> Xử lý thế nào với mũ bảo hiểm biến tướng?
Anh Vương luôn tâm niệm: Không được nhanh một phút mà chậm cả đời. Ảnh: HTN. |
Đường Nguyễn Chí Thanh (Buôn Ma Thuột) thuở bắt đầu thi công, còn bạt ngàn cỏ vi vu mọc lút đầu người, nay đã là đại lộ Nguyễn Tất Thành thẳng tắp, thênh thang.
Bất cập ở chỗ, tăng trưởng quá nhanh, lượng ô tô, xe máy quá đông, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông hụt hơi trong cuộc đua. Cộng với ý thức kém của nhiều tầng lớp tham gia giao thông, tình trạng đường chúng ta đi (mạnh ai nấy chạy, thích thì dừng, thích thì rẽ…) diễn ra tràn lan.
Cứ nhìn hai thành phố lớn, hiện đại nhất Việt Nam là Hà Nội, TPHCM đã thấy ngay văn hoá giao thông của người Việt co giãn tựa dây thun. Chật mấy người ta cũng có thể chèn nhau được, và rộng vậy chứ rộng nữa cũng không đủ, cũng bung ra cho bằng hết.
Ông Takagi Michimasa, tư vấn trưởng của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, trong phát biểu của mình tại hội nghị dự thảo chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam, nhận xét: Điều khó sửa trong cách tham gia giao thông của đa số người Việt là sự bất cẩn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức…
Vì vậy, hỗn loạn, ùn tắc, tai nạn xảy ra như cơm bữa là điều tất yếu.
Dù phương tiện truyền thông thường xuyên cảnh báo nhắc nhở, tai nạn giao thông vẫn diễn ra mỗi ngày. Những vụ tai nạn thương tâm, những cái chết tức tưởi, cả những cái chết vô duyên do cẩu thả, không biết nhường nhịn. Những bài học xương máu, nước mắt, cả xác người… ngay trước mắt vậy mà ít người chịu hiểu, nên tai nạn giao thông như cỗ máy xay thịt vẫn từng giây, từng phút tác yêu, tác quái trên khắp ngả đường.
Nếu như có hai chữ giá như trong tất cả trường hợp tai nạn… Giá như mình chạy chậm, hoặc chịu khó dừng lại quan sát trước khi qua đường, qua nơi giao nhau. Giá như đừng tin xe mình là loại xịn, có hệ thống phanh hãm hiện đại có thể dừng bất kỳ lúc nào. Giá như mình đi đúng phần đường. Giá như bật xi nhan, hay nhá đèn, hay chủ động còi báo cho người ta biết…
Khó tính để an toàn
Sau gần 20 năm trong nghề lái, từ máy ủi, máy kéo cho đến ô tô các loại, bây giờ tôi là thầy giáo dạy lái xe. Thử hỏi: Ai đã dạy cho rất nhiều người dân tộc thiểu số, ngay cả người Kinh khắp Tây Nguyên này, khắp đất nước này biết chạy xe đạp, xe máy, công nông, máy cày, xe độ, ô tô…?
Tôi ngờ rằng hơn 2/3 sẽ trả lời: “không ai dạy”, “tự học”, “mò đại”, “cứ chạy là biết, nghề dạy nghề”…Có người đang đi phụ xe mà ngồi lê nói xấu, chê cả chủ xe, tài xế đang dạy mình học lái là “chạy yếu lắm, chạy không ra gì mà hay nói…”. Thế đấy!
Tôi may mắn được học nghề sử dụng lái máy tại trường chuyên nghiệp, ra trường bậc thợ 3/7, nâng cấp lên lái xe hạng C, rồi E. Nhớ lại những ngày đầu tập lái xe, gặp ông chủ là Nguyễn Thái Vinh. Anh cẩn trọng và nổi tiếng là người khó tính trong nghề nghiệp. Đi số có tiếng kêu, chân ga phập phù là anh chỉnh ngay.
Trời nắng nóng trong điều kiện xe có tải, không bao giờ anh cho tài xế chạy quá 50 km/h. Đêm khuya tưởng anh ngủ say, chạy nhanh một chút, anh bùng dậy thảng thốt nhắc chạy chậm lại…
Sau này làm chủ một chiếc xe, tôi cũng nổi tiếng là tài xế khó tính. Tôi chiêm nghiệm: “Những người mới vào nghề lái xe, chỉ gặp những tài xế nghiêm khắc như vậy mới nên người, mới tồn tại lâu trong nghề lái xe và không dính vào tai nạn, nhiều khi là chính mình giết mình”. Giờ dạy lái xe càng thấm thía điều này.
Gần 20 năm, tôi ôm tay lái, đi qua biết bao nhiêu ngả đường đất nước, chở biết bao nhiêu tấn hàng hóa, biết bao nhiêu chuyến hành khách đi đến nơi về đến chốn an toàn, bỏ qua biết bao ánh mắt nhìn có cả yêu thương, giận dữ…
Học cư xử lấy nhường nhịn làm gốc rễ một điều nhịn, chín điều lành, ác giả, ác báo. Làm việc bằng cái tâm, lái xe bằng cả con tim, khối óc nhạy cảm, minh mẫn, biết yêu thương, chia sẻ và đau trước những đau thương, mất mát…
Mọi lời giảng rút từ những chặng đường mồ hôi nước mắt đời mình, tôi luôn muốn lặp đi lặp lại là: Đừng vì một phút bất cẩn mà gây họa cho người khác. Đừng vì nôn nóng về sớm một tý mà dẫn đến thương tật, chết người! Rất nhiều tài xế yêng hùng trước đó chỉ vài giây thôi còn hoành tránh, oai phong lẫm liệt, ngồi lên xe thì trời cũng nhỏ…
Nhưng tất cả trong một cái chớp mắt đã mặt, mũi, tay, chân mỗi nơi mỗi mảnh. Chỉ còn cái mồm không còn răng ngáp ngáp. Đôi mắt thất thần không chịu nhắm, trừng trừng không chịu hiểu…
Tôi viết bài này sau rất nhiều năm cầm vô lăng. Tôi cầu nguyện cho tất cả mỗi khi ra đường đều trở về nhà an toàn và hai chữ GIÁ NHƯ… đừng bao giờ xuất hiện sau mỗi tai nạn, trong đầu người đã chết và cả những người đang sống!