Giảm nhân lực, tăng hiệu quả
Sau khi được Trung ương cho phép, Quảng Ninh đã tiến hành nhất thể hóa chức danh ở một số địa phương. Đầu tiên là cấp phường - xã, tiếp đó là cấp huyện. Đồng thời, Quảng Ninh rà soát, tiến hành hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn chính quyền cùng cấp, có nhiệm vụ tương đồng. Công việc này được tiến hành theo hướng sử dụng cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc chung trụ sở, chung công việc.
Tiên phong trong việc nhất thể hóa một số chức danh cấp ủy và chính quyền, Quảng Ninh đã thực hiện “khắc nhập” hàng loạt chức danh như: bí thư kiêm chủ tịch HĐND, hoặc UBND cấp huyện; bí thư kiêm Chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp xã; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm chánh thanh tra; trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ; Trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch Ủy ban MTTQ… Hai địa phương cấp huyện được Quảng Ninh cho thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch là Tiên Yên và huyện đảo Cô Tô. Trong thời gian triển khai đề án, không ít lần lãnh đạo hai địa phương này phải xin ý kiến chỉ đạo, bổ sung, thay thế để điều chỉnh phù hợp với thực tế tại địa phương.
“Để làm được việc này cần có quyết tâm chính trị cao. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy không hề đơn giản. Nó kéo theo nhiều vấn đề như gây ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ do thay đổi môi trường làm việc, công chức, viên chức phải rời bỏ bộ phận đang làm, phải làm thêm nhiều việc hơn, làm những việc mới, chưa quen. Vì vậy, đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải hết sức quyết liệt, dám làm và biết cách làm, biết cách tạo động lực để cơ quan mới hoạt động tốt hơn”, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết.
Trong nhiều năm thực hiện thí điểm đề án, vấn đề lớn nhất đặt ra với việc tổ chức bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện xã là nguy cơ lạm quyền, độc đoán, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Khi hợp nhất, việc trao nhiều trọng trách cho một người sẽ đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực, hay sức nặng khiến công việc không trôi chảy, không dám làm, lại phải xin ý kiến tập thể, có tình trạng sợ nên núp bóng tập thể. Việc này dễ dẫn đến sai lầm, dễ mất cán bộ, gây tác hại cho xã hội.
Quảng Ninh đã thận trọng, chỉ đạo sát sao từng bước, giám sát việc thực hiện, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực khi thực hiện nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Ngăn ngừa tối đa những tiêu cực do tập trung quyền lực bằng cách phân định thẩm quyền giữa các cấp theo hướng tăng cường phân cấp, yêu cầu xây dựng quy chế mới, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu từng chức danh, phân cấp một số quyền của bí thư cho phó bí thư, của chủ tịch UBND cho cấp phó.
“Nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND Quảng Ninh đã làm ở cấp xã từ năm 2002, cấp huyện thì làm ở Cô Tô từ năm 1994. Khi thực hiện, chúng tôi thay hết quy chế làm việc ở những nơi đó. Thường trực cấp ủy giờ không phải như trước với bí thư và hai phó bí thư nữa mà giờ là thường trực ba bên “bàn đấy, quyết đấy, làm đấy”. Làm như vậy thì có gì vướng là xử lý luôn, dân kêu là tới luôn, có việc là giải quyết bằng phiếu kín luôn”.
Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh
Dân là thước đo
Việc nhất thể hóa chức danh sẽ làm tinh gọn bộ máy nhưng để phát huy được tính hiệu quả cần có đánh giá, cảm nhận của người dân. Sự hài lòng của người dân chính là thước đo giá trị của đề án. “Trước đây, cứ mỗi lần có việc phản ánh lên xã, chúng tôi phải báo cáo hết người này đến người nọ, chờ đợi được giải quyết nhưng sự việc lại bị “đổ” qua cho người này, người kia. Nhiều lúc chán nản không muốn phản ánh nữa. Đấy là chưa nói đến việc đi xin giấy tờ, đến ông này ký rồi chạy về xin dấu cô kia. Quá khổ!”, ông Hoàng Văn Thơi (62 tuổi, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn) nói.
Gặp chúng tôi tại UBND xã Đoàn Kết, ông Thơi cầm trên tay một tập giấy tờ hồ hởi khoe: “Giờ đi xin giấy tờ, dấu má khỏe lắm chú, thủ tục nhanh gọn mà không phải chờ đợi lâu hay chạy đi nhiều chỗ. Tôi vừa làm lại hộ khẩu vì chuyển về khu tái định cư, hôm trước đến khai báo, mấy hôm sau đã có sổ. Ai bận việc không đến lấy được thì được đăng ký gửi về tận nhà”.
Nói về việc xã nhà đang thực hiện việc nhất thể hóa chức danh bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã, ông Thơi cho biết, người dân đều được phổ biến thông tin này. Ông nhận định, việc “ghép người ghép việc” là hợp lý. “Cải cách bộ máy như vậy thực sự quá thiết thực với chúng tôi. Làm như thế, khi có việc, người dân phản ảnh gì thì chỉ cần nói với một người, làm việc với một đầu mối thôi là lãnh đạo nắm được”, ông nói.
Phường Bạch Đằng, phường trung tâm của thành phố Hạ Long có hơn 12.000 nhân khẩu, chia thành 7 khu vực dân cư. Cả phường có 23 công chức, trung bình mỗi ngày, phường phải giải quyết thủ tục cho hơn 50 trường hợp người dân tới giao dịch. Người đến, người đi liên tiếp tại các bàn thủ tục. Trung bình, mỗi bàn thủ tục cần xử lý công việc cho khoảng 15 lượt người/buổi làm việc.
“Công việc được giải quyết thuận lợi tạo sự đồng thuận trong người dân, doanh nghiệp nên cơ bản tới nay không còn tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Phường cũng luôn cập nhật thông tin từ thành phố, tỉnh để thực hiện nhiệm vụ, như hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ về kiến thức pháp luật về kỹ năng, thái độ khi tiếp xúc người dân”, ông Nguyễn Đình Nam - Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng.