Nhiều cán bộ cấp cao 'dính chàm'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến trước Hội nghị Trung ương 6 đã có nhiều Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm bị kỷ luật, cách chức, bị xử lý hình sự do liên quan đến những vụ án, vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Câu hỏi đặt ra là vì sao “lò” đang nóng, xử lý quyết liệt nhưng cán bộ vẫn chưa biết sợ? Vì sao cán bộ liên quan đến các vụ án, vụ việc hiếm khi xin rút lui để giữ lại chút danh dự, liêm sỉ?

Để giải đáp một phần câu hỏi trên, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Tiền quá lớn, nhận quá dễ

Sau Đại hội Đảng XIII đến nay, đã có 7 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm bị kỷ luật, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự. Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực nội vụ, ông suy nghĩ gì về những con số này?

Nếu chỉ nhìn vào công tác cán bộ thì đây là một thực trạng buồn, có rất nhiều điều phải suy ngẫm, rút ra các bài học. Nhưng nếu nhìn về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, thấy rõ thái độ của Đảng là nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trước các sai phạm của những người có chức, có quyền trong bộ máy.

Đảng đã chứng tỏ “lò” không những được duy trì “sức nóng” mà còn có thể “nóng” hơn nữa.

Nhiều cán bộ cấp cao 'dính chàm' ảnh 1

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Điều đáng chú ý là kể từ sau Đại hội XIII, Đảng không chỉ chống tham nhũng mà còn tập trung chống cả tiêu cực. Đảng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh để tạo sự đồng bộ, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”. Những vụ việc nghiêm trọng, nổi cộm, dư luận bức xúc đều được xem xét, xử lý quyết liệt, tận gốc rễ. Trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực cách đây không lâu, Tổng Bí thư đã nói “ai không làm, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Điều này thể hiện sự quyết tâm về mặt chính trị của người đứng đầu đối với công tác này.

Còn về công tác cán bộ, đây đúng là một vấn đề khó. Qua các trường hợp bị xử lý thì thấy, đúng quy trình nhưng vẫn có thể chọn sai người. Cái này có nhiều lý do. Trước hết, một số trường hợp sau khi được bầu làm Ủy viên Trung ương rồi mới phát hiện ra sai phạm, như trường hợp của ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Những sai phạm của ông Nam, phần lớn ở thời kỳ công tác tại UBND nhưng sau Đại hội XIII của Đảng mới phát hiện ra và xử lý.

Tại trường hợp mới đây nhất là ông Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Bộ Chính trị, ông Quang có sai phạm từ trước chứ không phải sau khi trở thành Ủy viên Trung ương Đảng.

Nhiều cán bộ cấp cao 'dính chàm' ảnh 2

Những Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, từ trái qua phải, hàng trên: Trần Văn Nam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long; hàng dưới: Phạm Xuân Thăng, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang

Suốt một thời gian dài, chúng ta xử lý rất nghiêm, “không có vùng cấm”,“không có ngoại lệ”, nhưng vì sao vẫn xuất hiện những vi phạm mới, với mức độ rất nghiêm trọng, như vụ Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”. Phải chăng cán bộ không biết sợ?

Chưa nói đến các cán bộ là Ủy viên Trung ương, mà cán bộ, công chức bình thường làm trong các cơ quan Nhà nước cũng biết, nhận tiền hối lộ là vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng có lẽ họ đã không cưỡng được sức cám dỗ quá lớn, quá dễ của đồng tiền; không lường trước những hậu quả nghiêm trọng mà hành vi của mình có thể gây ra.

Trước “bối cảnh” đồng tiền quá lớn, nhận quá dễ, không thực sự có bản lĩnh, không vượt qua chính mình, cán bộ rất dễ chao đảo, sa ngã.

Nên từ chức khi không còn uy tín

Khi công tác PCTN, tiêu cực được thực hiện quyết liệt thì đội ngũ cán bộ trong bộ máy đâu đó cũng có tâm lý e ngại, không dám nghĩ, dám làm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ nhân dân. Điển hình là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra hiện nay, thưa ông?

Đúng là trong bộ máy, ở không ít nơi đang có tình trạng này; cán bộ không dám nghĩ, dám làm, chỉ tìm cách giữ mình an toàn. Ngoài nguyên nhân do những bất cập về mặt quy định của pháp luật, phải thấy rằng con người vẫn là yếu tố quyết định.

Nếu thực hiện nhiệm vụ bằng cái tâm trong sáng, vì lợi ích chung, không tư lợi cá nhân thì chẳng có gì phải sợ. Những trường hợp này chắc chắn sẽ được Đảng và nhân dân bảo vệ. Còn nói về quy định pháp luật, dù có chặt chẽ bao nhiêu đi nữa nhưng nếu người thực hiện không trong sáng, không vì lợi ích chung thì vi phạm vẫn diễn ra.

Vừa qua có rất nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng, dư luận bức xúc, nhưng rất hiếm trường hợp xin từ chức, vì sao thưa ông?

Thực tế, từ lâu Đảng đã nói và mong muốn có văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố dẫn đến chưa thể hình thành văn hóa từ chức như ở các nước. Trước hết, có thể do cán bộ không chịu, không muốn; khi chưa bị cách chức thì họ cứ bám víu vào. Bên cạnh đó, có một phần tâm lý của người Á Đông, đang làm vị trí đó, giờ từ chức thì lại mất hết mọi thứ, lo lắng dư luận cười chê. Có người cố “bấu víu” chức vụ chờ được trợ giúp, hoặc biết đâu được nương nhẹ trong xử lý.

Lần này, Bộ Chính trị đã có văn bản khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Quy định này nhằm tạo điều kiện để những cán bộ rút lui trong danh dự và dần dần tạo thành văn hóa từ chức trong hệ thống.

“Qua các vụ việc cho thấy, cái gốc là nội bộ đã không phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm từ đầu. Nguyên nhân do chất lượng sinh hoạt đảng ở một số nơi vẫn còn hình thức, chưa thực sự phát huy vai trò giám sát, phê bình và tự phê bình trong suốt thời gian dài. Đến khi vi phạm “bục” ra thì hậu quả rất nặng nề, cả về vật chất lẫn cán bộ” - Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG