Nhiệm vụ giữ vững dòng điện khi tiếp quản, giải phóng Thủ Đô

TP - Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội trở thành vùng tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày trước khi rút quân. Theo chủ trương của Đảng, ta đã thực hiện bảo vệ các nhà máy cần chú trọng nhất, những xí nghiệp có quan hệ trực tiếp đến đời sống của thành phố, trong đó có Nhà máy Đèn Bờ Hồ.

Đấu tranh đảm bảo đủ than, bảo vệ thiết bị máy móc tại Nhà máy Đèn Bờ Hồ

Cuộc đấu tranh gay go nhất ở Hà Nội lúc này nổ ra ở ba nơi: Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Cơ xưởng bưu điện và Ga Hà Nội. Nhiệm vụ trọng tâm của công nhân ở Hà Nội lúc này là bảo vệ nhà máy, các kho tàng, công sở, không cho địch di chuyển vào Nam, chống địch cướp bóc, phá phách trước khi rút quân.

Để Nhà máy Đèn Bờ Hồ có thể hoạt động, than là vấn đề sống còn. Lúc này, chủ Pháp âm mưu không tiếp tục chuyển than về 130 tấn/ngày như trước nữa mà dùng cho hết than dự trữ trước khi giao lại nhà máy cho Chính phủ ta.

Vạch rõ đây là âm mưu phá hoại của Pháp, trái với hợp đồng đã ký với thành phố khi nhận đấu thầu và cung cấp điện cho Hà Nội, ngày 15/9/1954, 250/280 công nhân viên chức nhà máy ký tên vào bản yêu sách đòi chủ Pháp phải mua than để nhà máy tiếp tục hoạt động và đủ dự trữ trong 2 tháng; trả lại máy móc, nguyên vật liệu; trả nợ lương,…

Sau nhiều lần chủ hứa suông, lại không tiếp đại biểu công nhân, toàn thể công nhân viên chức Nhà máy đồng loạt nghỉ việc và cùng kéo đến đấu tranh. Cuối cùng bọn chủ phải cho chuyển về đủ 4.000 tấn than dự trữ cho nhà máy.

Nhiệm vụ giữ vững dòng điện khi tiếp quản, giải phóng Thủ Đô  ảnh 1

Đoàn công nhân viên ngành Điện tuần hành trong ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: tư liệu

Cùng với đấu tranh đòi phải đảm bảo đủ than dự trữ cho nhà máy hoạt động, đội tự vệ Nhà máy được thành lập với hơn 30 đội viên. Hàng ngày, các chiến sỹ tự vệ phân công nhau trực ở những bộ phận quan trọng để giữ máy, đêm đêm bí mật canh gác để địch không phá hoại hoặc di chuyển máy móc.

Ngày 01/10 chúng lại chuẩn bị để di chuyển máy móc khỏi Nhà máy. Hơn 200 công nhân đã đình công, kéo đến vây kín xưởng máy. Mặc dù chủ đưa lính lê dương đến uy hiếp và mời Ủy ban kiểm soát quốc tế đến can thiệp, nhưng trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của công nhân, cuối cùng chúng cũng phải nhượng bộ, không thực hiện được ý đồ chuyển máy móc ra khỏi Nhà máy.

Sau những lần thất bại, 2 ngày trước khi quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội, lợi dụng thời gian thiết quân luật bọn chủ đưa ô tô đến để chuyển tài liệu hồ sơ nhà máy, Ban lãnh đạo đấu tranh đã huy động công nhân kéo vào bảo vệ nhà máy khiến bọn chủ buộc phải rút lui.

Thắng lợi của anh em công nhân viên chức Nhà máy Đèn Bờ Hồ, đảm bảo được điện cho thành phố, không những đã góp một phần rất quan trọng vào công việc đảm bảo an ninh ở Thủ đô Hà Nội trước ngày tiếp quản, mà còn khích lệ cổ vũ rất nhiều tinh thần đấu tranh của anh em công nhân và đồng bào Hà Nội.

Các cán bộ, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ cũng đã làm hết sức mình để đảm bảo nguồn điện thắp sáng Hà Nội và cho Thủ đô bừng sáng ngay từ ngày đầu tiếp quản Thủ đô.

Sáng ngày 10/10/1954, cả Hà Nội bừng sáng trong cờ, hoa và biểu ngữ. Hà Nội sạch bóng quân thù, chào đón đoàn quân từ năm cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Cùng với đồng bào Hà Nội, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ hân hoan chào đón đoàn quân cách mạng tiến vào tiếp quản Thủ đô. Dòng điện nhà máy tỏa sáng với niềm vui chung của người dân thành phố hoàn toàn được giải phóng. Một tháng sau ngày tiếp quản, việc quản lý và điều hành hoạt động của các cơ sở điện lực ở Thủ đô đã đi vào nề nếp.

"Tham khảo tư liệu, sách Lịch sử Đảng bộ Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành tháng 10/2012"

MỚI - NÓNG