Nhiều người già, trẻ em nhập viện vì rét

Nhiều người già, trẻ em nhập viện vì rét
TP - Rét đậm, độ ẩm cao là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em và người cao tuổi dễ phát bệnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các bệnh mạn tính trở nặng.

> Các khu vui chơi vắng khách
> Thêm không khí lạnh, một số nơi rét hại
> Sapa lạnh âm 1 độ C, băng tuyết xuất hiện

Tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư), phần lớn người đến khám, điều trị là bệnh nhân viêm đường hô hấp, tiêu chảy Bé N.V.H (5 tháng tuổi, ở Nam Định) được gia đình đưa lên viện từ sáng sớm vì bị tiêu chảy liên tục 3 ngày nay, người lả đi vì mất nước.

Chị Minh, mẹ bé H., cứ nghĩ con bị tiêu chảy như mọi lần nên mua kháng sinh về cho uống. Bệnh bé không đỡ mà còn nặng thêm, bác sĩ tuyến dưới viết giấy chuyển viện cho H. lên Bệnh viện Nhi T.Ư.

Bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhi H. bị tiêu chảy do Rotavirus nên không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh là cho trẻ uống vaccine phòng Rotavirus, nhưng cần cho trẻ uống sớm để tạo hệ miễn dịch cho trẻ.

Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh cho trẻ. Không nên ăn kiêng và cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu phát triển. Điều nguy hiểm là một số bệnh nhân chỉ phát bệnh trong thời gian 24 giờ đã tử vong.

Vi khuẩn não mô cầu, tên khoa học là Neisseria meningitidis, thuộc nhóm cầu khuẩn gram âm. Vi khuẩn cư trú ở vùng hầu họng. Trẻ em dễ mắc bệnh, nhất là về mùa lạnh. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới hai tuổi chiếm rất cao, khoảng 50%, trong khi ở người lớn khoảng 25%.

Các chuyên gia dịch tễ học khuyến cáo, không nên cho trẻ đi chơi nhiều ngoài trời lúc chiều tối trong mùa mưa lạnh, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập hệ tuần hoàn, gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết.

Viêm não mô cầu có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm nếu điều trị muộn. Bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý.

Bệnh tăng huyết áp tấn công người cao tuổi

Trời rét đậm liên tục nên bà H.M.H (60 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do huyết áp tăng quá cao kèm theo bệnh tim mạch đột ngột xuất hiện.

Bác sĩ Lê Văn Trường, Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, cho biết, thời tiết lạnh quá hay nóng quá đều có thể ảnh hưởng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt khi trời lạnh đột ngột. Vì thế, vào những ngày rét đậm, tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thường tăng mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Viện Lão khoa quốc gia, cho biết, thời tiết lạnh kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng co mạch, từ đó, dẫn đến dễ bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đau các khớp xương.

Đặc biệt, phần lớn bệnh nhân cao tuổi nhập viện đều có bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, hen phế quản… do thời tiết lạnh làm bệnh tái phát. Những bệnh nhân bị tăng huyết áp bắt buộc phải uống thuốc huyết áp hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Huyết áp thường tăng cao vào lúc 4-5 giờ sáng, vì vậy người già không nên dậy quá sớm, không thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Đặc biệt, không nên tắm và gội cùng lúc.

Trong những ngày trời rét đậm, nếu người cao tuổi có triệu chứng như tê bì chân tay, nói ngọng, yếu, cần phải được gia đình đưa đi khám ngay để tránh bệnh diễn biến nặng, dẫn tới tai biến mạch máu não.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG