Ngày 10/8, bác sĩ Nguyễn Công Huấn, trưởng kíp trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, cho biết, nhiều trường hợp bị rắn cắn nguy kịch phải nhập viện. “Nửa tháng qua, chúng tôi tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị rắn cắn. Đa số ca bệnh là nông dân, người làm vườn, đi rẫy bị rắn cắn. Có trường hợp đang ngủ ở nhà, bị rắn bò vào cắn hoặc rắn núp dưới tủ lạnh, thò ra ngoài cắn người”, bác sĩ Huấn nói.
Một bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn phải nhập viện ở Gia Lai |
Theo bác sĩ Huấn, các loài rắn độc thường gặp ở Gia Lai là rắn lục đuôi đỏ, rắn khô mộc, rắn hổ mèo, rắn hổ mang chúa… Nọc độc của các loài rắn này gây rối loạn đông máu cực nhanh, gây độc thần kinh làm ngưng tim, ngưng thở bất cứ lúc nào. “Vừa rồi, có trường hợp người dân bị rắn hổ mang cắn, hoại tử rất nặng. Khoa Cấp cứu phải truyền mười mấy đơn vị máu, cứu sống thành công, giờ bệnh nhân đã xuất viện về nhà”, bác sĩ nói.
Chị N.T.T.T. (trú thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà cắn vào chân. Sau khi bị cắn, chị T. tim đập không đều, khó thở…, lập tức được người nhà chuyển đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. “May mắn, tôi được đưa đi cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch và đã xuất viện”, chị T kể.
“Khi bị rắn cắn, người dân cần thực hiện các biện pháp sơ cứu như: giữ tâm lý bình tĩnh, không tự đi lại hay cử động quá nhiều; làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước; nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt, ít nhất trong 12 giờ đầu”.
Bác sĩ Nguyễn Công Huấn - BV Đa khoa tỉnh Gia Lai
Chị B (trú thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) trong lúc làm cỏ bị rắn lục đuôi đỏ từ trong bụi rậm lao ra cắn vào tay. “Lúc mới bị cắn cảm giác như bị xước da, sau đó cơn đau tăng dần lên làm tê hết cả bàn tay”, chị B thuật lại. Người nhà tức tốc đưa chị B. xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.
Chị C.T. L (trú xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, Kon Tum) cất đôi ủng làm vườn ở trong nhà, rắn hổ mèo chui vào nằm sẵn từ lúc nào. Khi chị L mang ủng vào chân thì bị rắn cắn. Người nhà sơ cứu ban đầu rồi chở chị L xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Huấn cho hay, gần đây, Gia Lai xuất hiện loài rắn khô mộc, hình dáng như que củi. Nhiều người dân đi lấy củi nhầm tưởng que củi, khi đưa tay vào thì bị rắn cắn. Trường hợp thường gặp khác là rắn lục đuôi đỏ. Loài này màu xanh như lá cỏ, khi người dân làm cỏ, cắt tỉa cây trong vườn thì bị rắn cắn. Bác sĩ khuyến cáo người dân khi lao động ở rẫy, trang trại cần mang ủng, găng tay, bảo hộ lao động. Khi ở nhà, cần kiểm tra kỹ các ngóc ngách, nơi rắn có thể trú ẩn. Trước khi làm vườn, cần cầm gậy quơ vào bụi rậm, cây trồng để dễ dàng phát hiện, xua đuổi rắn.