Nhảy để kết nối

Nhảy để kết nối
TP - Nhảy để xóa bỏ những ngăn cách. Nhảy để gắn kết cùng nhau làm nên những điều tốt đẹp. Nhảy cộng đồng với số đông người tham gia đang trở thành nét đẹp của giới trẻ…

> Sẽ tiến hành lập chuẩn mới cho công nghệ thông tin
> 'Ước mơ xanh, Trà chanh'
> Cô gái Việt với giấc mơ đạp xe vòng quanh thế giới

Xóa ngăn cách

Gangnam Style, flashmob là những điệu nhảy gây sốt trên thế giới. Flashmob là hành động gây hiệu ứng đám đông, phổ biến là nhảy ngẫu hứng theo nhạc.

Gọi là ngẫu hứng nhưng để có các màn nhảy flashmob phải có sự chuẩn bị, sắp đặt. Những vũ điệu của flashmob thường đơn giản, dễ biểu diễn. Vì vậy, các chương trình nhảy flashmob dễ thu hút đông đảo người tham gia.

Cách đây một năm, video clip về chàng du học sinh Việt cầu hôn bạn gái bằng điệu nhảy với gần 100 người tham gia gây xúc động trong cộng đồng mạng. Từ đây, những điệu nhảy cộng đồng bắt đầu thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Một hình thức nhảy cộng đồng được biết đến từ lâu, là sợi dây kết nối bạn bè quốc tế mỗi khi đến TPHCM, đó là nhảy dân vũ. Ở Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu, không ít người lớn phải trầm trồ thán phục, say mê nhìn những em bé tự tin thể hiện những bài nhảy dân vũ, từ bài “Con cào cào” của Việt Nam, “Té nước” của Thái Lan, “Chicken Dance” của Anh, “Đàn gà con” của Pháp…

Anh Huỳnh Toàn, Tổng trưởng Tổng Đoàn Sao Bắc Đẩu cho biết: “Mỗi đất nước đều có một điệu nhảy dân vũ với bài nhạc riêng của đất nước đó. Trong những lần giao lưu với bạn bè quốc tế, nhiều bạn trẻ đến từ các nước như Thái Lan, Lào, Nam Phi, Tây Ban Nha… đã rất xúc động khi chứng kiến những bài nhảy dân vũ của đất nước họ được các bạn trẻ Việt Nam thể hiện”.

Gắn kết

Ở Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, cứ dịp cuối tuần lại có một buổi dạy nhảy cộng đồng miễn phí. Vào một ngày cuối năm ngoái, hơn 300 bạn trẻ đang sinh hoạt ở Nhà Văn hóa Thanh niên bất ngờ được mời tham gia buổi học nhảy đầu tiên.

Chỉ sau một tiếng đồng hồ, các bạn đã tập khá thuần thục một bài nhảy dân vũ. “Mình từng xem video clip về bài nhảy này trên mạng và có tập theo nhưng không thực sự hào hứng, vui tươi như khi được cùng nhảy với rất đông bạn trẻ khác”, Thúy Hằng, SV trường ĐH Kinh tế TPHCM nói.

Một điều khá thú vị, một số bạn trẻ nước ngoài đang tham quan ở đây cũng rất hào hứng tham gia cùng các bạn trẻ Việt Nam. “Không cần ngôn ngữ, chỉ với những điệu nhảy đơn giản đã xóa được sự ngăn cách”, Hồ Quốc Anh, SV trường ĐH Hồng Bàng tâm sự.

Anh Viết Bằng, thành viên ban chủ nhiệm CLB Nhảy múa cộng đồng Nhà Văn hóa Thanh niên cho biết: “Chương trình tạo điều kiện cho các bạn trẻ yêu thích môn nhảy này có thêm sân chơi, tập luyện.

Những điệu nhảy tuy rất đơn giản nhưng nhiều bạn trẻ thường bị ngợp khi xem những video clip với rất đông người tham gia. Vì vậy, trước khi tham gia, không phải ai cũng nghĩ rằng mình sẽ tập được một cách dễ dàng”.

Để tổ chức được một buổi nhảy flashmob, các bạn trẻ phải lên kế hoạch cụ thể về số lượng người tham gia, địa điểm, thời gian, âm nhạc, các cây nhảy chủ đạo và thông điệp truyền tải.

“Thật vô vị khi hàng trăm người cùng tập hợp lại nhưng không vì một mục đích và không có ý nghĩa gì”, Hà Khánh, SV trường ĐH Rmit nói.

Ngoài việc tạo không khí vui vẻ, sôi động, nhảy cộng đồng còn truyền đi những thông điệp ý nghĩa, nhân văn, tạo hiệu ứng mạnh trong giới trẻ. Đầu tháng 11-2012, hơn 5.000 bạn trẻ ở Hà Nội đã cùng nhau tham gia nhảy flashmob với thông điệp “Cùng nhảy múa đẩy lùi HIV và AIDS”.

Tháng 9-2012, hàng trăm bạn trẻ ở Hà Nội và TPHCM nhảy cộng đồng trong sự kiện “Yêu là yêu” nhằm ủng hộ tình cảm đối với cộng đồng đồng tính. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, vào tháng 7-2012, nhóm tình nguyện Hải Đăng tổ chức nhảy flashmob kêu gọi người dân bảo vệ môi trường tại công viên Bãi Trước.

Trong chương trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, 1.200 tình nguyện viên đã hòa mình trong điệu nhảy flashmob với sự tham gia của nhóm flashmob Đường phố TPHCM. Các bạn trẻ đã xếp thành bản đồ Việt Nam hình chữ S với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG