Nhấp nhổm trữ hàng tết

Chợ sỉ Bình Tây (Q.6) vắng hoe khách dù đang vào mùa cao điểm tết
Chợ sỉ Bình Tây (Q.6) vắng hoe khách dù đang vào mùa cao điểm tết
TP - Mặc dù đang vào mùa cao điểm kinh doanh hàng tết nhưng nhiều tiểu thương tại TPHCM không dám trữ hàng. Họđang nghe ngóng tình hình thị trường, nhất là khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Không dám chốt đơn hàng

Trưa 10/12, tại chợ Tân Định (Q.1), khu vực quầy hàng kinh doanh bánh kẹo mứt, hạt khô… đã được tiểu thương bày biện trên quầy kệ. Tuy nhiên không có nhiều khách đến xem hàng, xem giá. Vun lại khay mứt đậu, chủ sạp Thảo Sinh cho biết: “Thời điểm này mọi năm, tôi đã liên lạc với người cung cấp để đặt hàng các loại bánh, mứt tết để đặt cọc trước phòng sản phẩm tăng giá khi cận tết. Thế nhưng năm nay, đến giờ tôi vẫn chỉ nghe ngóng là chủ yếu, không dám “xuống tiền”, bởi lo dịch bệnh có thể bùng lên, người dân không mua sắm là mình… lãnh đủ”.

Còn bà Thoa (chủ sạp 635) có hơn 30 năm buôn bán ở chợ Tân Định nhìn nhận, chưa bao giờ ế ẩm như năm nay. “Gần như suốt năm, chúng tôi không buôn bán được bao nhiêu. Giờ sắp tết, hy vọng sức mua sẽ tăng hơn dịp cuối năm; vậy mà vừa qua lại có ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng nên lại thêm vắng khách. Giờ tôi chỉ dám lấy hàng với số lượng vừa đủ bán trong ngắn hạn, chứ không dám đầu tư, trữ hàng  tết” - bà Thoa nói.

Chợ Bình Tây (Q.6) - khu chợ sỉ chuyên cung cấp, phân phối các mặt hàng bánh, mứt đi các tỉnh hiện cũng ảm đạm không kém. Nhiều quầy hàng bánh kẹo “cửa đóng then cài”, không còn cảnh các cơ sở sản xuất rầm rộ chào hàng; tiểu thương tấp nập đóng hàng nhộn nhịp như trước. Theo tìm hiểu của phóng viên, do mưa lũ, thiên tai nên đã sụt giảm sản lượng các loại nguyên liệu nông sản dùng để làm các loại mứt như cà chua, hạt sen, mãng cầu… Ngay cả bánh kẹo, mứt ngoại nhập, hiện các đầu mối vẫn chưa chào hàng cho tiểu thương. Bà Liên (chủ sạp 682) buồn thiu: “Tiểu thương giờ cũng ngồi chơi không, sắp tới chỉ nhập hàng đủ bán tết chứ không dám dự trữ. Bởi dịch vẫn chưa qua, dự báo lượng khách sắm tết sẽ ít ỏi”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, cơ sở chuyên sản xuất các loại mứt trái cây Hùng Huy (Q.Tân Phú) cho biết, mọi năm cơ sở ông đầu tư khoảng 1-1,2 tỷ đồng mua các loại trái cây nguyên liệu để làm mứt và trái cây sấy, giao hàng đi các tỉnh. “Thời điểm này đáng lẽ đã chốt hết đơn hàng, nhưng đến giờ chưa thấy ai gọi mình đặt đơn. Vì vậy chúng tôi chưa có kế hoạch để dự trữ trước nguồn nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, để tránh bị động chúng tôi cũng chỉ dám đặt mua trước nguyên liệu với giá trị 400-500 triệu đồng, bán tới đâu sản xuất tới đó chứ không dám trữ sẵn, “ôm” hàng” - ông Hùng nói.

Với ngành hàng quần áo, túi xách, giày dép, đồ gia dụng… ở các chợ An Đông (Q.5), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Tân Bình (Q.Tân Bình)…, không khí chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho thị trường lễ, tết cũng trong trạng thái im hơi lặng tiếng.

“Ông lớn” cũng dè dặt

Ngay cả một số nhà sản xuất lớn cũng hồi hộp làm hàng mùa tết. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho biết, năm nay công ty không chuẩn bị tết rầm rộ như mọi năm. Mặc dù dự kiến tổng sản lượng tăng lên khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng chỉ tập trung vào những mặt hàng truyền thống (thủy hải sản đông lạnh, cháo tươi), không làm sản phẩm mới đặc biệt cho mùa tết 2021. “Sài Gòn Food vẫn làm bánh chưng tết nhưng với số lượng ít, cũng không có các trọn gói sản phẩm tết vì không biết được tình hình dịch COVID-19 thế nào, có bất ngờ xảy ra dịch lần ba hay không… Làm ra sản phẩm mà bán không hết thì  nguy hiểm” - bà Lâm chia sẻ.

Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (Đồng Nai) cho hay, hiện chưa có kế hoạch sản xuất rõ ràng. Lý do là các siêu thị rơi vào tình trạng lo ngại dịch COVID-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên “án binh” chưa chốt đơn hàng; các đối tác chuyên xuất khẩu bánh chưng sang Mỹ, Hàn Quốc cũng chưa đặt hàng. Cũng theo ông Toàn, khoảng trước tết 20 ngày, cơ sở này mới bắt đầu sản xuất bánh.

Ông Lê Thanh Hải, Ban Quản lý chợ Tân Ðịnh (TPHCM) cho biết: “Năm nay tiểu thương giảm hẳn việc trữ hàng tết do dịch bệnh, kinh doanh khó khăn, sức mua ở chợ giảm… Thay vì bán hàng trực tiếp, tiểu thương chợ truyền thống đưa hàng lên các kênh hiện đại như thương mại điện tử, bán hàng online… Chúng tôi hỗ trợ tiểu thương bằng cách cung cấp wifi tốc độ cao, sử dụng mạng miễn phí để bà con kinh doanh hiệu quả hơn”.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa và chuẩn bị nguồn hàng tết. “Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa để chủ động phối hợp doanh nghiệp bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, đặc biệt vào mùa tết” - ông Vũ nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.