Vừa qua, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một bệnh nhân đã được làm xét nghiệm ký sinh trùng sau khi có triệu chứng ngứa sẩn khắp cơ thể, đặc biệt tại lòng và mu bàn tay trái xuất hiện một vệt dài, nổi gồ lên. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với giun đũa chó, mèo.
Một bệnh nhân bị nhiễm giun đũa từ chó mèo trong nhà. |
Khi có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và nhận định vệt gồ trên tay bệnh nhân chính là do sự di chuyển của ấu trùng giun đũa chó, mèo dưới da. Qua khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân làm nghề nông và đang nuôi 8 con vật, trong đó có 3 con chó và 5 con mèo.
TS.BS Vũ Minh Điền (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ) cho biết: Giun đũa chó mèo là một loại ký sinh trùng phổ biến ở động vật và có thể lây nhiễm sang người, đặc biệt là trẻ em. Đây là một vấn đề đáng quan tâm vì nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Con đường lây nhiễm giun sán từ thú cưng đến người có thể qua nguồn tiếp xúc trực tiếp khi chơi đùa với chó mèo, đặc biệt là những “boss” chưa được tẩy giun định kỳ, trứng giun có thể dễ dàng bám vào lông, chân tay và các vật dụng xung quanh. Nếu bạn không rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với chúng, trứng giun có thể theo đường miệng xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra, trứng giun rất dễ dàng tồn tại trong môi trường, đặc biệt là ở những nơi có phân của chó mèo. Khi bạn tiếp xúc với đất cát, các vật dụng bị ô nhiễm phân, hoặc thậm chí là các khu vực công cộng nơi chó mèo thường đi lại, trứng giun có thể bám vào tay, quần áo và xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước hoặc đường miệng.
Trường hợp rau quả không được rửa sạch hoặc thực phẩm không được nấu chín kỹ, trứng giun cũng có thể lẫn vào và xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa.
Tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo trong cộng đồng hiện nay rất cao, đặc biệt ở các khu vực có nhiều người nuôi chó, mèo làm thú cưng. Trước đây, chó mèo chỉ được nuôi để canh giữ nhà cửa hoặc săn bắt chuột, nhưng hiện nay, chúng trở thành thú cưng phổ biến, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm giun sán cho người.
Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm giun đũa chó mèo bao gồm: sốt nhẹ, ho, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, và phổ biến nhất là ngứa, nổi sẩn và các ban trên da.
Các thú cưng nếu không được tẩy giun định kỳ sẽ dễ trở thành nguồn lây nhiễm giun sán cho chủ. |
Ở trẻ em, nhiễm giun đũa chó mèo có thể gây ra chậm lớn, suy dinh dưỡng, và làm giảm khả năng miễn dịch.
Trẻ em dưới 5 tuổi có thói quen nghịch ngợm, đưa tay vào miệng, ăn đất cát, người có hệ miễn dịch yếu, và những người thường xuyên tiếp xúc với chó mèo có nguy cơ nhiễm giun cao hơn.
Để hạn chế tình trạng lây nhiễm giun sán từ chó mèo, bác sĩ khuyến cáo:
1.Tẩy giun định kỳ cho chó mèo:
Tần suất: Nên tẩy giun cho chó mèo 3 tháng một lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ thú y, đặc biệt đối với những con vật thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Thuốc tẩy giun: Chọn loại thuốc tẩy giun phù hợp với từng loại vật nuôi, lứa tuổi và cân nặng. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để lựa chọn loại thuốc tốt nhất.
2. Vệ sinh môi trường sống:
Dọn dẹp phân: Hàng ngày, bạn nên thu gom và xử lý phân của chó mèo một cách cẩn thận, tránh để chúng tiếp xúc với đất, cát hoặc các khu vực mà trẻ em thường chơi đùa.
Vệ sinh chuồng trại: Lau chùi, khử trùng chuồng trại, đồ dùng của thú cưng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn.
Rửa tay sạch sẽ: Sau khi tiếp xúc với chó mèo, phân của chúng hoặc các vật dụng bị ô nhiễm, bạn cần rửa tay kỹ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
3. Vệ sinh thực phẩm:
Rửa kỹ rau quả: Trước khi chế biến, rau quả phải được rửa sạch kỹ dưới vòi nước chảy, đặc biệt là những loại rau ăn sống.
Nấu chín thức ăn: Thực phẩm, đặc biệt là thịt, cần được nấu chín kỹ trước khi ăn để tiêu diệt trứng giun.
Không ăn rau sống: Hạn chế ăn rau sống, đặc biệt là ở những nơi có nhiều ruồi muỗi và có khả năng bị ô nhiễm.
4. Vệ sinh cá nhân:
Cắt móng tay cho thú cưng: Việc cắt móng tay thường xuyên giúp hạn chế khả năng trứng giun bám vào móng và lây lan.
Tắm cho thú cưng: Tắm cho chó mèo định kỳ giúp loại bỏ trứng giun bám trên lông và da.
Không cho trẻ nhỏ mút tay hoặc đưa đồ chơi vào miệng sau khi chơi với chó mèo: Điều này giúp ngăn ngừa trẻ em nuốt phải trứng giun.
Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm giun đũa chó mèo bao gồm: sốt nhẹ, ho, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, và phổ biến nhất là ngứa, nổi sẩn và các ban trên da. |
5. Khám sức khỏe định kỳ cho thú cưng:
Việc đưa thú cưng đi khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh ký sinh trùng và các bệnh khác, đồng thời giúp bác sĩ thú y đưa ra những lời khuyên phù hợp về chăm sóc sức khỏe cho thú cưng.