Trường hợp thương tâm tử vong vào ngày 7/8 là bà L.T.T. (63 tuổi, ngụ tại Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân). Bà T.T. bị suy thận mạn tính đã phải chạy thận nhân tạo nhiều năm. Ngày 4/8 khi đến bệnh viện chạy thận theo định kỳ (một tuần chạy 3 lần) thì bà được bệnh viện test nhanh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Số ca bệnh tăng nhanh đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. |
Sau khi về nhà bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện trở nặng với biểu hiện mệt, khó thở. Ngày 6/8, người chồng và bà con lối xóm đã liên hệ rất nhiều lần với trung tâm cấp cứu, y tế địa phương và các bệnh viện nhưng đều nhận được thông tin “hết chỗ”. Lãnh đạo phường đã xuống thăm hỏi, động viên bệnh nhân. Tuy nhiên, địa phương cũng không thể hỗ trợ bà tiếp cận với dịch vụ y tế, nỗ lực đưa bệnh nhân tới bệnh viện của gia đình bất thành.
“Tối 6/8 vợ tôi khó thở, than mệt nhiều, tôi đã liên tục gọi điện nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, người trực tổng đài nói nếu sớm thì cũng phải đến 3 giờ chiều ngày hôm sau mới sắp xếp được. Khoảng 1 giờ sáng ngày 7/8 vợ tôi đã trút hơi thở cuối cùng” – Ông N.V.B. chồng người quá cố nghẹn ngào chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong qua điện thoại. Hiện, ông cũng đã được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, ông đang tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong sự lo lắng, bất an.
Tình trạng F0 chuyển nặng cầu cứu nhưng không nhận được sự hỗ trợ y tế hoặc khi được lực lượng y tế tiếp cận hỗ trợ thì bệnh đã diễn tiến nặng hoặc tử vong là một trong những vấn đề “nóng” tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM sáng 10/8.
Người bệnh rất cần được hỗ trợ y tế khi có diễn tiến trở nặng để tránh rơi vào nguy kịch. |
Theo đó, việc người bệnh không nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời không phải là trường hợp đơn lẻ mà diễn ra khá phổ biến tại các quận huyện và Thành phố Thủ Đức. Nhiều cơ quan báo chí đã tiếp nhận phản ánh của người dân. Khi người mắc COVID-19 chuyển biến nặng như mệt mỏi, khó thở, nồng độ oxy máu hạ thấp, bệnh nhân và thân nhân liên hệ với số điện thoại được cung cấp cũng như các bệnh viện, đường dây nóng Trung tâm cấp cứu 115 nhưng đa số chưa liên hệ được do tổng đài bận hoặc đã liên hệ được nhưng không thấy nhân viên y tế đến hỗ trợ.
Từ thực tế trên, phóng viên các cơ quan báo chí chia sẻ những khó khăn với ngành y tế khi số ca mắc, tử vong tăng cao đang gây áp lực rất lớn cho cả dự phòng và điều trị. Tuy nhiên, đại diện các cơ quan truyền thông đều mong muốn Sở Y tế có giải pháp để kịp thời hỗ trợ cho người bệnh không may mắc COVID-19.
Trước các thông tin phản ánh trên, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, sở sẽ rà soát và chấn chỉnh ngay để việc hỗ trợ y tế, cứu chữa bệnh nhân được diễn ra kịp thời, tránh tình huống đáng tiếc.
Ông Nam cho biết, khi số ca bệnh tăng cao trong cộng đồng, để giảm áp lực điều trị cho các bệnh viện tuyến quận huyện, bệnh viện dã chiến, Trung tâm Hồi sức COVID-19 và Bệnh viện Điều trị COVID-19, những trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ gia đình có đủ điều kiện theo quy định sẽ được chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà dưới sự hỗ trợ của y tế địa phương, các bệnh viện liên quan.
Các bệnh nhân COVID-19 được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3. |
BS Nguyễn Hoài Nam đã ghi nhận phản ánh của người dân, và đại diện ngành y tế thành phố chia sẻ với bệnh nhân F0 tại nhà. Ông Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, trên thực tế đã có trường hợp các đường dây nóng quá tải nên chưa kịp thời tiếp nhận được thông tin. Hiện tại, ngành y tế đang nỗ lực hết mình để khắc phục như nâng số line Trung tâm Cấp cứu 115 lên từ 40 đến 50 line để kịp thời tiếp nhận thông tin từ người bệnh và điều phối đến các đơn vị hỗ trợ.
"Thành phố tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng hỗ trợ F0 tại nhà, Sở Y tế TPHCM sẽ chấn chỉnh, rà soát lại, không để bệnh nhân F0 đang được chăm sóc điều trị tại nhà đơn độc" - Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam nói.
Hiện các bệnh viện tuyến quận huyện, Trung tâm Hồi sức COVID-19 đang gấp rút tăng số giường để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân F0 diễn tiến nặng. Nguồn nhân lực và trang thiết bị đang được huy động tối đa nhằm tăng khả năng tiếp nhận, hỗ trợ cho bệnh nhân. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế mong người dân chia sẻ khó khăn và tiếp tục tuân thủ các quy định phòng chống dịch để sớm đưa cả xã hội về giai đoạn bình thường mới.