> Bảo Yến suy sụp sau vạ miệng
Đứa con trở về
Ông bà, cha mẹ của Quốc Dũng làm ăn sinh sống ở Lào và Thái Lan. Chính những cái chợ đường biên nhỏ bé đã kết duyên cho bố mẹ của anh, rồi sinh ra cậu bé hiền lành và yêu âm nhạc một cách khác thường.
Quốc Dũng nói với tôi trong quán cà phê ở Sài Gòn: “Tôi lớn lên với tư cách là một cậu bé Việt Kiều. Tôi chẳng biết quê hương mình ở đâu, chỉ nghe ông nội nói chúng tôi là người Vinh, Nghệ An. Giữa thế kỷ trước, nghe theo lời kêu gọi trở về đất nước, gia đình chúng tôi đã từ Thái Lan quay về. Khi đó tôi là cậu nhóc, nhưng cũng đã thấm thía được sự sung sướng biết bao khi được bước đi trên tổ quốc của mình”.
Trong nhà anh có một chiếc đàn măng đô lin cũ sờn, truyền từ ông nội đến đời bố, qua đời của anh. 9 tuổi anh thi vào nhạc viện ở Sài Gòn.
“Tôi thích học ghi ta nhưng lại chọn chuyên ngành nhạc cụ là măng đô lin, vì khi đó gia đình khó khăn quá, không có tiền để mua đàn ghi ta, nên cứ dùng đàn của ông nội để lại”.
12 tuổi Quốc Dũng đã là nhạc công đệm cho các chương trình âm nhạc thiếu nhi của đài phát thanh và khi tốt nghiệp nhạc viện, mới 15 tuổi, anh đã được mời về làm tại dàn nhạc của đài truyền hình, phối khí và đệm cho các chương trình tại đây. 17 tuổi anh xin rời khỏi đài để tạo dựng cuộc sống riêng.
Quốc Dũng mày mò dựng một phòng thu âm tại nhà của mình, với những phương tiện tự lắp lấy. Phòng thu tự tạo của anh đã thực hiện việc thu âm nhiều ca khúc cho các ca sĩ nổi tiếng nhất lúc đó như Chế Linh, Thanh Lan, để… phát lên đài phát thanh.
“Thu âm cho tôi nguồn thu nhập quan trọng, nhưng không đủ nuôi sống tôi đâu. Tôi đã tham gia vào các ban nhạc chơi nhạc Mỹ” - Quốc Dũng kể. Năm 1971 tên tuổi của anh thực sự được đông đảo công chúng biết đến với ca khúc mang tên rất là “Mai”.
Cùng những người bạn sáng tác khác như Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà… Quốc Dũng được xếp vào dòng nhạc trẻ.
“Lúc đó nhạc nước ngoài rất phổ biến trong phòng trà, đặc biệt là nhạc Pháp. Các quầy Bar và trại lính Mỹ thì nghe nhạc Mỹ. Anh em sáng tác trẻ chúng tôi cố gắng viết những ca khúc với giai điệu tiết tấu phương Tây, nhưng nội dung của Việt Nam”.
Nhớ lại thời trai trẻ ấy, tác giả ca khúc “Mai” nói: “Âm hưởng mà nhạc trẻ chúng tôi khi đó muốn mang lại đó là khát khao một cuộc sống hòa bình”.
Vượt lên những quãng khó
Năm 1974 Quốc Dũng ra CD cá nhân đầu tiên bán rất chạy. Rồi ngày hòa bình thống nhất tới, nhiều người ra đi, nhưng Quốc Dũng ở lại. Anh rất hồ hởi với cuộc sống hòa bình.
Cuối năm 1975 anh đã viết ca khúc “Điệp khúc mùa xuân” mang hơi thở của cả một thế hệ trẻ đang hòa mình vào sự lớn mạnh của đất nước sau khi thống nhất.
Quốc Dũng lập gia đình lần đầu năm 1974 và 6 năm sau thì cuộc hôn nhân tan vỡ. Thời điểm này công việc sáng tác của anh cũng gián đoạn.
Quốc Dũng kể: “Không phải riêng tôi mà hầu hết các tác giả từng nổi tiếng trước năm 1975 đều rất khó công bố tác phẩm của mình. Ca khúc Điệp khúc mùa xuân gửi đến đài để thu âm, nhưng mãi không có hồi âm gì”.
Năm 1986 làn gió đổi mới thổi vào cuộc sống Việt Nam. Quốc Dũng nói: “Sinh hoạt văn nghệ được thoải mái hơn, các chương trình ca nhạc xuất hiện nhiều. Tôi bắt đầu trở lại sáng tác với tác phẩm Hoang Vắng. Tôi đã sáng tác một mạch mấy chục ca khúc trong những năm tháng ấy”.
Các ca khúc của Quốc Dũng được đón đợi và hầu như tất cả các bài hát anh viết ra đều được hát ngay lập tức.
4 năm sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, anh đã gặp được mối tình lớn nhất của đời mình: ca sĩ Bảo Yến. Cuộc sống khi đó vẫn còn khó khăn tới mức trong ca khúc đầu tiên dành tặng Bảo Yến mang tên “Bài ca tết cho em” anh đã mô tả một cái tết không có quà, thậm chí không bánh mứt tết, nhưng chính tình yêu đã đem đến hương vị tết cho anh.
Để kiếm sống và nuôi gia đình, chàng nhạc sĩ lao vào “cày” trong phòng thu. Anh nói: “Tôi nghĩ tôi là nhạc sĩ phối khí nhiều nhất Việt Nam. Cứ nhẩm tính công việc của tuần, của tháng, tôi đã phối khí không dưới 5.000 ca khúc cho hàng trăm nhạc sĩ, ca sĩ, băng nhạc cả trong nước và hải ngoại!”.
Người ta nói rằng thành công vang dội của danh ca Bảo Yến có sự hậu thuẫn rất lớn của người chồng Quốc Dũng, với những bản phối rất hiệu quả và có sức sống dài lâu.
Các nhạc sĩ miền Bắc vào như Thanh Tùng, Dương Thụ, Phú Quang đều nhờ cậy vào người nhạc sĩ tài năng âm thầm làm việc này trong việc phối khí thu âm tác phẩm.
Phải nói rằng phong trào nhạc trẻ rộn ràng khi ấy có sự góp công không nhỏ của Quốc Dũng với các phần đệm cho các bài hát vừa trẻ trung vừa giàu chất dân gian, đầy lạc quan, lãng mạn và tin tưởng.
Các bản phối của anh được các đoàn nghệ thuật cả nước sử dụng và xuất hiện tràn ngập trên đài phát thanh. Một lần nữa Quốc Dũng đã để lại dấu ấn của mình trong đời sống âm nhạc, cho dù anh vẫn lặng lẽ làm việc trong phòng thu âm biệt lập.
Hạnh phúc gian nan
Cuộc hôn nhân của anh với danh ca Bảo Yến đem lại người nhạc sĩ ưa cuộc sống ẩn dật này nhiều cảm hứng sáng tác và động lực trong công việc. Nhưng anh cũng phải cái “trả giá” không nhỏ vì sự đa tình của mình.
“Tôi không thích mình là người đàn ông đa tình, nhưng dù sao tôi cũng đã là người đa tình” - Quốc Dũng mỉm cười nói.
“Tôi luôn chung thủy với người mình yêu cho đến tận khi họ không còn yêu tôi nữa. Khi họ đã ra đi thì tôi vẫn còn yêu họ nguyên vẹn như ngày đầu. Điều đó đã khiến vợ tôi không hài lòng. Có thể vợ tôi tha thứ cho sự đa tình của tôi, nhưng cô ấy không tha thứ cho việc chung tình của tôi”.
Tôi nói “Trong một bài báo, vợ anh là danh ca Bảo Yến đã nói rằng cô đi tu tại gia hàng chục năm nay bởi vì đã phát hiện ra chồng mình ngoại tình. Anh nghĩ sao?”. Quốc Dũng nói với tôi: “Nếu quả thực Bảo Yến đi tu vì anh thì anh rất ân hận”.
Mấy năm nay ca sĩ Bảo Yến tu tại gia trong tịnh thất của mình. Quốc Dũng chuyển ra ngoài sống. Quốc Dũng nói: “Mình phải tự lập mọi thứ, nhờ đó đã biết nấu một số món, nhưng chỉ nấu khi có bạn bè tới chơi. Không gì buồn hơn nấu cơm và ăn một mình”.
Tác giả của “Bài ca tết cho em” nói: “Chúng tôi sống riêng vẻ như vợ tôi thương tôi hơn. Bảo Yến thường gọi điện cho tôi, hỏi thăm mọi điều”.
Mới đây, một tờ báo đã đăng bài viết nói Bảo Yến phê phán rất nặng nề một số ca sĩ thành danh sau này. Anh đã gọi điện cho chị.
Chị tâm sự: “Thật ra em chỉ muốn nói rằng họ nên tự tin vào giọng hát của mình. Bây giờ các ca sĩ phụ thuộc quá nhiều vào vũ đạo phụ trợ, vào âm thanh, ánh sáng”.
Quốc Dũng nói: “Vợ tôi đi hát rất đơn giản, cô ấy chinh phục khán giả bằng giọng hát chứ không phải các vũ đoàn. Thời bây giờ các chương trình ca nhạc chú ý quá nhiều đến phần nhìn mà không chú ý nhiều tới phần nghe.
Điều đó rất có thể sẽ giết chết các giọng ca đích thực và những khán giả đích thực”.
Gác kiếm
Cách đây mấy hôm, nhạc sĩ Quốc Dũng đã trình làng ấn bản 100 ca khúc của mình, hầu hết chúng là các bản tình ca về quê hương và lứa đôi, kèm theo đĩa CD 100 bài hát đã từng được thu âm và phát hành qua nhiều thời kỳ.
Anh tặng tôi cuốn sách và nói: “Tôi quyết định sẽ giải nghệ, không phối khí nữa. Phối 5.000 ca khúc, một ca khúc lắm khi phối nhiều bản phối khác nhau, với tôi thế đã đủ rồi”.
Quán cà phê Phong Nguyệt của nhà báo, ca sĩ Duy Thủy ở phố Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM có nhã ý làm hai đêm nhạc mini nhân sự kiện giải nghệ của Quốc Dũng.
Quốc Dũng không quan tâm đến ai hát, việc dàn dựng, phối khí ra sao. Ngoài các ca sĩ trong nước như Đức Tiến, Huỳnh Thật, Thụy Long, H’zina Bya, ca sĩ Hải Ngoại Nhật Hạ cũng đến biểu diễn.
Quốc Dũng đến dự như một vị khách bình thường. Quốc Dũng nói: “Anh ghi nhận tấm lòng của các bạn trẻ”.
Tôi hỏi Quốc Dũng: “Anh vẫn sáng tác chứ?”. Anh nói: “Tôi chỉ bỏ nghề làm nhạc thôi, còn sáng tác không phải nghề nên không đặt vấn đề giải nghệ. Sáng tác là công việc tùy hứng, chẳng nói trước được gì đâu”.
Cầm cuốn sách nhạc với 100 bài hát của người nhạc sĩ đã gắn với nhạc trẻ của hai thời kỳ lịch sử trước và sau năm 1975, tôi hỏi: “Ngoài cuốn sách này, anh còn những bản thảo nào không?”.
Quốc Dũng nói: “Còn bằng ngần này nữa, tức là khoảng 100 ca khúc, nhưng tất cả đều còn dở dang cả”.
Nói về người vợ đang tu tại gia, Quốc Dũng không khỏi xót xa. Anh nhận xét rằng vẫn tồn tại sự khác nhau rất lớn giữa người đàn ông Á Đông và người phụ nữ Á Đông, điều đó khiến những người đàn ông đa tình như anh cảm thấy như mình có lỗi.
Quốc Dũng nói: “Có những điều đàn ông làm mà người đàn bà thậm chí không dám nghĩ tới chứ chưa nói là dám làm!”.
Tôi hỏi sau khi giải nghệ, anh tính làm gì. Quốc Dũng trả lời: “Tôi thích đi du ngoạn ở những nơi vắng vẻ, thanh tịnh”.
Tôi nghĩ tôi là nhạc sĩ phối khí nhiều nhất Việt Nam. Tôi đã phối khí không dưới 5.000 ca khúc cho hàng trăm nhạc sĩ, ca sĩ, băng nhạc cả trong nước và hải ngoại!”. |
Nhạc sĩ tự do Nhạc sĩ Quốc Dũng sinh năm 1951 tại Thái Lan, hồi hương về Việt Nam và học tại trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn. Năm 16 tuổi tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương rồi tiếp tục học báo chí tại Viện Đại học Ca khúc đầu tiên được ông hoàn thành vào năm 17 tuổi Em đã thấy mùa xuân chưa. Anh thuộc thế hệ sáng tác nhạc trẻ đầu tiên ở miền Nam. Quốc Dũng còn là diễn viên, nhạc công biểu diễn nhiều nhạc cụ như mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ... Quốc Dũng từng được nhạc sĩ Phạm Duy đánh giá là “một tài năng hiếm có của âm nhạc Việt Nam”. Rất nổi tiếng với nhiều ca khúc và tài biểu diễn, dàn dựng tổ chức thu âm, nhưng Quốc Dũng chưa bao giờ là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Anh nói: “Với hàng trăm bài hát được biểu diễn, mọi người đều biết tôi là nhạc sĩ rồi và với tôi như thế là đủ”. |