Nhạc sỹ “Có phải em mùa thu Hà Nội”: Vẫn dang dở những giấc mơ

Nhạc sỹ Trần Quang Lộc trong những ngày tại bệnh viện.
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc trong những ngày tại bệnh viện.
TP - Tới thăm nhạc sỹ Trần Quang Lộc- Tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Về đây nghe em” (Thơ An Khuê), “Chợt nghe em hát”, “Có phải em mùa thu Hà Nội” (thơ Tô Như Châu), “Định mệnh”, “Em còn nhớ Huế”... đang cấp cứu tại bệnh viện Bình Dân, ông thắc mắc: “Sao tôi có nói đâu mà nhiều người biết quá vậy?”.

Tôi nhớ lại lần ghé thăm nhà ông tại thị xã Bà Rịa (Bà Rịa- Vũng Tàu) cách đây mấy năm. Khi đó, ông chỉ mới về nước vài tháng, đã phát bệnh và phải phẫu thuật bàng quang nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Gặp tôi, ông kể chuyện vì sao vừa có thẻ xanh tại Mỹ nhưng lại không ở mà bỏ về Việt Nam. Ông có 4 đứa con định cư tại Mỹ và chúng đã bảo lãnh cho vợ chồng ông sang đó từ năm 2011. Nhưng sang được hơn 1 năm, ông chán đòi về dù nhiều trung tâm nhạc hải ngoại mời ông cộng tác.

Nhạc sỹ bảo ông là con người của những hình ảnh “Mặc áo the, đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai, kể chuyện tình bằng hạt lúa mới” (lời ca khúc Về đây nghe em) thì khó có thể sống được khi xa quê hương. Vì thế, dù đã có công việc thuận lợi, dù con cái níu kéo, dù vợ cũng có ý muốn ở lại với mấy đứa cháu nhưng ông vẫn quyết tâm về Việt Nam. Và cả 2 vợ chồng lại quay về mảnh đất Bà Rịa, nơi có căn nhà nhỏ của ông để sinh sống.

Từ ngày về nước và phát hiện bị ung thư bàng quang, ông đã 2 lần phải lên bàn mổ, hàng tháng vẫn lên Sài Gòn xạ trị. Tưởng đã đỡ, nào ngờ vào tối 20/11 vừa rồi, khi đang tiếp các sinh viên nhạc viện từ Sài Gòn xuống thăm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ông đột ngột đau trở lại. Bệnh viện Bà Rịa ngay gần nhà kết luận “nặng lắm rồi” và cho chuyển lên bệnh viện Bình Dân (TPHCM). Tại đây, bác sỹ đã thăm khám và quyết định cho nhạc sỹ mổ lần thứ 3. Nhưng bệnh tình của nhạc sỹ vẫn chưa dứt hẳn mà phải chờ vào đợt mổ tiếp theo vào ngày 5/12 để cắt bàng quang. Đó là chưa kể qua thăm khám, bác sỹ phát hiện ông bị thêm ung thư phổi. “Tôi không ngờ mình lại bị nhiều bệnh thế. Thôi thì có bệnh phải chữa, chỉ tiếc rằng nếu mệnh hệ gì thì những công việc đang dở của tôi sẽ ra sao?”- Nhạc sỹ tâm sự.

Tôi vẫn nhớ ngày xuống thăm ông lần đó, ông chỉ mơ sẽ được ra thăm thủ đô Hà Nội- Mảnh đất đã là cảm hứng để nhạc sỹ cùng nhà thơ Tô Như Châu sáng tác ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội. “Vậy sau bao năm, sao chú vẫn chưa ra thăm Hà Nội?”- tôi hỏi, ông thở dài: “Thì cũng kẹt công việc, rồi tiền bạc cũng chưa có bao nhiêu nên tôi vẫn nấn ná. Tôi cứ ngỡ từ từ rồi mình sẽ đi, nhưng nào ngờ bệnh đột ngột trở nặng nên không biết có hy vọng được ra thăm Hà Nội nữa hay không?”. Ngồi bệnh cạnh, bà Nguyễn Thị Thuận- Vợ ông tiếp lời: “Thì cũng có người mời ổng ra thăm Hà Nội, nhưng ổng khái tính lắm, không muốn đi theo lời mời, cứ bảo chờ bao giờ có tiền tự đi thích hơn”.

Nhưng không chỉ giấc mơ được ra thăm Hà Nội, ngay cả mơ ước tổ chức đêm nhạc cho riêng mình của nhạc sỹ cũng chưa thành. Nguyên nhân do ông ở tận dưới Bà Rịa, mà để làm một đêm nhạc thì phải có kinh phí và mối quan hệ với những người tổ chức. Cả hai thứ đó ông đều thiếu. “Tôi mong có đêm nhạc để trả nghĩa với những người đã yêu nhạc của tôi, để tri ân những bạn bè anh em đã đồng hành cùng tôi trên con đường âm nhạc. Đêm nhạc sẽ quy tụ nhiều ca sỹ như Hồng Nhung, Thu Phương, Quang Dũng, Mỹ Tâm... thể hiện những ca khúc của tôi. Nhưng tôi không quen biết nhiều, không biết sẽ đặt vấn đề với ai. Giờ khi đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo, tôi lại càng mong hơn nữa. Chỉ hy vọng bệnh sẽ đỡ để tôi có thể tiếp tục thực hiện mơ ước” – nhạc sỹ mong ước.

Mấy ngày nay, cuộc sống bình yên của vợ chồng nhạc sỹ nó dường như đang bị phá vỡ bởi căn bệnh hiểm nghèo của ông. Để có tiền chữa trị lên đến hơn 150 triệu đồng, bà đã xoay đủ mọi cách, kể cả thế chấp sổ đỏ căn nhà. “Nhưng vẫn chưa đủ chú à! Ông nhà tôi nói kệ tới đâu hay tới đó nhưng sao mà tôi chịu được. Còn nước còn tát. Tôi chỉ mong cách nào kiếm  đủ tiền lo cho ổng  trước đã”- bà Thuận tâm sự. Bà cũng ngại nói với ông về chuyện tiền bạc vì nói ra chỉ làm cho ông thêm lo.

Những ngày ngồi bên giường bệnh chờ mổ, 2 ông bà không dám nghĩ tới xa xôi, chỉ mong qua khỏi được cơn “nguy biến này”. “Tôi tính rồi, qua được đợt này tôi sẽ quyết tâm làm cho xong các giấc mơ của đời mình: Nào là một đêm nhạc cho riêng mình, nào là 2 vợ chồng sẽ ra thăm Hà Nội. Chẳng biết đời còn bao lâu, phải làm gấp đi thôi!”. Nhạc sỹ nói với tôi mà như nói với bản thân.

Nhà báo- Nhạc sỹ Hồng Sơn, người chuyên tổ chức các chương trình ca nhạc tri ân nhạc sỹ cho biết: Sẽ sớm tổ chức đêm nhạc Trần Quang Lộc. “Nhạc sỹ Trần Quang Lộc là một nhạc sỹ nổi tiếng. Rất tiếc là trong thời gian vừa qua, chưa có ai tổ chức đêm nhạc cho nhạc sỹ. Hiện nhạc sỹ Trần Quang Lộc đang gặp khó khăn, một đêm nhạc dành cho ông sẽ là một nghĩa cử đẹp để khán giả có thể  cám ơn người nhạc sỹ đã tâm huyết để lại những ca khúc hay cho đời” – Nhạc sỹ Hồng Sơn nói.

Những ngày nằm viện, bên ông chỉ có người bạn đời là bà Thuận. Bà Thuận kể cưới nhau hơn 40 năm, chưa bao giờ bà hết phải lo lắng cho ông, ngày còn trẻ thì ông ham vui, thích tụ tập bạn bè nhậu riết. Bà phải kéo ông ra được khỏi đám bạn ở Sài Gòn, về Bà Rịa ông lại có đám bạn khác. “Mãi tới khi bị bệnh ổng mới bỏ nhậu, nhưng thuốc lá mãi hôm rồi phải cấp cứu ổng mới chịu ngưng. Thiệt khổ! Người đâu mà toàn ham thứ độc hại”- bà nói nhưng ánh mắt lại nhìn ông trìu mến. Dường như suốt bao năm, bà chịu đựng nhưng cũng là sự chăm lo cho ông trong niềm hạnh phúc. Để đánh đổi hạnh phúc đó, bà bỏ nghề dạy học ở Đà Nẵng, đi theo anh chàng nhạc sỹ nghèo Trần Quang Lộc. Họ đã có một cuộc sống tuy không giàu về tiền bạc nhưng hạnh phúc và bình yên. Chồng dạy nhạc cho lũ trẻ quanh xóm, vợ nội trợ.

MỚI - NÓNG