Nhiều bé sinh non được cứu sống nhờ phương pháp kỳ diệu

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Em bé chào đời khi mới ở tuần thai thứ 27, cân nặng chỉ 900g khiến cặp vợ chồng khát con thấp thỏm lo âu, những tưởng không giữ được đứa con bé bỏng. 

Vậy mà như một phép màu, bằng sự kiên trì của cả các thầy thuốc và sự nhẫn nại của cha mẹ, người thân, đồng lòng chăm bé với phương pháp “da kề da” (ấp Kangaroo liên tục), sau một tháng rưỡi, bé đã đạt cân nặng 1,7kg trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

Cứu sống ca sinh non dưới 1.000gram đầu tiên

Đó là trường hợp con của vợ chồng chị Phạm Thị Thủy Tiên - anh Tôn Thanh Phúc (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Anh chị mong chờ con gần 6 năm qua. Đến khi chị Tiên mang thai, vợ chồng rất vui mừng. Không ngờ, thai chỉ mới 27 tuần tuổi thì chị bị vỡ ối. Tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, chị sinh được bé gái cân nặng chỉ 900g, trong tình trạng suy hô hấp. Các bác sĩ hỗ trợ cho bé thở bằng máy, áp dụng da kề da, ấp Kangaroo liên tục. Sau thời gian điều trị một tháng rưỡi, bé diễn tiến tốt, từ 900g đã đạt cân nặng 1,7kg.

Vừa say mê ngắm nhìn, chốc chốc hôn lên bầu má con, anh Phúc chia sẻ: "Những tưởng không giữ được con gái bé bỏng, nào ngờ nhờ sự tận tình, cận kề chăm sóc của các bác sĩ, cháu tăng cân đều đặn, gia đình tôi rất mừng". Theo BS Mai Thảo, Phó Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ), đây là trường hợp đầu tiên mà Khoa Sơ sinh điều trị thành công bé sinh cực non tháng, nhẹ cân dưới 1kg.

Một trường hợp sinh non tháng khác được điều trị hiệu quả là con của sản phụ N.T.H (quê ở Cà Mau), xuất viện ngày 18/8. Chị H chuyển dạ bất ngờ khi thai mới 27 tuần tuổi, cân nặng 1,2kg. Vì sinh non nên bé suy hô hấp nặng. Các bác sĩ phải cho bé thở máy khi vừa chào đời, kết hợp da kề da cùng mẹ và ấp Kangaroo tại phòng sinh. Sau đó, mẹ và bé đều chuyển đến Khoa Sơ sinh để được chăm sóc liên tục. Bé được nuôi ăn tĩnh mạch, sau đó, bác sĩ hỗ trợ bé ăn sữa mẹ.

Bé sinh cực non tháng nên ngoài suy hô hấp còn bị thiếu máu nặng, có những lúc sức khỏe bé diễn tiến xấu, cả ê-kíp bác sĩ tích cực hồi sức và truyền máu cho bé. Suốt hai tháng theo dõi, điều trị, bé cứng cáp hơn, với cân nặng 2,1kg. Qua khám tổng quát, mắt bé không bị mờ, phản xạ tốt, bú mẹ giỏi, hô hấp ổn định. Ngày ra viện, chị H xúc động nói: "Vợ chồng tôi rất lo lắng, cứ ngỡ con không qua khỏi, nhưng bé đã phục hồi sức khỏe kỳ diệu".

BS Mai Thảo chia sẻ, tình cảm của các gia đình bệnh nhi là nguồn động viên to lớn để các y, bác sĩ vững vàng trong công việc vất vả, cực nhọc từng ngày. Trước đây, khi chưa áp dụng phương pháp Kangaroo, việc điều trị những trường hợp sinh non tháng, nhẹ cân dưới 1kg hầu như thất bại. Trẻ nhẹ cân, non tháng phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: Suy hô hấp nặng, vàng da sơ sinh, bệnh màng trong, nhiễm trùng huyết, tổn thương mắt, thiếu máu, cơn ngừng thở… buộc phải can thiệp nhiều thủ thuật khiến trẻ đau đớn, gây nhiều biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Từ tháng 5/2016, khi Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ bắt đầu triển khai phương pháp ấp kangaroo cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ non tháng, kết hợp tận dụng nguồn sữa mẹ, điều trị thành công gần 90 bé non tháng nhẹ cân, giúp các bé tránh các thủ thuật xâm lấn tổn thương, sức khỏe tiến triển tốt, tăng cân đều đặn, tránh bị tổn thương mắt…

Những trường hợp hy hữu

Trùng hợp trong tháng 7/ 2016, Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) tiếp nhận chăm sóc, điều trị 3 trường hợp tam thai thụ thai tự nhiên, trong đó có những trường hợp mẹ bị bệnh lý tiền sản giật nặng. Các bé sinh ra đều khá nhẹ cân (từ 1,1kg - 2kg). Với các hướng xử trí đúng đắn, kịp thời, áp dụng các phương pháp hỗ trợ chính xác, sau thời gian điều trị, các bé đều diễn tiến tốt, tự bú mẹ, hô hấp ổn định. Theo y khoa, tam thai thụ thai tự nhiên là trường hợp hiếm gặp, với tỷ lệ 1/8.000.

Gia đình chị Nguyễn Kim Mị (27 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang) hồ hởi chờ buổi chiều ra viện ngày 25/8, sau một tháng điều trị tại Khoa Sơ sinh. Chị Mị chuyển dạ khi thai gần 34 tuần, kèm bệnh lý tiền sản giật. Các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu bắt con, được 3 bé (2 trai, một gái), với cân nặng từ 1,500kg đến 2kg. 

Các bác sĩ nỗ lực điều trị tích cực cho mẹ, cho các bé thực hiện phương pháp Kangaroo nhưng lúc đầu, gia đình không hợp tác, yêu cầu chuyển viện. Các bác sĩ tư vấn cặn kẽ cho người thân sản phụ hiểu rõ lợi ích của Kangaroo đối với trẻ nhẹ cân, non tháng, kiên trì hỗ trợ gia đình, giúp các bé lớn nhanh từng ngày. Sau một tháng điều trị, 3 bé lần lượt đạt cân nặng 1,9kg, 2,3kg và 2,5kg. Bà ngoại các bé vui vẻ nói: "Nhờ các bác sĩ nhiệt tình chăm sóc, đến nay con, cháu tôi đều khỏe mạnh. Gia đình tôi rất biết ơn".

Theo BS Mai Thảo, khó khăn của các ca sinh non tam thai này là khi các bé ra đời, các bác sĩ quyết định có cho bé thực hiện ấp kangaroo hay không, vì phải có hai người thân thường trực ấp Kangaroo cùng bé, là những người khỏe mạnh, không mắc bệnh lý về da và đồng ý ấp Kangaroo cho bé. Ngoài ra, cần có người thân chạy vòng ngoài, lo chuyện ăn uống, chăm sóc cho mẹ con sản phụ. BS Mai Thảo chia sẻ thêm, hiệu quả của điều trị trẻ sinh non tháng nhờ vào phương pháp Kangaroo là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, yếu tố quyết định sự thành công của phương pháp này chính là sự hợp tác của mỗi gia đình.

Thiêng liêng "cái ôm đầu tiên"

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngay sau khi lọt lòng, trẻ sơ sinh cần được tiếp xúc “da kề da” với ngực hay bụng mẹ trong vòng ít nhất 1 giờ. Biện pháp này mang lại rất nhiều lợi ích, giúp tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và kéo dài thời gian mẹ cho con bú.

Tiếp xúc "da kề da" là khi bé được đặt trần không áo quần trên ngực hoặc bụng trần của mẹ. Mặt, ngực, bụng và chân của bé áp sát người mẹ, không có khoảng trống. Bé có thể mặc bỉm và đội mũ. Đầu bé nghiêng về một bên, trên mình đắp một tấm chăn ấm. Theo WHO, phương pháp này cần được thực hiện liên tục trong vòng ít nhất 1 giờ ngay sau sinh và lặp lại càng thường xuyên càng tốt trong những tuần đầu. Trường hợp trẻ sinh mổ, tiếp xúc "da kề da"cần được thực hiện ngay khi mẹ tỉnh táo, có thể đáp ứng với xung quanh.

Tại Việt Nam, từ tháng 11/2014, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ”, trong đó có đề cập tới phương pháp tiếp xúc “da kề da” cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhiều bệnh viện Phụ sản - Nhi trong cả nước đã áp dụng phương pháp này và thu được các phản hồi tích cực. Hàng năm, Chiến dịch "Cái ôm đầu tiên" khuyến khích thực hành tiếp xúc “da kề da” giữa mẹ và con ngay sau sinh do Bộ Y tế phối hợp với WHO tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân, đặc biệt là các bà mẹ chuẩn bị sinh con.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG