Nhận xét, gợi ý giải đề: Đề Ngữ văn hướng học sinh trân trọng cuộc sống mỗi ngày

TPO - Sáng nay, thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn, cũng là môn thi bằng hình thức tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đánh giá của giáo viên, đề thi vừa sức, có độ phân hóa với thí sinh.

Cô giáo Hà Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội): Đề thi vừa cơ bản vừa có độ phân hóa

Đề thi Ngữ Văn theo đúng cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa cơ bản vừa có độ phân hóa.

Ở phần đọc hiểu, ngữ liệu đề ra khá hay, đề cập đến vấn đề tư tưởng đạo lí có ý nghĩa với các em học sinh, đó là sống hết mình cho hiện tại qua cách diễn đạt giàu hình ảnh, tác động sâu sắc đến tư tưởng, nhận thức.

Các câu hỏi được sắp xếp theo đúng các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Câu 4 học sinh có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình về vấn đề sống hết mình cho hiện tại để có thêm niềm tin ở tương lai. Đây là một vấn đề rất thiết thực để giúp học sinh biết trân trọng và phát huy hơn những gì các em đang có.

Phần nghị luận xã hội câu hỏi rất sáng rõ, bám sát phần đọc hiểu. Học sinh phải nêu được sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày bởi lẽ được sinh ra, được sống là điều đáng quý nhất. 

Phần nghị luận văn học: Văn bản Đất Nước rất quen thuộc và nằm trong kiến thức trọng tâm ôn tập. Về dung lượng đoạn trích đề ra hơi dài, đòi hỏi học sinh vận dụng hết các kĩ năng cảm nhận, phân tích, bình luận,…

Cái hay của đề Văn năm nay là nội dung của các phần từ Đọc hiểu đến Làm văn đều khơi dậy ở các em học sinh ý thức được sâu sắc về trách nhiệm của bản thân với chính mình và với cả xã hội. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, khi cả nước đang phải đối diện khó khăn do dịch bệnh thì đây thực sự là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc.

Với đề thi này, phổ điểm của học sinh tầm từ 6-7.

Cô giáo Vũ Thị Bình, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội): Đề Văn phù hợp với thực tế 
Cấu trúc đề thi Ngữ văn năm nay không thay đổi so với kỳ thi THPT Quốc gia 2019, bám sát đề thi minh họa lần 2 năm 2020. Nội dung kiến thức nằm trong khung chương trình đã được tinh giản sau khi điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch CCOVID-19. 

Nội dung không gây bất ngờ với học sinh, tập trung vào phần trọng tâm kiến thức cơ bản. Đề thi có cả phần cơ bản và phần nâng cao để phân loại học sinh.
Cụ thể, phần đọc hiểu hay, tư liệu gọn, thiết thực. Các câu hỏi tường minh, học sinh dễ trả lời để đáp ứng yêu cầu của đề. Phần này có 3 câu đầu là câu hỏi nhận biết, câu 4 là câu vận dụng.

Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ “trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Phần này có ý nghĩa định hướng tư tưởng đúng đắn cho thanh niên trong tình hình thực tế. Đây chính là câu hỏi vận dụng cao.

Câu nghị luận văn học, đề ra vào “tư tưởng Đất Nước của Nhân dân” trong đoạn trích “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, có trích dẫn đoạn thơ cụ thể. Ngữ liệu tuy hơi dài nhưng nội dung này rất hay và thiết thực, hầu hết học sinh đều có thể đáp ứng được yêu cầu của đề bài. Với những học sinh khá giỏi sẽ có “đất” để các em “dụng võ” ở những phần nâng cao khi bàn luận sâu hơn về “tư tưởng Đất Nước của Nhân dân”. 

Ý nghĩa thực tế của đề thi: Đề bài rất phù hợp với tình hình thực tế trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cao về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước, đề cao vai trò của nhân dân với đất nước.

Dự đoán, với nội dung đề thi năm nay, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 – 7 điểm, sẽ có nhiều điểm giỏi cho những học sinh có năng lực, đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Cô giáo Nguyễn Bảo Nhung, giáo viên Ngữ văn trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa (Hà Nội): Đề thi hay, vừa sức học sinh

Đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hay, vừa sức, phù hợp với khung kiến thức của Bộ GDĐT, đáp ứng chuẩn kiến thức kĩ năng của bộ môn Ngữ Văn. Đặc biệt, đề đã tạo ra tâm lý thoải mái, phấn khởi, tạo sự tự tin cho thí sinh ở những môn thi tiếp theo. 

Về cấu trúc đề thi, đề đã bám sát với chương trình đề minh họa của Bộ GDĐT đã công bố trước đó. Trong đề thi cũng có mức độ phân hóa ở câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học. 

Ở phần đọc hiểu, đề bám sát với ma trận đề với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Đặc biệt đã khơi dậy sự sáng tạo của học sinh trong sự nhận biết đối với giá trị sống của sự vật và con người qua văn bản (Trích Cách sống; từ bình thường trở nên phi thường, Inamori Kazuo - NXB Lao động, 2020, tr, 103-104). 

Phần nghị luận xã hội bàn về: “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai” giúp cho học sinh mạnh dạn đưa ra được quan điểm ý kiến của cá nhân để bàn luận, học sinh không những thể hiện được cách nhìn nhận đánh giá về cuộc sống mà còn nhận thức được con người phải sống “hết mình cho hiện tại” dù nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng trong vai trò tạo dựng xây đắp sự sống ngày mai.

Bên cạnh đó, học sinh ý thức được trách nhiệm và thái độ trân trọng nâng niu cuộc sống và vai trò của cá nhân mình từ những việc làm nhỏ đến những việc làm có ý nghĩa lớn lao, hơn cả là chúng ta cần có tinh thần lạc quan vượt qua gian khó, chạm tới thành công. 

Ở câu hỏi này học sinh sẽ vận dụng hết được kĩ năng hiểu biết về cuộc sống và xã hội để khai thác đề. 

Phần nghị luận văn học: Yêu cầu của đề phù hợp với kiến thức Ngữ văn 12, không bất ngờ nhưng ngược lại hoàn toàn có thể phân hóa được đối tượng học sinh qua việc vận dụng kiến thức hiểu biết về tác phẩm, về lý luận văn học và các kĩ năng làm bài. 

Bên cạnh đó đề sẽ phát huy được tính sáng tạo của học sinh trong việc thể hiện sự hiểu biết kiến thức về tác phẩm, tác giả. Đặc biệt thức dậy trong học sinh tình yêu đối với đất nước, lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đã anh dũng và hy sinh bảo vệ nền hòa bình độc lập dân tộc, cũng như ý thức trách nhiệm, vai trò của thế hệ hôm nay với việc sống, học tập, cống hiến cho tổ quốc ngày mai.

Cô Phạm Thị Thu Phương – GV môn Ngữ Văn hệ thống tuyensinh 247cho rằng:  Đề Tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2020 (09/08/2020)  giữ nguyên cấu trúc của đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn do Bộ GD&ĐT công bố ngày 07/05/2020, cũng là cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

Học sinh trung bình  nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

Phần nội dung nâng cao đã được lược bớt so với đề thi chính thức trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 (rõ nhất là câu nghị luận văn học - phần Làm văn). Phần nội dung kiến thức cũng đã được giảm tải theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 30/3/2020. 

II. Phân tích cấu trúc đề thi chính thức 2020 và so sánh với đề tham khảo lần 2 năm 2020
Cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức trong đề thi chính 2020 cũng tương tự như đề tham khảo lần 2 năm 2020 mà Bộ GD&ĐT công bố ngày 07/05/2020. 

Cấu trúc đề gồm 2 phần:

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
   Đề cung cấp 01 văn bản đọc hiểu với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1- Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích; câu 2- Theo đoạn trích, các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực sinh trưởng như thế nào giữa mùa hè ngắn ngủi?) đến thông hiểu (câu 3- Chỉ ra những điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và ở vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích), rồi đến vận dụng (câu 4- Anh/chị có đồng tình với nhận định của tác giả “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai”? Vì sao?). Dù ở các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc, nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,5 điểm.

Nhận xét, gợi ý giải đề: Đề Ngữ văn hướng học sinh trân trọng cuộc sống mỗi ngày ảnh 1  

Phần II: Làm văn (7 điểm)  
Phần II gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội - giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học - không giới hạn dung lượng

- Câu 1 đưa ra vấn đề “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I. Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về ý kiến trân trọng cuộc sống mỗi ngày, phân tích được những ý nghĩa lớn lao khi trân trọng cuộc sống mỗi ngày, biết phê phán những biểu hiện trái ngược, và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu. Đây là tư tưởng đạo lý gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

- Câu 2 yêu cầu học sinh phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện qua đoạn trích Đất Nước, có cung cấp sẵn văn bản đoạn trích, có định hướng về nội dung phân tích. Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu nội dung cốt lõi của đoạn trích- tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. Học sinh cần tập trung làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của Nhân dân thể hiện trên phương diện lịch sử và văn hóa. Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ khoảng 3 điểm. Những học sinh khá giỏi, có năng lực cảm thụ và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4,0 điểm trở lên cho câu này. 

Nhìn chung, đề thi Tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày 9/8/2020  là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

*Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ.

*Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2:

*Phương pháp: Đọc, tìm ý.

*Cách giải:

Các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc Cực sinh trưởng rất đáng kinh ngạc:

- Chúng vẫn đua nhau nảy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt, chen chúc vươn mình trong khoảng không với mảnh đời ngắn ngủi.

- Chúng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mùa đông dài khắc nghiệt sắp tới và phó thác sinh mạng mình cho tự nhiên.

- Chúng thực sự sống hết mình cho hiện tại, không ảo tưởng, không phân tâm.

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

* Điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và ở vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích.

- Các loài thực vật ở 2 vùng đều nảy mầm và nở hoa trong điều kiện khắc nghiệt nhất.

- Đều cho thấy sức sống phi thường của các 2 thảm thực vật.

- Các loài thực vật đều sống hết mình, sống trọn vẹn từng phút giây.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

*Cách giải:

Học sinh đưa ra ý kiến riêng của mình, có thể đồng tình hoặc không đồng tình. Học sinh lí giải phù hợp với ý kiến cá nhân, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Gợi ý:

- Đồng tình với ý kiến của tác giả.

- Vì:

+ Sống hết mình chứng tỏ con người đã không bỏ cuộc trước những khó khăn thất bại.

+ Sống hết mình, dù nhỏ bé chứng tỏ nếu con người có thất bại thì cũng đã rút ra cho mình được bài học. Mà thất bại nhỏ sẽ tạo nên thành công lớn.

+ Cả câu: Sống hết mình giúp con người vươn tới tương lai bởi mỗi bài học rút ra được từ sự nỗ lực sẽ giống như viên gạch xây đắp nền móng vững chắc để con người phát triển và hoàn thiện bản thân.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

*Phương pháp: Phân tích, lí giải, tổng hợp.

*Cách giải:

  • Yêu cầu chung

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ.

- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

  • Yêu cầu cụ thể

1. Giới thiệu vấn đề: sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày

2. Giải thích vấn đề: trân trọng cuộc sống mỗi ngày là thái độ sống tích cực, biết yêu mến, nâng niu cuộc sống.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề

- Vì sao lại cần phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày?

+ Cuộc đời con người là hữu hạn, ngắn ngủi cho nên phải biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có.

+ Cuộc sống cũng chứa đựng những biến cố bất ngờ, bất khả kháng xảy đến. Trước những biến cố đó, con người càng cần phải trân trọng điều nhỏ bé, bình dị, đời thường hàng ngày.

+ Biết nâng niu trân trọng cuộc sống thì con người mới biết sống tốt hơn, sống tử tế, sống Người hơn. Đây chính là ý nghĩa nhân văn cao cả.

- Từ đó: cần có thái độ sống đúng đắn: trân trọng cuộc sống mỗi ngày

+ Trân trọng từng khoảnh khắc trôi qua của cuộc sống, dẫu ngắn ngủi nhưng đó là khoảnh khắc tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta.

+ Sống hết mình, không lãng phí từng khoảnh khắc cuộc đời, tạo nên những khoảnh khắc đẹp để mỗi khoảnh khắc là mãi mãi...

+ Phê phán những người để cuộc sống mỗi ngày trôi qua vô nghĩa khi sống hời hợt, chạy theo ảo vọng (đưa ra những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục)

+ Đặc biệt: đặt trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid diễn biến khó lường, con người đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, thiếu thốn về mọi mặt... thì càng phải biết trân trọng nâng niu cuộc sống bình yên đang có và nỗ lực xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn.

4. Liên hệ bản thân

- Là một người học sinh/ một công dân trẻ: Chúng ta cần: tạo cho mình thái độ sống tích cực, hành động tích cực và lan tỏa những hành động đó đến với mọi người xung quanh.

5. Tổng kết: Khẳng định lại tầm quan trọng, sự cần thiết của việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày như lời cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Chọn những bông hoa và những nụ cười

Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy

Để mắt em cười tựa lá bay…

Câu 2:

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn.

*Cách giải:

  • Giới thiệu chung

- Nguyễn Khoa Điềm một trong những gương mặt nổi bật trong văn học kháng chiến chống Mĩ.

- Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, dồn nén thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.

- Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Đây là bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị vùng bị tạm chiếm ở miền Nam trước năm 1975. Nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ, đứng về nhân dân, đất nước; ý thức được xứ mệnh của thế hệ mình, họ đứng dậy xuống đường đấu tranh hoà nhập với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.

- Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu chương V của trường ca là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.

- Trong tác phẩm này nổi bật là tư tưởng Đất nước nhân dân và nó đã được tác giả thể hiện rõ nét trong đoạn trích trên.

  • Phân tích

1. Giải thích

Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”: khác với quan điểm thời phong kiến cho rằng đất nước thuộc về vua chúa, trích đoạn đã làm nổi bật tư tưởng đất nước là của nhân dân - của tất cả mọi người không phân biệt giai cấp tầng lớp. Đất nước là do nhân dân tạo dựng, bảo vệ và làm chủ.

2. Chứng minh

- Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được tác giả chứng minh trên phương diện lịch sử

- Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử “Hãy nhìn rất xa- Vào bốn nghìn năm Đất Nước”, nhà thơ càng thấm thía công lao xây dựng, vun đắp, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là của lớp người trẻ tuổi. Đó là những con người bình dị, năm tháng nào cũng có, cũng giống như anh và em của hôm nay.

- Trong thời bình, họ hiền lành và chăm chỉ trong công việc lao động để xây dựng đất nước, đưa đất nước đi lên. Nhìn về quá khứ của dân tộc để thấy được năm tháng nào cũng người người lớp lớp không phân già trẻ, gái trai cũng luôn vừa cần cù làm lụng để kiếm miếng ăn vừa đánh giặc cứu nước, bất chấp hy sinh, gian khổ:

Năm tháng nào cũng người người, lớp lơp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

- Còn trong thời loạn, “khi có giặc” ngoại xâm:

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

- Và trong cái chiều dài của lịch sử dân tộc ấy, có biết bao lớp người con gái, con trai giống như lớp tuổi chúng ta bây giờ, họ đã sống và chết một cách giản dị và bình tâm không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng mà nhà thơ đã khẳng định vai trò của họ đối với đất nước thật vô cùng to lớn. Họ chính là những con người bình thường, giản dị, nhưng có một tình cảm sâu đậm đối với đất nước. Khi đất nước lâm nguy, bị kẻ thù xâm chiếm, họ tạm gác lại những tình cảm riêng tư, lên đường đi chiến đấu, đem máu xương của mình hiến dâng cho Tổ quốc. Chính họ là những con người “làm ra Đất Nước”.

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước

- Không chỉ lao động xây dựng đất nước, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, mà những thế hệ người Việt trong suốt bốn nghìn năm còn gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau mọi giá trị văn hoá vật chất và tinh thần:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cái
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

3. Bình luận

- Về nội dung tư tưởng: Đây không phải tư tưởng mới, tư tưởng này đã xuất hiện trong thơ xưa đến nay như xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi: Nhân dân bốn cõi một nhà; Trong thơ hiện đại của Nguyễn Đình Thi: Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng;…

- Về nghệ thuật

+ Đoạn thơ giàu tính chính luận. Đưa ra các dẫn chứng để chứng minh đất nước của nhân dân.

+ Nội dung chính luận lại được thể hiện một cách trữ tình, trong những hình tượng nghệ thuật, sử dụng sáng tạo chất liệu dân gian, đi vào lòng người mà không hề khô khan.

+ Thể hiện giọng điệu tâm tình tha thiết lắng sâu, như câu chuyện của đôi lứa yêu nhau. Mang lại những rung cảm thẩm mỹ đẹp đẽ trong lòng người đọc.

  • Tổng kết vấn đề

MỚI - NÓNG