Nhân tố Trung Quốc khiến Ấn Độ hứng ‘bão’ từ nhiều mặt trận

Một nhà hoạt động Nepal đốt ảnh Thủ tướng Ấn Độ Modi để phản đối việc khánh thành con đường qua vùng đất tranh chấp trên dãy Himalaya. (Ảnh: EPA)
Một nhà hoạt động Nepal đốt ảnh Thủ tướng Ấn Độ Modi để phản đối việc khánh thành con đường qua vùng đất tranh chấp trên dãy Himalaya. (Ảnh: EPA)
TPO - Việc Nepal hôm 18/6 thông qua bản đồ lãnh thổ mới, trong lúc Ấn Độ rơi vào khủng hoảng biên giới nghiêm trọng với Trung Quốc, cho thấy mối quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống bị xáo trộn như thế nào khi Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. 

Từ khi có tin quân lính Ấn Độ và Trung Quốc đánh nhau bằng đá và gậy gộc ở thung lũng Galwan tối 15/6, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng và một số binh lính hai bên bị thương, Nepal chưa bày tỏ lời chia buồn nào. 

Không những thế, 3 ngày sau đó, tổng thống và thượng viện Nepal phê chuẩn 1 bản đồ đưa vùng đất rộng 62km2 ở vùng Kalapani, hiện do Ấn Độ quản lý, vào lãnh thổ của Nepal. 

Ấn Độ trước đó phản đối bản đồ này, gọi đó là “khẳng định phi lý bằng bản đồ” và “một sự mở rộng nhân tạo các yêu sách” không dựa trên bằng chứng hay sự thật lịch sử. Nhưng Bộ trưởng pháp lý Nepal Shiva Maya Tumbahamphe phát biểu trước quốc hội hôm 18/6: “Chúng ta có đủ bằng chứng và sự thật lịch sự và chúng ta sẽ bàn với Ấn Độ để giải quyết tranh chấp qua đàm phán”.

Bồi thêm căng thẳng, tư lệnh quân đội Nepal, tướng Purna Chandra Thapa hôm 17/6 đến thăm chốt gác biên giới ở vùng cực tây của nước này dọc biên giới Ấn Độ - Nepal, ở khu vực gần vùng Kalapani. 

Dù Bộ Ngoại giao Ấn Độ không chính thức lên tiếng về việc Nepal thông qua bản đồ mới, bước đi này của Kathmandu chắc chắn gây lo ngại ở New Delhi khi các nguồn tin cho biết các kênh đối thoại hậu trường giữa hai nước đang suy giảm. 

Vụ đụng độ bạo lực nghiêm trọng nhất trong hơn 4 thập kỷ qua giữa quân lính Ấn Độ và Trung Quốc có thể dẫn đến những chính sách mới của Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc. Một Ấn Độ trong thế phòng thủ ít có khả năng sẽ nhượng bộ các đòi hỏi của Nepal ở Kalapani, vùng đất nằm ở ngã ba của Nepal, Trung Quốc và Ấn Độ. 

Nepal và Ấn Độ có chung vùng biên giới mở cũng như tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt 2 thế kỷ qua. Hiệp ước Sugauli năm 1816 giữa Nepal và Ấn Độ dưới thời thuộc địa của Anh đánh dấu sông Mahakali là biên giới phía tây giữa Ấn Độ với Nepal, nhưng cả hai bên đều không đồng ý với ranh giới này. Dù đây vẫn là điểm bất đồng trong quan hệ song phương, nhưng hai bên trước đây chưa từng có bước đi nào làm xáo trộn tình hình. 

Điều khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng là việc năm 2015, Ấn Độ phong toả kinh tế không chính thức trong 2 tháng đối với Nepal, khiến hàng thực phẩm và nhiên liệu của Nepal không thể sang Ấn Độ. New Delhi nói rằng những bất ổn nội bộ ở Nepal khiến các tài xế chở hàng không dám qua biên giới.

Hai nước có quan hệ bất đối xứng. Nepal, với GDP 29 tỷ USD, vẫn phụ thuộc nặng nề vào Ấn Độ, đối tác thương mại lớn nhất với GDP 2,7 nghìn tỷ USD. Trong thời gian 2017-2018, Nepal nhập 7,39 tỷ USD hàng hoá từ Ấn Độ, nhưng chỉ thu về 420 triệu USD từ hàng xuất sang Ấn Độ. Vì thế, việc phong toả kinh tế gây tổn thất nghiêm trọng cho Nepal. 

Sau đó, đến tháng 11 năm ngoái, Ấn Độ xuất bản các bản đồ mới sau khi thu lại quyền tự trị đối với vùng bất Jammu và Kashmir, biến thành 2 bang do chính quyền liên bang quản lý và thể hiện Kalapani là vùng đất nằm trong lãnh thổ của Ấn Độ. 

“Đây là nguồn gốc của căng thẳng hiện nay. Cho đến lúc đó, Kathmandu chưa từng muốn thể hiện yêu sách trên bản đồ. Nhưng khi Ấn Độ làm điều đó, áp lực gia tăng lên chính phủ Nepal phải làm điều tương tự”, TS Pramod Jaiswal, giám đốc Viện nghiên cứu và hợp tác quốc tế Nepal, giải thích. 

Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khánh thành 80km đường đi qua vùng đất mà Nepal cũng đòi chủ quyền. Ông Singh nói rằng con đường này sẽ giúp giảm bớt thời gian đi lại cho những người hành hương. 

Các nhà ngoại giao Ấn Độ thừa nhận một cách riêng tư rằng những nỗ lực của Delhi để bàn bạc với Kathmandu là không đủ, và việc khánh thành con đường là không cần thiết. 
Rakesh Sood, Đại sứ Ấn Độ tại Nepal từ năm 2008 đến 2011, nói rằng Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli đã nhân cơ hội lần này để có hành động với Ấn Độ và tăng tỷ lệ ủng hộ, nhằm lái dư luận khỏi những phản đối trong nước. 

Ông Oli nhiều lần chỉ trích Ấn Độ và gọi virus corona tấn công nước này là “virus Ấn Độ” 

Nhân tố Trung Quốc

New Delhi sợ rằng sự quyết liệt của Nepal lần này là do ảnh hưởng của Trung Quốc lên quốc gia trên dãy Himalaya. Ông Hou Yangqi, Đại sứ Trung Quốc tại Nepal, tháng trước có hàng loạt cuộc gặp với các lãnh đạo đảng Cộng sản Nepal, trong đó có ông Oli, được cho là nhằm thôi thúc các nhóm đi đến quan điểm thống nhất. 

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên đến Nepal sau khi có cuộc gặp không chính thức với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Khi ông Tập ở Kathmandu, hai bên ký hàng loạt thoả thuận, trong đó có thoả thuận về việc mở một tuyến đường cao tốc xuyên Himalaya. Các nhà phân tích cho rằng thông qua chuyến thăm này, ông Tập thể hiện rằng Trung Quốc có thể thân thiết với một quốc gia từ lâu đã để vận may của mình đan xen chặt chẽ với Ấn Độ.

Trước thềm chuyến thăm của ông Tập, Nepal tuyên bố không ủng hộ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt. 

Trong khi Nepal đang xích lại gần Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ cũng cần xem lại cách làm của mình. “Ấn Độ cần đánh giá đúng ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Nepal, khi tư tưởng chống Ấn Độ và những người bạn của Ấn Độ ở Nepal không phát huy được tác dụng nữa”, Ranjit Rae, một cựu đại sứ Ấn Độ tại Nepal, nói.

Sự quyết liệt gần đây của Nepal, xung đột trên biên giới với Trung Quốc và căng thẳng tiếp diễn với Pakistan đang đe doạ mục tiêu xây dựng quan hệ tốt với láng giềng của Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc từ lâu đã khiến Ấn Độ phải nghĩ lại về chiến lược của mình với những quốc gia xung quanh như Maldives và Sri Lanka, trong khi chương trình hành động ưu tiên người Ấn Độ giáo làm gia tăng khoảng cách giữa Ấn Độ với quốc gia Hồi giáo Bangladesh bên cạnh.

Ấn độ
Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG