Nhấp nhổm 4G

Nhấp nhổm 4G
Nhiều chuyên gia khẳng định nên sớm triển khai ứng dụng công nghệ 4G tại VN bởi nhu cầu sử dụng dịch vụ 4G đã hiện hữu trước mắt. Trong khi đó, không ít người lo lãng phí, 4G ít thiết bị đầu cuối tương thích.

Viettel là nhà mạng di động đầu tiên cho phép khách hàng thử nghiệm trên nền 4G các dịch vụ chính: HD VOD (video độ nét cao theo yêu cầu), IPTV HD (truyền hình Internet độ nét cao), video conference (hội nghị truyền hình)...

Với băng thông được cấp phát thử nghiệm là 10 MHz, mạng 4G thử nghiệm của Viettel đạt đến tốc độ lớn nhất 71.6 Mbps với đường tải về và 23.19 Mbps với đường tải lên.

Theo nhà mạng này, các chỉ số về tốc độ, độ trễ, khả năng thiết lập hoàn toàn đáp ứng được các dịch vụ yêu cầu chất lượng và tốc độ cao nhất. Công ty FPT Telecom và Trung tâm Điện toán và truyền số liệu VDC - đơn vị được VNPT giao thử nghiệm 4G - cũng cho biết kết quả thử nghiệm 4G là rất khả quan, hoàn toàn đáp ứng tốt các dịch vụ truyền dữ liệu tốc độ cao...

Sẽ cộng hưởng 3G, ADSL

Ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc FPT Telecom, cho biết các nhà mạng di động tại VN đang cung cấp dịch vụ 3G ở mức tốc độ 7.2 Mbps - 14.4 Mbps. Tuy nhiên đối với các khu vực có mật độ người sử dụng cao (TP.HCM, Hà Nội...), tốc độ này là khá thấp và chỉ đáp ứng nhu cầu truy nhập các trang web đơn giản.

Trong khi đó, hiện tại nhu cầu sử dụng của người dùng phần lớn tập trung vào các dịch vụ video, âm nhạc, hình ảnh với xu hướng đạt chất lượng cao hơn, chẳng hạn chuẩn độ nét cao HD.

“Như vậy, 3G đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản cho đối tượng thường xuyên di chuyển, nhưng lại hạn chế ở những dịch vụ mới yêu cầu tốc độ cao đang phát triển rất nhanh. Đây là khu vực dịch vụ 4G nhắm tới” - ông Khoa nhận định.

Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hiệp hội Internet VN, trưởng ban 4G Tập đoàn VNPT, cho rằng: “Sự xuất hiện của 4G sẽ giúp cộng hưởng thêm khả năng đáp ứng nhu cầu kết nối Internet tại VN chứ không hề loại trừ các công nghệ đã có”.

Cụ thể, mạng 4G sẽ nhắm vào những dịch vụ đòi hỏi truyền tải dữ liệu tốc độ cao, bù cho giới hạn tốc độ và băng thông hiện hữu của 3G, giúp 3G phục vụ tốt những dịch vụ kết nối tầm thấp và dịch vụ cơ bản.

Mạng 4G cũng san sẻ phần nào truyền tải cho các kết nối Internet có dây phổ biến hiện nay như ADSL, cáp quang.

Tuy nhiên, ông Liên cũng khẳng định: “Không bao giờ có chuyện 4G đánh bật ADSL khỏi thị trường truy cập Internet. Nói rộng hơn, những công nghệ kết nối không dây như 3G, 4G không thể thay thế kết nối có dây như ADSL, cáp quang... Mỗi công nghệ có một ưu thế riêng, chúng hỗ trợ, bù đắp cho nhau, đáp ứng nhu cầu người dùng”.

Băn khoăn thiết bị đầu cuối

Ông Liên cho biết đang có khá nhiều quan điểm khác nhau về các công nghệ 3G, 4G. Nhiều người cho rằng 3G hiện nay vẫn chưa được sử dụng hết, chưa đem lại hiệu quả cao... thì ứng dụng 4G làm gì, triển khai 4G sẽ là lãng phí, 4G là xa hoa.

“Thế nhưng nếu đặt dấu hỏi về các ứng dụng đòi hỏi đường truyền dữ liệu tốc độ cao như: hội nghị truyền hình, video, truyền hình trực tuyến... thì 3G có đáp ứng được đâu! Với những dịch vụ yêu cầu tốc độ cao như trên, thực tế đã được ứng dụng nhiều tại VN, không còn là xa hoa nữa, việc sớm triển khai ứng dụng 4G là cần thiết, càng sớm càng tốt”, ông Liên nói.

Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia công nghệ lo ngại một công nghệ mới như 4G muốn ứng dụng nhanh ra thị trường cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các thiết bị đầu cuối, thế nhưng hiện tại các thiết bị đầu cuối 4G trên thị trường VN rất hạn chế, chủ yếu mới có ở các thị trường châu Âu, Mỹ đưa về VN với giá khá cao.

Vấn đề này được ông Nguyễn Văn Khoa lý giải: “Trong tháng 3 vừa qua, Apple đã tung ra thị trường máy tính bảng iPad tích hợp mạng 4G có chi phí tương đương phiên bản dành cho mạng 3G. Đây là một bằng chứng cho thấy chi phí thiết bị đầu cuối 4G sẽ nhanh chóng giảm giá xuống mức tương đương 3G hiện tại”.

Đại diện Viettel cũng cho biết: năm 2005 các doanh nghiệp tại VN bắt đầu thử nghiệm 3G, tới giữa năm 2009 mới được cấp giấy phép triển khai chính thức.

Với việc thử nghiệm ứng dụng thành công công nghệ 4G hiện nay, đến năm 2015 sẽ là thời điểm phù hợp để VN cấp giấy phép chính thức triển khai ứng dụng 4G.

Truyền dữ liệu lớn nhanh hơn

4G (còn gọi là LTE - Long Term Evolution) là bước phát triển tiếp theo sau công nghệ 3G.

Công nghệ 4G (tốc độ truyền tải tối đa 100 Mbps khi di chuyển và lên đến 1Gbs khi đứng yên) với băng thông rộng gấp bảy lần so với 3G cho phép truyền tải dữ liệu lớn với tốc độ rất nhanh, giúp cung cấp những nội dung có hình ảnh sắc nét, âm thanh chất lượng cao, mang đến cho người dùng những trải nghiệm tức thời về khả năng kết nối mạng.

Hiện trên thế giới có khoảng 17 mạng đã triển khai kinh doanh dịch vụ 4G.

Theo Đức Thiện
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG