Những năm qua, nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng trong sản xuất kinh doanh dịch vụ đã có nhiều sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao. Nền kinh tế nước ta dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức với những kịch bản khó đoán định.
Công nghiệp 4.0 đòi hỏi hạ tầng chuyển đổi số, nguồn dữ liệu giáo dục nghề nghiệp và các lĩnh vực ngành, nghề được tạo ra và quản trị sử dụng trên nền tảng khoa học dữ liệu. Đây là thách thức lớn và cơ bản với năng lực dự báo nhu cầu lao động và kỹ năng hiện nay của Việt Nam.
Việt Nam tuy đã tạo được tốc độ tăng trưởng cao, nhanh trong thời gian qua; quy mô của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đã được mở rộng và tăng khá. Nước ta có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không thoát ra khỏi mô hình kinh tế dựa trên lao động rẻ, phương pháp sản xuất công nghệ thấp.
Sức cạnh tranh và tiềm lực của doanh nghiệp và người sử dụng lao động yếu, doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, làn sóng vốn FDI chảy ngược về nước xuất xứ do nền công nghiệp 4.0 và giá nhân công Việt Nam không còn hấp dẫn sẽ làm ảnh hưởng việc tạo việc làm cho lao động sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp; hạn chế sự tham gia chủ động của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong giáo dục nghề nghiệp. Trong khi sự tham gia tích cực, hiệu quả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong giáo dục nghề nghiệp là một trong yếu tố quan trọng nhất đảm bảo giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Học sinh hệ trung cấp tại trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp |
Xu hướng dịch chuyển lao động yêu cầu phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động, đàm phán, công nhận kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp của nước ta còn thấp, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải tăng nhanh quy mô đào tạo trong thời gian ngắn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đào tạo.
Quy mô, cơ cấu và chất lượng, hiệu quả đào tạo, việc làm làm sau đào tạo chưa bền vững; đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, chuyển đổi đổi số và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay.
Giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn do công tác phân luồng, tâm lý trọng bằng cấp, gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Công tác chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được triển khai rộng rãi... Điều này đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho thị trường lao động.
Công tác tuyển sinh trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp vẫn còn khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề đòi hỏi năng khiếu. Thiếu nguồn lực để thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động. Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tuyển sinh 2,68 triệu người học nghề trong năm 2023.