Bà Kobayashi Maki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc gặp một số phóng viên Việt Nam ngày 10/10. (Ảnh: TĐ) |
Bà Kobayashi Maki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết như vậy trong cuộc gặp một số phóng viên tối 10/10 tại Hà Nội, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Kamikawa Yoko đến Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về chính sách dành cho người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, bà Kobayashi Maki cho biết, bất kể chính sách nào cũng không thiết kế cho riêng một quốc gia. Nhưng đã có nhiều lao động tay nghề cao từ Việt Nam, trong khi Nhật Bản đang đối diện với vấn đề dân số già. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản hiện nay đang suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về cách thu hút nhiều hơn lao động chất lượng cao, bằng cách mở rộng lĩnh vực chuyên môn và cải thiện điều kiện cho tốt hơn. Bà cho biết, việc thảo luận vẫn đang diễn ra, có thể đến năm tới mới có thay đổi.
Về câu hỏi Nhật Bản có làm gì để thu hút thêm du khách Việt Nam sang Nhật hay không, bà Kobayashi Maki cho biết, hiện Nhật Bản đang cân nhắc việc tạo thuận lợi về nhập cảnh cho người Việt Nam, không hẳn là miễn visa, nhưng có những cách khác để tạo thuận lợi hơn trong hệ thống thị thực.
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Yoko ngày 10/10, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Nhật Bản có các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực cho công dân Việt Nam như xem xét: Đưa Việt Nam vào danh sách các nước được cấp thị thực điện tử; cấp thị thực dài hạn (5-10 năm) đối với người Việt Nam đã vào Nhật Bản nhiều lần và không vi phạm pháp luật; từng bước tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh cũng như đang thực tập tại Nhật Bản (hơn 200.000 người). Tính đến tháng 12/2022, có trên 77.000 lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Trong tháng 1 năm nay, có hơn 51.500 lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản. Việt Nam là quốc gia duy nhất có lượng khách đạt mức tăng trưởng 45,6% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng ra. So với năm 2021, con số này tăng hơn 12.000 lần, theo số liệu của Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản.
Thâm hụt ngân sách vẫn duy trì ODA
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong rằng hoạt động cung cấp ODA cho các quốc gia có bị ảnh hưởng không khi Nhật Bản đang bị thâm hụt ngân sách khá lớn, bà Kobayashi Maki cho biết, chính phủ Nhật xác định vẫn phải tiếp tục hợp tác với các quốc gia bạn bè.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida gần đây áp dụng cách tiếp cận mới trong chính sách ODA.
Bà Kobayashi Maki cho biết, Nhật Bản trước kia thường chờ nước đối tác đưa ra ưu tiên và dự án mà họ mong muốn, nhưng nay, Nhật Bản chủ động đưa ra đề xuất với quốc gia đối tác để quá trình chuẩn bị nhanh hơn.
Theo chính sách mới, Nhật Bản đề ra các ưu tiên chính sách đối với ODA gồm: đạt được tăng trưởng chất lượng - nghĩa là tăng trưởng toàn diện, bền vững và kiên cường - cho các nước đang phát triển và giảm nghèo; duy trì và tăng cường trật tự quốc tế tự do và cởi mở; và đóng vai trò dẫn đầu trong việc ứng phó với tính phức tạp và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và quản lý thiên tai.
Bà Kobayashi Maki cho biết, Nhật Bản và Việt Nam đang hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ song phương đến các vấn đề khu vực và quốc tế. Nhật Bản đang làm việc chặt chẽ với Việt Nam trong những lĩnh vực cùng quan tâm, để Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam trong những vấn đề cụ thể, vì hoà bình và an ninh ở khu vực.
Bên cạnh các vấn đề song phương, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Kamikawa Yoko đến Việt Nam lần này còn để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản – ASEAN vào tháng 12 tới.
Theo bà Kobayashi Maki, nhân hội nghị quan trọng đó, hai bên sẽ đưa ra một tuyên bố thể hiện quyết tâm, tầm nhìn chung về các vấn đề khu vực, về tương lai chung mà hai bên muốn tạo dựng cùng nhau, về hợp tác trong các vấn đề của khu vực.
Bà Kobayashi Maki khẳng định, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng ở khu vực cũng như trong quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản. Bà cho rằng Nhật Bản và ASEAN đối mặt với nhiều thách thức chung, vì thế hai bên nên chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với nhau, kể cả trong những lĩnh vực như đề ra những quy tắc để kiểm soát phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Bà cho rằng hai bên có thể làm việc với nhau và trở thành đối tác tốt của nhau. “Quan hệ đối tác dựa trên sự tin tưởng là điều rất quan trọng đối với chúng tôi”, bà nói.