Các trường ĐH cơ bản đã công bố đề án tuyển sinh 2021 và hầu như trường nào cũng tăng chỉ tiêu. Học viện Ngoại giao dự kiến tuyển 1.350 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo, tăng gần gấp 3 lần so năm 2020. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2020.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tăng hơn 500 chỉ tiêu so với năm ngoái đồng thời mở thêm một số ngành mới. Trường ĐH Mở TP.HCM tuyển 4.500 chỉ tiêu, tăng gần 400 chỉ tiêu so với năm 2020... Trường ĐH Văn Lang tuyển 7.000 chỉ tiêu cho 50 ngành đào tạo, tăng hơn 200 chỉ tiêu so với năm ngoái. Đáng chú ý, năm 2020, theo phản ánh của giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, trường ĐH Văn Lang, trường tăng quy mô tuyển sinh quá "nóng" trong những năm qua trong khi toàn bộ nhân sự cơ hữu của khoa này tính đến cuối tháng 11/2020 chỉ 31 người (gồm hai người ban chủ nhiệm khoa, hai thư ký khoa và 27 giảng viên).
Tuy nhiên, trong số giảng viên này có hai giảng viên đang nghỉ không lương dài hạn và hai giảng viên đã nghỉ việc. Do đó, các giảng viên phải lên lớp rất nhiều giờ và một người còn làm chủ nhiệm 3-4 lớp dẫn đến quá tải trong công việc. Khoa này hiện có 4.173 sinh viên (từ khóa 24 đến khóa 26). Trong đó, số lượng sinh viên khóa tuyển mới năm 2020-2021 là 1.847 sinh viên.
Khó kiểm soát hết các sai phạm
Năm nay, số trường ĐH giảm chỉ tiêu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong số ít các cơ sở đào tạo đó khi giảm gần 1.000 chỉ tiêu so với năm 2020 dù tăng thêm 3 ngành học mới.
Năm 2021, trường ĐH Cần Thơ dự kiến tuyển 6.860 sinh viên chính quy, giảm 2.000 chỉ tiêu so với năm trước. Theo ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Cần Thơ, lý do giảm chỉ tiêu nhằm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong khi đó, có thể thấy, chỉ tiêu của một số trường ĐH năm nay đã gần đạt đến chỉ tiêu của toàn bộ 8 trường ĐH và 4 khoa thành viên trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (với 11.250 chỉ tiêu) như trường ĐH Văn Lang, trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Còn chỉ tiêu vào ĐH Quốc gia TPHCM (với 8 trường ĐH thành viên) là trên 21.000 chỉ tiêu, gần gấp đôi chỉ tiêu vào ĐH Quốc gia Hà Nội.
Câu chuyện tăng trưởng nóng chỉ tiêu không phải mới tại Việt Nam. Những năm trước, một số trường đào tạo còn tập trung chỉ tiêu vào những ngành dễ tuyển mà không quan tâm đến đội ngũ giảng dạy có chịu tải được không. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã phải có quy định trong quy chế và các văn bản khác yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu theo khối ngành đào tạo dựa vào 2 tiêu chí: đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá các quy định của Bộ GD&ĐT liên quan đến xác định chỉ tiêu không thấp so với thế giới. Tuy nhiên, vẫn có kẽ hở để các trường “lách”. Ví dụ, đối với đội ngũ giảng viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu trình độ phải đạt từ thạc sĩ trở lên, vì vậy, chỉ cần thạc sĩ là có thể ký hợp đồng với trường ĐH để giảng dạy.
Hay như Bộ GD&ĐT có phần mềm để kiểm soát tình trạng “mượn” giảng viên giữa các trường nhưng Bộ không thể kiểm soát được tình trạng hợp đồng giảng viên trên giấy và chất lượng thực sự của đội ngũ giảng viên. Theo PGS. Điền, một điều quan trọng khác là việc thanh kiểm tra của Bộ GD&ĐT chưa thường xuyên nên không phát hiện ra những thiếu sót sai phạm của các cơ sở giáo dục ĐH.
Thực tế ở một số trường ĐH tư thục sử dụng nguồn giảng viên thỉnh giảng nhưng ký hợp đồng dài hạn. Những người này không làm việc toàn thời gian tại trường, không trực thuộc khoa, không làm giáo viên chủ nhiệm... như một giảng viên cơ hữu nhưng được trường đóng bảo hiểm đầy đủ như giảng viên chính thức. Những người này được tính vào tỉ lệ giảng viên/sinh viên khi nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Do vậy, giảng viên cơ hữu rất khổ khi phải "gánh" số lượng sinh viên tuyển được từ giảng viên thỉnh giảng quy đổi ra. Tại một hội nghị của Bộ GD&ĐT về tổng kết công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định, các trường ĐH không được tiếp cận theo hướng nhất quyết phải tuyển đủ chỉ tiêu, đông người học mà là tuyển người học có chất lượng không.
Người học đông nhưng quá trình đào tạo đào thải nhiều, chất lượng đầu ra không đảm bảo thì cũng sẽ khó được thị trường lao động chấp nhận. Tuy nhiên, bài toán kinh phí để tồn tại đã được không ít trường coi là mấu chốt quan trọng để tuyển sinh chứ không phải chất lượng đào tạo.
Nhiều ĐH tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo có đảm bảo?
0:00 / 0:00
TPO - Năm 2021, rất nhiều trường đại học (ĐH) tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Việc này liệu có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sau này vì hằng năm, các trường đều tăng dần đều chỉ tiêu qua mỗi mùa tuyển sinh?
MỚI - NÓNG
Truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 12 quân nhân hy sinh tại Quân khu 7
TPO - Tối 7/12, thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, Chủ tịch nước vừa có Quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba đối với 12 quân nhân thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5 (Quân khu 7).
Bảo tàng Đà Nẵng tạm dừng hoạt động, dọn sang tòa nhà 500 tỷ đồng
TPO - Bảo tàng Đà Nẵng chính thức tạm dừng hoạt động từ ngày 10/12 để chuyển sang địa điểm mới - là trụ sở HĐND TP. Đà Nẵng cũ được đầu tư hơn 500 tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp.
TPHCM: Xưởng cơ khí cháy lớn với nhiều tiếng nổ, 2 công nhân bị thương
Đám cháy lớn ở xưởng cơ khí nằm bên trong hẻm ở quận Bình Tân, TPHCM làm 2 công nhân bị thương phải nhập viện cấp cứu.