Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt

Từ trong khu cách ly, Nguyễn Ngọc Linh 28 tuổi, du học sinh ở Milan (Italy) vẽ những bức tranh để động viên tinh thần bản thân và người xung quanh.
Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 1

Nhật ký trong khu cách ly được Nguyễn Ngọc Linh vẽ từ ngày 11/3.

Ngày 8/3, Linh về nước theo mong muốn của anh trai. Suốt 36 tiếng, cô "căng thẳng như một sợi dây chun bị kéo hết mức" vì nỗi sợ mang bệnh về nhà, sợ bị dư luận gọi là "bệnh nhân N.N.L", sợ liên lụy đến gia đình và bạn bè... dù khi quá cảnh ở Dubai đã được khám và xác nhận đủ điều kiện đi máy bay.

Đặt chân lên sân bay Nội Bài, nữ sinh mới thở phào nhẹ nhõm. "Cảm giác an tâm tràn vào mình như một miếng bơ quyện với mật ong tan trong nắng. Nhìn đoàn người xôn xao khai báo y tế trước mặt, mình nhận ra bản thân an toàn rồi", cô nói.

Sau được kiểm tra sức khỏe sơ bộ, ăn cái bánh mì trứng chả "ngon tới nỗi không nhà hàng ba sao Michelin hay bất cứ món ăn nào của Gordon Ramsay sánh nổi", Linh lên xe về khu cách ly tại Trường quân sự tỉnh Bắc Ninh.

Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 2

Linh ở trong căn phòng dành cho bốn người, sạch sẽ và đầy đủ đồ dùng, từ "chăn ấm, đệm êm" đến đôi dép tổ ong. "Được trang bị từ A đến Z thế này mà không khoẻ mạnh để bảo vệ Tổ quốc thì thật có lỗi", cô nói. Ở cùng Linh có hai cô gái khác cũng từ Milan trở về. Linh gọi họ là "hai cô tiên nhỏ". "Cả hai cô đều có tâm hồn ăn uống với đồ ăn được tiếp tế liên tục nên mình cũng không lo bị đói lắm", Linh dí dỏm nói thêm.

Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 3

Nếu hai người bạn cùng phòng được ví như "cô tiên nhỏ", trong mắt Linh, y bác sĩ "chắc chắn là thiên thần" bởi họ luôn luôn dịu dàng, kiên nhẫn bất chấp vất vả và nguy hiểm.

Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 4

Cơm nước có người nấu cho, đi tắm có bạn cùng phòng canh cửa, đồ ăn chưa đủ no có người gọi dịch vụ giao tới khiến Linh thấy mình như "công chúa". "Nếu bạn cảm thấy cô đơn và không được ai yêu thương, đi cách ly có lẽ là một trải nghiệm sưởi ấm trái tim bạn đấy", nữ sinh nhận xét.

Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 5

Để tăng sức đề kháng, Linh còn uống vitamin mỗi ngày. Cô cũng tuyệt đối tuân theo lịch sinh hoạt ở khu cách ly: 

7h: Cán bộ gọi dậy phát đồ ăn sáng, thường là bánh mỳ, xôi, bánh cuốn.

8h: Lau dọn phòng bằng nước khử trùng.

9h30-10h: Bác sĩ khám, đo thân nhiệt.

10h30: Ăn trưa.

15h: Bác sĩ khám lại.

17h: Ăn tối. Sau đó tắm rửa và sinh hoạt tự do.

Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 6

Những hộp cơm đơn giản nhưng có những món lâu không được ăn như lạc rang khiến Linh thích thú. "Canh rau luộc giúp vị giác và dạ dày trở nên nhẹ nhàng, bồng bềnh hơn bao giờ hết", mô tả.

Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 7

Vào đây, cuộc sống chậm lại, Linh để ý rằng mỗi người mỗi tính cách, sẽ có một kiểu gấp chăn khác nhau. "Ví dụ, có người trải hết chăn ra, phủ lên giường như một bãi biển...

Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 8

...lại có người gấp ngay ngắn, ngăn nắp như một hộp quà", cô nói. "Còn có người cuộn chăn tròn lại như một miếng trứng cuốn". 

Nhật ký cách ly bằng tranh ảnh của cô gái Việt ảnh 9

Từ tấm ảnh chụp phía sau khu cách ly, Linh vẽ một bàn cờ carô, trong đó biểu tượng thiên thần là các nhân viên y tế chiến thắng biểu tượng virus. "Tôi muốn truyền một sự tích cực và đáng yêu trong mùa dịch này cho cộng đồng bớt căng thẳng, cũng để mọi người thấy rằng cách ly không đáng sợ mà chỉ như một kỳ nghỉ nhỏ", Linh chia sẻ. "Cách ly là phương án tuyệt vời. Mình vừa có thể bảo vệ bản thân, lại cũng có thể phòng tránh được cho người khác", cô gái nói thêm.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.