Nhập nhằng chuyện mặt bằng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội ‘giậm chân tại chỗ’

0:00 / 0:00
0:00
Nhập nhằng chuyện mặt bằng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội ‘giậm chân tại chỗ’
TPO - Chờ nhận mặt bằng để thi công và trùng lặp mặt bằng với các dự án khác đã khiến một số hạng mục mở rộng Xa lộ Hà Nội phải “giậm chân tại chỗ”.

Ngày 17/11, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) cho biết, Dự án BOT Mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) vẫn đang gặp khó khăn về các vấn đề liên quan đến mặt bằng để thi công.

Cụ thể, trục đường chính đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào khai thác. Hiện nay, trục đường song hành bên phải còn vướng mắc vấn đề chưa bàn giao mặt bằng của 28 hộ dân ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức (dài khoảng 400m với diện tích là 4.150m2) cùng 1 công ty (dài khoảng 200m với diện tích là 8.652m2)… Bên cạnh đó, nhiều hộ dân thuộc phường Phước Long B, Hiệp Phú cũng chưa bàn giao đúng ranh giải phóng mặt bằng (GPMB).

Về vấn đề này, UBND quận 9 (cũ) đã nhiều lần vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng nhưng các hộ dân chưa đồng ý, đồng thời đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM xin chủ trương cho phép cưỡng chế. Dự kiến thực hiện xong GPMB và bàn giao trong tháng 1/2022.

Nhập nhằng chuyện mặt bằng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội ‘giậm chân tại chỗ’ ảnh 1

Điểm đầu đường song hành bên phải (đoạn từ Khu công nghệ cao đến Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, TP Thủ Đức).

Về trục đường song hành trái: Phần mặt bằng bàn giao bổ sung rộng 6,5m dài khoảng 500m (từ ranh 63,5m theo quy hoạch lộ giới tuyến đường Quốc lộ 1 đến ranh 70m, tiếp giáp phạm vi Đại học Quốc gia TPHCM) có 27 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó 23 hộ đã bàn giao mặt bằng nhưng tái lấn chiếm; 1 hộ dân đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, 3 hộ dân đã được địa phương cưỡng chế mặt bằng. Chủ đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị quận Thủ Đức (cũ) hỗ trợ an ninh trật tự và vận động một số hộ dân tháo dỡ phần đất lấn chiếm, để đơn vị lấy mặt bằng thi công đường song hành. Đến ngày 31/10/2021 vẫn chưa có gì thay đổi.

Ngoài vấn đề về GPMB, trục đường song hành trái còn bị trùng lắp mặt bằng với 3 dự án khác trong cùng 1 thời điểm.

Cụ thể: Trùng lắp mặt bằng thi công Dự án đường sắt Bến Thành – Suối Tiên: 8 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt gồm ga Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, với chiều dài khoảng 1.800m.

Trùng lắp mặt bằng thi công Dự án vệ sinh môi trường thành phố, giai đoạn 2: Đơn vị đã thi công phần đường mở rộng (khoảng 6m) với chiều dài khoảng 600m (từ ga Thảo Điền đến đường Thảo Điền), sau đó đã bàn giao mặt bằng để DA vệ sinh môi trường thành phố, giai đoạn 2 tiếp nhận thi công cống thoát nước thải. Hiện nay, dự án vệ sinh môi trường, giai đoạn 2 vẫn chưa bàn giao hoàn trả lại mặt bằng.

Nhập nhằng chuyện mặt bằng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội ‘giậm chân tại chỗ’ ảnh 2
Đường song hành Xa lộ Hà Nội từ cầu vượt Trạm 2 vẫn đang vướng mặt bằng chờ bàn giao.

Trùng lắp mặt bằng thi công Dự án xây dựng tuyến ống cấp nước D2400mm từ ngã tư Bình Thái về cầu Điện Biên Phủ: Trùng lắp với phạm vi 07 giếng đào (chiều dài khoảng 513m), để kích ngầm đường ống cấp nước D2400. Những phạm vi trùng lắp này, Công ty và Sawaco (chủ đầu tư dự án đường ống nước D2400), đã thỏa thuận sử dụng phạm vi mặt bằng thi công, để tránh thi công những khối lượng công việc trùng lắp. Dự kiến Sawaco thi công từ quý 2/2021 đến tháng 10/2022. Đến 31/10/2021 vẫn chưa có gì thay đổi và Sawaco vẫn chưa triển khai thi công.

Theo doanh nghiệp thực hiện dự án, công tác bàn giao mặt bằng của các địa phương thực hiện chậm, kéo dài so với thời gian dự kiến trong hợp đồng BOT. Đặc biệt là đoạn trên địa bàn (quận 9 cũ) TP Thủ Đức và trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh đó, một phần mặt bằng thuộc phạm vi của đường song hành trái trùng lắp với mặt bằng thi công của dự án đường sắt Bến Thành – Suối Tiên, cho nên phải phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt để tiếp nhận từng phần mặt bằng, tại những vị trí đã lao lắp dầm để lấy mặt bằng thi công.

“Việc chậm có mặt bằng để thi công làm cho dự án kéo dài thời gian hoàn thành, phát sinh chi phí quản lý của chủ đầu tư, phát sinh chi phí xe máy thiết bị và nhân công do phải chờ đợi có mặt bằng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân...”- Doanh nghiệp thực hiện dự án nêu lên trong báo cáo.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị thi công kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án GPMB đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương và sớm hoàn thành công tác đền bù GPMB, đoạn trên địa bàn TP Thủ Đức và trên địa bàn tỉnh Bình Dương, để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thi công những phạm vi còn lại của dự án.

Đồng thời, kiến nghị Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình (các nhà ga của của đoạn cầu cạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học quốc gia), để sớm bàn giao lại mặt bằng cho dự án; Sở Kế hoạch Đầu tư sớm thẩm định và trình UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, theo kiến nghị của Nhà đầu tư.

MỚI - NÓNG