Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông

TPO - Thời tiết giao mùa thu - đông là môi trường thuận lợi để nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Đặc biệt bệnh tay - chân - miệng đang vào mùa cao điểm và diễn biến hết sức phức tạp. Đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh này.
Ngăn chặn bùng phát bệnh truyền nhiễm

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

10/10/2018 09:58

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 1Phó tổng Biên tập, nhà báo Phùng Công Sưởng tặng hoa các vị khách mời tại buổi Giao lưu trực tuyến

10/10/2018 09:59

Con tôi đang bị bệnh tay chân miệng nằm ở bệnh viện. Tôi vẫn cho em của cháu 3 tuổi vào thăm, sau khi thăm tôi rửa tay mình và con bằng xà phòng diệt khuẩn, tôi muốn hỏi như vậy có thể đảm bảo an toàn cho bé 3 tuổi không thưa bác sĩ?

Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời: Tay chân miệng có thể lây lan, nên khi trẻ mắc bệnh cần cách ly tương đối, không nên vào thăm khi trẻ đang nằm viện (kể cả người lớn). Rửa tay chỉ có thể hạn chế chứ không an toàn tuyệt đối.

10/10/2018 10:02

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 2 TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Dịch tay chân miệng hiện đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, khiến cho người dân vô cùng lo ngại. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng cũng khiến người dân lo ngại về nguy cơ lây lan, bùng phát các chùm dịch trong khu vực. Xin ông cho biết có phải virus gây bệnh đã biến đổi có độc lực cao hơn không? Xin ông chia sẻ về chủng virus đang gây dịch tay chân miệng hiện nay ở TpHCM và Hà Nội cũng như một số tỉnh có số mắc cao. Cảm ơn!

TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Bệnh TCM đã trở thành bệnh lưu hành hàng năm ở nước ta, đặc biệt gia tăng hoạt động vào dịp tháng 4 và tháng 10. Hiện nay chúng ta đang ở thời điểm cao nhất của bệnh TCM trong năm. Tổng số mắc của cả nước hiện nay so với cùng kỳ 2017 thì giảm khoảng 25%. Tuy nhiên, số ca bệnh tăng đột biến trong vài tuần gần đây tại một số tỉnh khu vực miền Nam.

Theo số liệu giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm bệnh TCM cho thấy vi rút EV71 gia tăng hoạt động và là căn nguyên chính gây bệnh trong những tháng gần đây. Đặc biệt kiểu gen C4a của vi rút EV71 đang lưu hành năm 2018 đã lâu không xuất hiện trở lại kể từ vụ dịch TCM lớn ở nước ta trong giai đoạn 2011-2012.

Đây cũng là một trong những lý do gây bùng phát dịch do cộng đồng, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi chưa có miễn dịch với vi rút này. Vi rút EV71 thường gây bệnh TCM kèm theo các biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không trẻ không được điều trị kịp thời. EV71 hiện có rất nhiều kiểu gen lưu hành, phân bố theo vùng địa lý. Tại Việt Nam qua giám sát cho thấy có các kiểu gen C4, C5 và B5 lưu hành và gây dịch trong những năm vừa qua. Chúng tôi chưa ghi nhận sự thay đổi độc lực của vi rút này so với trước đây.

10/10/2018 10:08

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 3 Th.s Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương
Thưa bác sĩ, xin cho biết cách phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả và đơn giản cho trẻ em tại nhà, và cách phát hiện nhanh bệnh này, cám ơn bác sĩ.

Th.s Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương:

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh môi trường trẻ sinh sống hàng ngày: trong gia đình và lớp học. Sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh cần rửa tay sạch sẽ nhằm hạn chế mang mầm bệnh về gia đình và lây cho trẻ. Để phát hiện sớm bệnh cần chú ý một số dấu hiệu sau: Sốt cao và có phát ban, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông… Khi có những dấu hiệu như vậy cần đưa đi khám bác sĩ để có những chuẩn đoán cụ thể và chính xác hơn, tư vấn về chăm sóc và theo dõi trẻ.

10/10/2018 10:13

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 4 Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)
Bệnh Tay - chân - miệng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo thế nào với các bậc phụ huynh những hiểu biết cần thiết về căn bệnh này để phòng chống hiệu quả cho con em mình?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó thường gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16.
Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (bao gồm cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện lối sống ăn uống lành mạnh bằng cách: Ăn chín, uống chín; Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng bằng nước sôi); Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; Không mớm thức ăn cho trẻ; Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa và đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

10/10/2018 10:15

Thưa bác sĩ, xin cho biết cách phòng tránh bệnh tay chân miệnhg hiệu quả và đơn giản cho trẻ em tại nhà, và cách phát hiện nhanh bệnh này, cám ơn bác sĩ.

Th.s Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương:

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh môi trường trẻ sinh sống hàng ngày: trong gia đình và lớp học.

Sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh cần rửa tay sạch sẽ nhằm hạn chế mang mầm bệnh về gia đình và lây cho trẻ. Để phát hiện sớm bệnh cần chú ý một số dấu hiệu sau: Sốt cao và có phát ban, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông… Khi có những dấu hiệu như vậy cần đưa đi khám bác sĩ để có những chuẩn đoán cụ thể và chính xác hơn, tư vấn về chăm sóc và theo dõi trẻ.

10/10/2018 10:17

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 5 Th.s Đỗ Thiện Hải
Khi đã nhiễm bệnh tay chân miệng nên xử lý như thế nào. Xin cám ơn!

Th.s Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương:

Khi đã mắc bệnh tay chân miệng thì cần phải đưa trẻ đi khám và tư vấn về cách chăm sóc, theo dõi những dấu hiệu nặng của bệnh.

Khi trẻ có một số dấu hiệu như: sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, quấy khóc dai dẳng, giật mình….thì cần đưa trẻ đến khám và nhập viện điều trị. Nếu không có các dấu hiệu trên thì có thể chăm sóc trẻ tại nhà, sử dụng thuốc hạ sốt và cho trẻ ăn uống đầy đủ.

10/10/2018 10:19

Tiêm vắc-xin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi? Miễn dịch sau tiêm vắc-xin sởi có bền vững suốt đời không thưa ông?

TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Phòng Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ: Vắc xin phòng bệnh sởi là loại vắc xin virus sống, giảm độc lực. Miễn dịch tạo ra khi tiêm vắc xin sởi rất bền vững, lâu dài và có hiểu quả bảo vệ rất cao lên đến 90%.

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ do tiêm vắc xin phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự đáp ứng miễn dịch của từng cá thể tạo ra miễn dịch bảo vệ đóng vai trò quan trọng. Tại khu vực thường xuyên lưu hành bệnh sởi, miễn dịch quần thể thấp, những đối tượng có lịch sử tiêm chủng không rõ ràng (không nhớ đã tiêm chưa) nên tiêm các mũi nhắc lại, để đảm bảo có miễn dịch bảo vệ tốt nhất phòng chống bệnh.

10/10/2018 10:21

Bệnh tay, chân, miệng lây truyền như thế nào? Triệu chứng của bệnh tay, chân, miệng là gì? Khi trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng một lần thì có khả năng miễn nhiễm không bị lại hay không?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hoá: Nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: Mật độ dân số cao, không gian sống chật chội; Điều kiện vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh, thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước (thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và mông). Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virút nhất định. Do đó, nếu đã từng nhiễm bệnh nhưng người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm các vi rút khác.

10/10/2018 10:25

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 6 Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Ở độ tuổi nào thì có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng nhất? Cách phòng tránh hữu hiệu và nhận biết bệnh qua các triệu chứng bệnh như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh hơn vì có thể đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây. Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm vi rút do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm vi rút cũng có biểu hiện của bệnh. Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm vi rút và mắc bệnh cao hơn vì trẻ em có sức đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn.

Bệnh tay chân miệng lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Vì vậy để phòng tránh tốt nhất bệnh tay chân miệng, người dân cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như: sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời.

10/10/2018 10:27

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 7 Ngũ Duy Nghĩa
Xin ông cho biết siêu vi trùng gây bệnh tay chân miệng (TCM) lây truyền và diễn tiến như thế nào trong cơ thể? Khoảng thời gian người bệnh có thể phát tán virus là khi nào?

TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Cơ chế lây truyền của EV71 cũng tương tự như các virus đường ruột gây bệnh TCM khác. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá: thức ăn, nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm virus từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua các dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt. Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Thời kỳ ủ bệnh thường là 3-7 ngày. Khởi phát bệnh thường là sốt, kéo dài từ 24 đến 48 tiếng, kèm theo kém ăn, khó chịu và đau họng.

Từ một đến hai ngày sau khi bị sốt, xuất hiện các tổn thương ở niêm mạc miệng. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má. Phát ban dạng phỏng nước thường khu trú trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông. Thông thường, bệnh TCM có diễn tiến nhẹ, có thể tự khỏi từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có các biến chứng viêm não, màng não, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ngay sau khi khởi phát, virus gây bệnh có thể phát tán ra ngoài cơ thể người bệnh, đặc biệt trong tuần đầu. Virus vẫn có thể tiếp tục được đào thải qua phân vài tuần sau khi khỏi bệnh hoàn toàn.

10/10/2018 10:30

Con tôi bị bệnh tay chân miệng hồi 13 tháng (nay cháu 27 tháng). Xin hỏi bác sĩ: vậy cháu đã miễn dịch với bệnh chưa? Cháu có khả năng nhiễm bệnh lại không? Khi cháu mắc bệnh, cháu chưa đi nhà trẻ, ít tiếp xúc bên ngoài, nhà giữ vệ sinh khá tốt lại bị bệnh, chị cháu đã đi trẻ, ở chung lại không bị bệnh. Xin hỏi tại sao lại bị vậy?

Th.s Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương:

Bệnh tay chân miệng do nhiều loại virus khác nhau gây nên, do vậy lần trước trẻ có thể mắc bệnh do một loại virus và có thể mắc bệnh lại do loại virus khác. Người lớn có thể mang virus nhưng không bị mắc bệnh nhưng có thể lây truyền virus cho trẻ nhỏ và có thể virus gây bệnh cho trẻ nhỏ.

Do đó, nếu người lớn trong gia đình mang mầm bệnh có thể truyền cho trẻ nên trẻ không đi đâu vẫn có thể mắc bệnh.

10/10/2018 10:35

Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi? Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra.

Biểu hiện của bệnh bao gồm: Sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học.

Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Bất cứ ai không có miễn dịch như người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch đều có thể mắc sởi.

10/10/2018 10:37

Sử dụng thuốc lá dân gian trong bệnh tay chân miệng có được không, thưa bác sĩ?

Th.s Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương:

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính do vậy cần áp dụng các biện pháp điều trị và theo dõi các triệu chứng, các biểu hiện nặng. Thuốc lá dân gian chưa có bằng chứng rõ ràng trong việc điều trị bệnh chân tay miệng.

10/10/2018 10:38

Bác sĩ có thể cho biết biến chứng của bệnh tay chân miệng là gì và làm thế nào phát hiện sớm biến chứng của bệnh?

Th.s Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương:

Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tụt huyết áp, viêm não… Để phát hiện sớm biến chứng cần theo dõi sát sao các triệu chứng của tình trạng nặng như: sốt cao liên tục, quấy khóc dai dẳng, giật mình, ngủ nhiều, nôn khan…

10/10/2018 10:40

Năm nay có phải là chu kỳ bùng phát dịch tay chân miệng không? TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM có nói: “Sự dịch chuyển thứ nhóm gen từ B5 ưu thế trong giai đoạn 2012-2017 sang C4 (của chủng Enterovirus 71 - EV71) khiến cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn”. Vậy xin chuyên gia cho biết nhóm C4 này nguy hiểm thế nào, ngành y tế hiện có thuốc điều trị đặc hiệu không?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, trên cả nước. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%, tuy vậy có xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương.

Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, bệnh thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Đặc biệt là mùa đầu năm học mới do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn thấp kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên trong nhà trẻ, trường mẫu giáo nên nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Sự dịch chuyển thứ nhóm gen từ B5 ưu thế trong giai đoạn 2012-2017 sang C4 (của chủng Enterovirus 71 - EV71) khiến cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng nguy cơ gây dịch, nhất là trong bối cảnh chủng C4 là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71. Tại Việt Nam là năm 2011 với hơn 113.000 trường hợp mắc và 170 trường hợp tử vong, cũng do chuyển đổi sang nhóm gen C4 này.

Trên thế giới, nhiều vụ dịch lớn do thứ nhóm gen C4 cũng được ghi nhận như tại Trung Quốc năm 2009 với hơn 1,5 triệu trường hợp mắc và 353 trường hợp tử vong. Đặc biệt, tại Campuchia năm 2012 có đến 54 trường hợp tử vong.

Vì vậy để giảm nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng, cộng đồng và người dân cần kiên trì, liên tục thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

10/10/2018 10:42

Vắc-xin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không, thưa BS?

TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Khi đã tiếp xúc với vi rút sởi nếu chưa có miễn dịch, chúng ta hoàn toàn có thể bị bệnh sởi. Sau khi tiêm vắc xin, cơ thể cần khoảng thời gian 2 tuần mới tạo đủ miễn dịch bảo vệ.

10/10/2018 10:44

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 8 TS Ngũ Duy Nghĩa

Thời gian gần đây số người bị cúm khá nhiều, liệu tiêm vắc-xin cúm khi đang có dịch có giúp ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus cúm không thưa ông?

TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp do virus cúm gây ra, bệnh dễ gây thành dịch. Hầu hết trường hợp cúm tử vong xảy ra ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim, phổi hoặc những bệnh gây suy yếu hệ thống miễn dịch.

Vắc xin cúm chứa các virút bất hoạt đa giá dựa trên kháng nguyên bề mặt được phân lập từ các chủng A và B. Khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa đạt khoảng 96-97%. Sau khi tiêm ngừa khoảng hai tuần thì vắc xin có hiệu quả bảo vệ.

Cần lưu ý các vắc xin tiêm ngừa cúm mùa hiện nay không thể bảo vệ con người chống lại virút cúm gia cầm như A/H5N1; A/H7N9; A/H5N6; A/H10N8. Thời điểm tiêm ngừa cúm thích hợp nhất là trước khi vào mùa cúm xảy ra. Vắc xin cúm được chỉ định tiêm ngừa cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi, đặc biệt người già và những người có bệnh mãn tính tiềm tàng như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suy giảm miễn dịch...

10/10/2018 10:49

Vì sao bệnh tay chân miệng lại thường gia tăng vào mùa này? Bệnh này đã nghiên cứu được loại vắc-xin nào chưa, thưa ông?

Bệnh tay – chân – miệng có xu hướng gia tăng ở thời điểm hiện tại bởi đang là vào đầu mùa năm học mới nên việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn thấp kém. Đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ như việc chưa thực hiện rửa tay với xà phòng dưới vòi nước thường xuyên trong nhà trẻ và trường mẫu giáo.

Do đó, nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống. Đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, việc nghiên cứu sản xuất vắc xin đang được triển khai thực hiện tại một số quốc gia trên thế giới.

10/10/2018 10:51

Mùa thu - đông ở miền Bắc thường xảy ra rất nhiều dịch bệnh, từ viêm đường hô hấp đến tay chân miệng, sởi, viêm phổi, tiêu chảy... Tình trạng này là do đâu? Có biện pháp gì để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm này?

TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Hiện tại thời tiết đang chuyển mùa từ thu sang đông. Trong giai đoạn giao mùa thời tiết thay đổi rất nhiều và biên độ giao động lớn giữa các ngày trong tuần, giữa ngày và đêm trong đó rõ nét nhất là sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm.

Với đặc điểm thời tiết như vậy có thể gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe con người đặc biệt là trẻ em và người già. Trong giai đoạn giao mùa thời tiết thay đổi thất thường như vậy với khí hậu lạnh và ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh dễ phát sinh, phát triển trong đó phải kể đến các dịch bệnh đường hô hấp như cúm, hội chứng cảm lạnh, các bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút các loại, các dịch sốt phát ban lây qua đường hô hấp như sởi, rubella, adeno virus, thủy đậu, quai bị v.v..

Bên cạnh đó, một số dịch bệnh đường tiêu hóa cũng rất dễ xuất hiện, hết sức chú ý dịch tiêu chảy cấp do Rota vi rút gây dịch ở trẻ nhỏ rất hay xảy ra vào mùa đông xuân. Vì vậy, bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ các vắc xin theo độ tuổi, người dân cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơ hợp lý, dinh dương đâyỳ đủ, giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc đông người để tăng hiệu quả phòng bệnh.

10/10/2018 10:53

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 9 Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng

Xin ông cho biết, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc-xin sởi? Những trường hợp nào không nên tiêm vắc-xin sởi?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Tiêm vắc xin sởi có thể phòng bệnh sởi cho mẹ, giảm nguy cơ mắc sởi cho trẻ và những người xung quanh. Tuy nhiên, một phần lớn kháng thể của mẹ được truyền cho con trong thời kỳ mang thai. Do đó, việc tiêm vắc xin cho phụ nữ tốt nhất nên thực hiện trước khi mang thai.

Với những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vắc xin sởi trước đây thì không nên tiêm mũi tiếp theo. Không tiêm vắc xin sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm.

10/10/2018 10:56

Bác sĩ ơi, cháu năm nay 27 tuổi, không nhớ lúc nhỏ có bị sởi hay không? Cháu có nên đi tiêm vắc-xin trước khi lấy chồng, sinh con không? Các loại vắc xin nào cháu nên tiêm? Nếu mẹ được tiêm trước sinh, con có miễn dịch bảo vệ khi còn nhỏ không ạ?

TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Các vắc xin khuyến cáo sử dụng trước khi xây dựng gia đình hay trước khi quyết định có con là vắc xin sởi, quai bị, rubella; vắc xin thủy đậu; vắc xin cúm mùa; vắc xin viêm gan B; vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván. Về liều lượng và lịch tiêm cụ thể của từng loại vắc xin, bạn có thể nhờ đến hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.

Nếu mẹ được tiêm vắc xin trước khi mang thai, kháng thể tạo ra do tiêm vắc xin cho mẹ có thể truyền qua nhau thai sang cho con, và có tác dụng bảo vệ con chống lại các bệnh truyền nhiễm.

10/10/2018 10:59

Có những loại vắc-xin sởi nào, thưa ông?

TS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Vắc xin phòng bệnh sởi là vắc xin virus sởi sống, giảm độc lực. Trên thực tế là vắc xin sởi đơn, hoặc phối hợp với các vắc xin khác như vắc xin 2 trong 1 (sởi – rubella), 3 trong 1 (sởi – quai bị - rubella).

10/10/2018 11:00

Xin ông cho biết những dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong mùa thu đông? Làm cách nào để phòng tránh hiệu quả?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Khí hậu mùa thu - đông là thời điểm rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển. Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, sốt xuất huyết…

Hơn nữa, thời điểm này đang là mùa tựu trường, học sinh tập trung vào năm học mới. Do đó, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan dịch bệnh là rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống.

Để phòng bệnh, cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, ăn chín, uống nước đã đun sôi, sử dụng nguồn nước sạch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Đưa trẻ nhỏ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

10/10/2018 11:05

Bộ Y tế có kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh giao mùa như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Theo công văn chỉ đạo từ Bộ Y tế, trong thời gian tới tập trung triển khai các hoạt động phòng chống các bệnh có nguy cơ gia tăng (tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết …). Bằng cách rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tổ chức các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho gần 270.000 trẻ từ 1-5 tuổi tại 33 huyện của 6 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La). Tiếp tục triển khai tại 13 tỉnh (Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước) từ tháng 10 năm 2018. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch; Thực hiện nghiêm công tác phòng chống lây nhiễm, phòng chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh dưới nhiều hình thức; Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất đáp ứng phòng chống dịch; Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác sẵn sàng đáp ứng dịch, tiêm chủng tại các khu vực có nguy cơ cao

Theo các chuyên gia, đa số các bệnh nhân tử vong do không đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi bệnh nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện. Do vậy, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong.

Nhận biết sớm để phòng chống dịch bệnh bùng phát mùa thu - đông ảnh 10
 

Vậy làm thế nào để phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm này; đồng thời nhận biết các dấu hiệu trẻ em, người lớn bị nhiễm bệnh, cách xử trí khi phát hiện người nhiễm bệnh, cách chăm sóc… Các chuyên gia y tế đến từ Bộ Y tế, Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung Ương, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc về những vấn đề nêu trên trong chương trình Giao lưu trực tuyến “"Ngăn chặn bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay”.
Thời gian từ 9h30 thứ Tư ngày 10/10/2018.

Khách mời:

1.TS. Ngũ Duy Nghĩa, Phó Trưởng khoa Dịch tễ (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)

2. Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Chuyên viên Phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

3.Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương

MỚI - NÓNG