếu kéo dài 10 ngày, nửa tháng, phải tính đến an sinh xã hội, hỗ trợ người dân có chỗ ở, tiếp tục vận động, có thể chi viện từ các huyện khác hoặc từ thành phố.

“Đảm bảo cho người dân khi di tản phải có cuộc sống tương đối, không để dân đói, dân rét. Đặc biệt phải quan tâm đến người già, người cô đơn, yếu thế. Chúng ta đã làm tốt rồi thì phải tiếp tục làm tốt hơn”, bà Hoài nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG