Tôm bơm tạp chất - Nỗi lo hàng ngày
Những con tôm ươn trở nên bóng, căng mọng, không bị rụng đầu, các cơ sở này đã bơm tạp chất vào từng con tôm. Khi bị phát hiện, họ khai nhận đó chỉ là rau câu giúp tôm cứng hơn. Loại thạch này có đặc điểm nóng thì chảy ra, khi ướp lạnh thì đặc lại như thịt tôm nên người tiêu dùng khó phát hiện sự gian dối này.
Không chỉ có các loại tôm nhỏ mới bị bơm tạp chất mà ngay cả tôm sú - một loại tôm to, đắt tiền, thường xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng cũng được chăm sóc theo cách trên. Thực tế cho thấy, việc bơm tạp chất vào tôm sẽ khiến trọng lượng của mỗi cân tôm sẽ tăng thêm từ 2-3 lạng. Không chỉ vậy, dù mua tôm ươn với giá rẻ, song bằng việc cho tôm “ngậm” tạp chất, những cơ sở này sẽ bán được với giá tôm tươi, lợi nhuận từ đó tăng gấp 3-5 lần. Có lẽ đây chính là lý do khiến việc bơm tạp chất vào tôm diễn ra ngày càng phổ biến.
Trước tình trạng này, chị Nguyễn Thị Hòa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Ngày trước, tôi cứ nghĩ chuyện bơm tạp chất chỉ xảy ra ở vùng ngoại ô, nông thôn - nơi chất lượng thực phẩm không được kiểm tra gắt gao, ai dè, ở giữa trung tâm thủ đô mà mình cũng ăn loại tôm này hàng ngày. Hôm nọ, chứng kiến cảnh cơ quan chức năng kiểm tra các cửa hàng bán tôm ở chợ Đồng Xuân gần nhà và phát hiện hàng loạt cửa hàng (trong đó có cửa hàng mình là khách quen) đang bán tôm “ngậm” tạp chất, mình mới thấy giật mình. Những người bán hàng này khai rằng: hàng sáng thường có xe tải to chở tôm đến đây bán, thấy giá rẻ thì họ mua về bán lại, chứ không biết là tôm đã được “mông”. Đấy là họ nói thế chứ làm gì có chuyện họ không biết. Thời buổi này chả biết tin ai. Tốt nhất là tự tìm hiểu thông tin về cách phân biệt tôm sạch, tôm bẩn để tự bảo vệ mình”.
Chọn tôm sạch không khó
Bức xúc vì tình trạng tôm bị bơm tạp chất ngày càng gia tăng, đó không chỉ là tâm trạng riêng của chị Hòa mà hầu hết các bà nội trợ đều có chung nỗi niềm này. Theo các chuyên gia, việc bơm thạch rau câu hay nước bẩn nhằm làm tăng trọng lượng, đẹp ngoại hình của con tôm không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi về mặt kinh tế mà còn ẩn chứa nhiều nguy hại cho sức khỏe. Bởi lẽ, các tạp chất này luôn ẩn chứa số lượng vi khuẩn nhất định. Khi được “truyền” vào tôm, cá... nó sẽ khiến nguồn thực phẩm này nhiễm khuẩn theo. Người ăn phải sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc... Đấy là chưa kể đến các trường hợp các cơ sở kinh doanh còn tiêm hóa chất vào tôm để chúng có thể tươi lâu hơn. Và khi đó, sức khỏe của người tiêu dùng càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Vậy làm thế nào để có thể nhận biết tôm có “ngậm” tạp chất hay không? Tất nhiên, với nhiều người, việc mua thực phẩm còn sống sẽ là lựa chọn hàng đầu, tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là với những người thường xuyên bận rộn, không có thời gian đi chợ từ sớm.
Trong trường hợp phải dùng đến tôm ướp lạnh, bạn không nên chọn những con tôm cứng, thẳng đơ, các đốt trên thân bị giãn vì những con này đã bị bơm tạp chất (tôm tự nhiên thân mềm, hơi cong). Để chắc chắn, bạn nên xem phần mang tôm có bị cứng, căng phồng hay không? Nếu có, chắc chắn là chúng đã “ngậm” tạp chất, bởi tôm thật sẽ mềm và phẳng.
Nếu theo dõi quá trình bơm tạp chất vào tôm bạn sẽ thấy lúc đó, tôm sẽ có 2 lớp: 1 lớp thịt và 1 lớp thạch. Khi lột lớp vỏ ngoài ra, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận thấy phần thạch nổi bên trên. Nhận biết bằng cách này thường chỉ áp dụng với tôm “ngậm” thạch, còn với những con bị “truyền” nước hay hóa chất thì rất khó. Ngoài ra, tôm bơm tạp chất đuôi thường xòe, đầu thường bị phù, rất dễ tách rời khỏi thân. trong khi đó, tôm tự nhiên đuôi cụp, kích thước đầu vừa phải.
Khi chế biến loại thủ sản này, bạn cũng cần chú ý. Nếu thấy tôm ngót nhiều so với ban đầu, khi ăn thấy thịt bở, vị nhạt thì đừng nên ăn cố vì nó sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Dù đã được nấu chín nhưng nhiệt độ không thể làm chết hết mọi loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh, cũng như không thể loại bỏ được các hóa chất có trong đó.