<FONT face=Tahoma>Nhiều biện pháp chống lừa tin nhắn</FONT>

Nhận diện tin nhắn lừa đảo

Nhận diện tin nhắn lừa đảo
ĐTDĐ của bạn bỗng nhận được tin nhắn "Chúc mừng bạn đã trúng thưởng 500.000 đồng từ chương trình xổ số của... Hãy soạn tin nhắn NAP abcdef gửi đến 8730 để nạp tiền vào tài khoản". Nếu bạn thực hiện, bạn đang bị "dụ” để "cướp" tiền phí nhắn tin.

Cách thức lừa đảo qua tin nhắn hiện nay quá dễ dàng và không tốn tiền khiến nó vẫn đang ngày ngày rình rập người dùng điện thoại, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý thích đáng.

Thả lưới… không tốn tiền

Đó là cách gửi tin nhắn lừa đảo thông qua các trang web, công cụ cho phép nhắn tin miễn phí. Kẻ lừa đảo thích sử dụng cách thức này vì "không những không tốn xu nào mà sự việc còn dễ trót lọt nhờ các tổng đài trung gian này" - Nhật T. (Q.7, TPHCM), một game thủ từng lừa thành công khá nhiều người dùng ĐTDĐ, lý giải.

T. thường xuyên lang thang trên các diễn đàn nên cũng "học hỏi được khá nhiều chiêu kiếm tiền dễ như chơi". T. cho biết hiện có rất nhiều cách để nhắn tin SMS đến các thuê bao ĐTDĐ ở VN hoàn toàn miễn phí.

T. kể: "Nhiều trang web cho phép nhắn vài tin SMS mỗi ngày, chỉ việc tìm kiếm trên Google là ra ngay. Cao siêu hơn còn có cả phần mềm nữa, nhưng tỉ lệ thành công ít hơn".

Theo T., đơn giản nhất là tận dụng triệt để dịch vụ cho nhắn tin miễn phí của các mạng di động VN. Hiện Viettel cho năm tin nhắn miễn phí từ Internet đến các thuê bao nội mạng mỗi ngày, tin nhắn miễn phí MobiFone tùy thuộc thời gian hoạt động của thuê bao...

Bên cạnh đó, Yahoo! Messenger cho nhắn miễn phí đến mỗi số ba tin SMS. Chỉ cần tổng hợp những tin nhắn này lại cũng đã đạt đến con số hàng chục.

T. phân tích thêm: "Muốn người nhận mắc lừa thì đầu số nhắn đến phải lạ, kiểu như tổng đài tin nhắn, người nhận sẽ dễ tin hơn".

Thật vậy, qua tìm hiểu, rất nhiều trường hợp mắc lừa là do tin nhắn xuất phát từ các đầu số lạ không phải là kiểu số ĐTDĐ thông thường ở VN. Người nhận nhầm tưởng là tin nhắn từ nhà cung cấp dịch vụ nên tin và làm theo.

Hiện nay tin nhắn từ Yahoo! Messenger có đầu số là +82690502 hay +82690501, từ trang web Viettel là +196. Những trang web nước ngoài cho nhắn tin vào ĐTDĐ ở VN thường có đầu số lạ là cách "rất dễ thành công"!

Kẻ lừa đảo là ai?

Đầu số 8730, 8530 là do Công ty VTC Intecom cung cấp cho dịch vụ nạp Vcoin (một loại tiền dùng để thanh toán trong các dịch vụ của VTC) vào tài khoản qua tin nhắn SMS.

Vcoin được coi là đồng tiền ảo có giá trị trong thương mại điện tử. Người dùng các dịch vụ của VTC có thể sử dụng Vcoin để mua, tham gia các dịch vụ trò chơi trực tuyến của VTC Game, mua các món hàng tại VTC Shop, xem truyền hình trực tuyến...

Nhiều biện pháp chống lừa tin nhắn

Ông Trần Phương Huy, giám đốc VTC Game, cho biết:

"Về biện pháp kỹ thuật, chúng tôi đã có các qui định như khách hàng sử dụng mạng di động không được nhắn tối đa 10 SMS/ngày, các tin nhắn cách nhau 10 phút...

Các giải pháp này sẽ hạn chế rất nhiều hiện tượng gửi tin nhắn lừa nạp Vcoin, vì bản thân đối tượng lừa đảo cũng không thu được lợi ích đáng kể cho hành động này.

Với những tài khoản nạp Vcoin đã được kiểm tra là có yếu tố lừa đảo, chúng tôi đều lập tức block (khóa) để xử lý.

Đồng thời VTC phối hợp với các bộ phận chức năng của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông để xử lý dứt điểm và triệt để hình thức lừa đảo này".

Bên cạnh đó, hiện nay Vcoin đã có thể dùng để trao đổi với tiền ảo sử dụng trong các dịch vụ khác như @Point của các game AsiaSoft, CCash của CyberWorld và mua Softnyx Cash để chơi game Gunbound trên server quốc tế.

Như vậy có thể khẳng định kẻ lừa đảo chính là những game thủ, những người dùng các dịch vụ nói trên.

Những tin nhắn lừa đảo đều có chung mục đích là "dụ” các thuê bao di động nhắn tin NAP abcdef gửi đến 8730 hoặc 8530. Trong đó, abcdef chính là tên tài khoản của kẻ lừa đảo đã đăng ký trong các dịch vụ của VTC.

Khi người bị lừa nhắn tin tức là họ đã vô tình nạp tiền (15.000 đồng với 8730, 5.000 đồng với 8530) vào tài khoản của kẻ lừa đảo.

Tương tự, đầu số 8730, 8530 cũng đang được dùng để nạp tiền XU vào tài khoản VinaPassport trong game Boom Online của VinaGame nên cũng có nhiều tin nhắn lừa đảo "dụ” nhắn tin: XU abcdef.

Cuối năm 2007, hai đối tượng thực hiện trò lừa đảo bằng cách lợi dụng dịch vụ nạp tiền qua tin nhắn đã bị bắt tại thành phố Thái Nguyên. Thủ đoạn của chúng là gửi tin nhắn đến các thuê bao ĐTDĐ với nội dung:

"Bạn là khách hàng trúng thưởng thứ… của Vinaphone, soạn tin nhắn theo cú pháp NAP km07 gửi tới số 8730 để nhận được 30.000 đồng".

Hàng trăm thuê bao ĐTDĐ đã bị lừa với số tiền lên đến gần 7 triệu đồng chỉ sau hơn một tháng. Có thể thấy hiểm họa lớn từ trò lừa đảo này dù mỗi tin nhắn bị lừa cũng chỉ mất 15.000 đồng.

Theo Đức Thiện
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG