Nhiều bãi cát bủa vây, người dân sống trong 'bão bụi' suốt 5 năm
TPO - Đến giờ trưa, khi nắng nóng hầm hập gần 40 độ C, người dân khu vực xã Hựu Thạnh (huyện Đức Hoà, Long An) lại lục đục kéo ống nước tưới đường ngăn bụi. Trong lúc đó, hàng đoàn xe ben, xe tải cứ nườm mượp ngược xuôi chở đất cát vẫn "tống" thẳng bụi vào nhà dân, cây cối...
Tại khu dân cư ven sông Vàm Cỏ Đông đoạn tỉnh lộ 830 nối dài kết nối với quốc lộ N2 dài khoảng 1km, các bãi tập kết cát đá, vật liệu xây dựng... trở thành nỗi khủng khiếp mà người dân gánh chịu gần 5 năm qua. Trong ảnh, dốc cầu Đức Hoà, bờ phía hướng về huyện Củ Chi (TPHCM) đi ngang dãy bãi tập kết cát đá ngay bờ sông.
Tán cây, mái nhà, sân... phủ đầy bụi.
Mái tôn đổi từ màu trắng bạc sang màu của bụi. Có thể nhìn rõ khi các nhánh dừa đung đưa, quét đi một phần bụi để lộ ra lớp tôn bên dưới.
Ông Lê Minh Trân, 68 tuổi, ngụ xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hoà chua chát nhìn cành cây xoài không thể phát triển như bình thường. "Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng này trong đời từ khi 5 bãi cát và một nhà máy bê tông xuất hiện từ 5 năm trước. Chúng tôi có gửi đơn tới xã, xuống huyện nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Tôi xin quý báo hãy chuyển những hình ảnh này đến cơ quan chức năng, xin hãy cứu người dân ở đây", ông Trân nói giọng uất nghẹn.
Phía trước nhà ông Trân là văn phòng tổ công tác Cảng vụ Đức Hoà thuộc Cảng vụ Đường thuỷ Nội địa khu vực 3 đóng kín cửa, ông Trân phải lấy tay che mũi khi ra trước cửa nhà.
"Xe ben chaỵ suốt ngày đêm như vậy sống sao nổi, nhà tôi toàn người già và trẻ em", ông Trân nhìn bão bụi nói giọng bất lực.
Phần đánh dấu để tránh xe ben, xe tải lấn vào trong nhà. "Không biết có ai cứu chúng tôi không chứ chúng tôi chịu hết nổi rồi. Trời nắng nóng vậy mà cứ 2-3 ngày là tôi phải lấy xẻng ra xúc cái mớ đất bám hai bên đường và mấy cái gốc cây đánh dấu. Điều đó cho thấy lưu lượng xe di chuyển và số lượng bùn đất là rất lớn", ông Trân bức xúc.
"Bàn thờ ông Thiên bụi đóng như thế này thì thờ cúng gì nữa, người sống còn thở ô xy huống chi ông trời", ông Trân chua chát.
Vật dụng trong nhà ông Trân chỉ cần vuốt ngang một cái là bụi bám vào tay như thế này.
Người dân khu vực này cũng luôn đóng kín cửa, mua thêm bạt che chắn bên trong cửa rào.
Một tấm rèm che của nhà thuốc tây bám đầy bụi.
Ông Nguyễn Văn Xuân (ấp 1B, xã Hựu Thạnh) sống ở đây gần 10 năm nhưng những năm gần đây phải cam chịu cảnh bụi bặm.
Không còn nhận ra chiếc bồn rửa tay.
"Lúc trước để thùng trà đá miễn phí cho người dân vãng lai uống. Từ khi có mấy cái bãi vật liệu xây dựng thì nó cũng nằm trơ ra đó", một người dân than thở.
Cây cối hai bên đường phủ đầy bụi.
Nhà máy bê tông nằm phía sau nhà ông Trân. Có thể thấy mức độ tác động của bụi mù mà ông Trân và người dân nơi đây phải gánh chịu.
Nhiều người dân tưới nước nhưng chỉ là biện pháp tạm thời vì trời nắng nóng, chỉ tầm 20 phút là đâu lại vào đấy.
Người dân di chuyển qua đoạn đường này khá vất vả.
Từ sáng sớm đến tối, hàng trăm lượt xe ben chở cát rơi vãi trên QL.N2 qua Long An khiến người dân khổ sở vì bụi.
Ban ngày, ồn ào nhất là khu vực ấp 2, ấp 4, xã Thạnh Lợi (Bến Lức) và khu vực dốc cầu Đức Hòa thuộc ấp 1B và ấp 2, xã Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa). Hai khu vực trên tồn tại 12 bãi cát “hoành tráng” đang được đoàn xe vận chuyển liên tục không có thời gian ngơi nghỉ.
Các xe này xuất phát từ các bãi cát Công Minh, Minh Mẫn, Vạn Phát, Thạnh Lợi... thuộc xã Thạnh Lợi ra QL.N2 đi về hướng huyện Đức Hòa. Tốc độ của những xe này không khác gì “hung thần” trên xa lộ.
Theo người dân, cũng có những chủ bãi cát thực hiện tưới nước mặt đường, lối ra, vào bãi cát nhưng cũng chẳng ăn thua. Đồng thời, người dân cũng thấy nhiều lần các lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý xe tải chở cát vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không thực hiện che chắn khi vận chuyển, chở quá tải, quá khổ làm rơi vãi đất, cát xuống đường ở những khu vực này.
“Khủng khiếp” nhất là đoạn đường thuộc Tỉnh lộ 830 kết nối với Quốc lộ N2, dài khoảng 1km, có đến 5 bãi cát, 1 trạm trộn bê tông hoạt động từ 5h sáng đến 18h chiều hàng ngày, có bãi hoạt động cả ban đêm.
Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ thì dường như các hoạt động ra, vào vận chuyển cát tại các bãi vật liệu khu vực này lại trở nên im ắng.
Khi lực lượng chức năng rời đi thì đâu lại vào đấy. Cứ thế, tình trạng xe tải ra, vào các bãi vật liệu với mật độ dày đặc vẫn ngày ngày làm rơi vãi cát xuống mặt đường, gây bụi mù mịt; trong khi người dân qua lại tuyến đường này vẫn luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ bởi nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.