Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác: Vẫn 'Mơ đời chiến sĩ'

Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác: Vẫn 'Mơ đời chiến sĩ'
TP - Ông đúng là một ông Tây. Vừa có dáng vẻ một cha đạo, lại vừa có dáng vẻ của một vị tiên. Thảo nào mà ông đã từng phổ rất hay câu thơ Chính Hữu: "Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa".

> Tìm “đồi Bucarest” ở Điện Biên
> Riêng chung của Hữu Mai

Có một điều khác thường trong tang lễ của các nhạc sĩ, ca sĩ là thường vào giờ đưa tiễn, trong không gian ấy được vang lên bởi các sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ quá cố, hay những bài hát nổi tiếng mà ca sĩ quá cố đã thành danh nhờ nó.

Tang lễ của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác diễn ra vào sáng 13/5/2013 cũng không nằm ngoài sự khác thường trên. Trong không gian quàn linh cữu ông, đã vang lên những nhạc phẩm nổi tiếng của ông như "Mơ đời chiến sĩ", "Trường Chinh ca"... những giai điệu khiến ta có cảm giác như nhạc sĩ vẫn đang sống.

Ông chỉ ngủ một giấc ngủ hơi dài. Và trong giấc ngủ ấy vẫn có những giấc mơ "Mơ đời chiến sĩ" của thời thanh xuân xa xưa. Những giai điệu ấy lại khiến tôi bồi hồi nhớ về bao kỷ niệm của 58 năm về trước, ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/1955 (tình cờ lại trùng ngày đưa tiễn nhạc sĩ).

Ngày ấy, Hải Phòng - thành phố thuộc vùng 300 ngày - nên là thành phố cuối cùng được giải phóng (cũng từ ngày ấy, miền Bắc mới thực sự hoàn toàn giải phóng).

Sau ngày giải phóng, thanh niên và học sinh nô nức tập văn nghệ. Nhóm văn nghệ của các anh chị tôi thường rủ nhau về nhà tôi tập luyện. Bởi thế, tôi cũng nghe và thuộc lây. Không hiểu sao có những bài hát vừa hay, vừa lạ khác xa những bài hát ở vùng tạm bị chiếm.

Thật hào sảng và cũng thật lãng mạn: "Chúng ta cười nhìn gió bay làm tung manh áo tả tơi - Rét run người vì sốt bao mồ hôi rơi xuống gắng cười - Chốn sa trường vì nước bao chàng trai anh dũng vì dân - Đã bao lần thề thốt...". Thế rồi: "Lô Giang dòng nước trong xanh có nhà mái xinh bên đồi núi cao - Lô Giang dòng nước êm ru - Ánh vàng thắm tươi khi trời cười vui...".

Tôi cứ thế mê mải nhập tâm mà không biết đó là của ai sáng tác. Cho đến khi lớn hơn, tôi được tham gia vào đoàn hợp xướng "Hải Âu" thì mới biết đó là "Trường Chinh ca" và "Lô Giang" của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Tôi đã mang những giai điệu này vào thanh xuân, rồi vào lính đi khắp các chiến trường.

Có lúc cao hứng đã đơn ca "Trường Chinh ca" cho đồng đội nghe. Nhưng hình ảnh người nhạc sĩ của giai điệu này với tôi sao quá xa vời. Nghe đồn ông đẹp trai, có khuôn mặt rất Tây và cũng cao to như Tây.

Tôi thực sự được gặp và tiếp xúc với Lương Ngọc Trác từ khi ra khỏi quân đội, về làm việc tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hội có tục lệ năm nào cũng tề tựu anh em làng nhạc dịp cuối năm vào ngày ông Công, ông Táo. Và Lương Ngọc Trác đã xuất hiện trước mắt tôi trong ngày vui ấy cuối 1990. Ông đúng là một ông Tây.

Vừa có dáng vẻ một cha đạo, lại vừa có dáng vẻ của một vị tiên. Thảo nào mà ông đã từng phổ rất hay câu thơ Chính Hữu: "Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa".

Hóa ra hồi là tự vệ chiến đấu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" mùa đông 1946, ông đã từng trụ bám ngay tại phố Hàng Bông nhà tôi và bị thương ở ngõ Hàng Chỉ trong một trận đánh. Rồi ông lại nằm dưỡng thương ở quân y viện tại phố Hàng Gai.

Và chính ở thời điểm đó, ông đã viết bài hát đầu tiên cho cuộc chiến đấu này khi phổ bài thơ "Mơ đời chiến sĩ" của Mạc Tần. Vào dịp tết Đinh Hợi 1947, khi ở ngoài vùng tự do, Nguyễn Đình Thi viết "Người Hà Nội" thì ở chiến hào giữa Hà Nội, Lương Ngọc Trác và toàn trung đoàn Thủ đô lắng nghe thư Bác chúc tết.

Thư Bác đã khiến cho võ sĩ Lĩnh Nam - Trịnh Ngọc Báu thức trắng đêm viết ra bài thơ "Thủ đô huyết thệ" và cũng thôi thúc Lương Ngọc Trác phổ ngay bài thơ thành hành khúc: "Đoàn Thủ đô thề xung phong quyết tử - Nguyện xả mình mong Tổ quốc quyết sinh...". Một vệt sáng tác của Lương Ngọc Trác từ "Mơ đời chiến sĩ", "Thủ đô huyết thệ", "Trường Chinh ca", "Lô Giang" và "Ngày về" (thơ Chính Hữu) chính là vệt trường chinh của trung đoàn Thủ đô trên các nẻo đường chiến đấu.

Hình ảnh của nhà thơ Chính Hữu và nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng "tiểu thuyết hóa" trong tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô" và trong kịch bản phim "Lũy hoa". Nhân vật "tiểu thuyết hóa" từ nhạc sĩ Lương Ngọc Trác là nhạc sĩ Thu Phong.

Từ sau lần sơ ngộ đầu tiên, tôi được gặp Lương Ngọc Trác nhiều hơn. Nhưng để hiểu cặn kẽ về ông thì phải tới cuối năm 2001, khi tôi cùng đạo diễn Vi Kiến Hòa làm vì tài liệu truyền hình về ông và ca sĩ Quang Hưng - người đã từng hát vang giai điệu Lương Ngọc Trác trên các chiến lũy Thủ đô như một Ga-vơ-rốt của Hà Nội.

Vậy là Lương Ngọc Trác sinh ra ở phố Nhà Thờ cũng như Nguyễn Xuân Khoát. Các ông đều đã từng là con chiên ngoan đạo. Nhờ năng khiếu âm nhạc, cả ông Trác và ông Khoát đều trở thành những nhạc công có tiếng ở các quán bar thời ấy tại Hà Nội. Ông Trác còn cùng bạn bè lập ban nhạc sang chơi ở Côn Minh.

Chính cách mạng tháng Tám đã đưa ông trở lại Hà Nội và khiến ông lột xác thành người lính. Ngày Tuyên ngôn Độc lập, bản nhạc "Vũ khúc tưng bừng" của ông đã vang lên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hòa bình lập lại, ông lại cùng Huy Thục, Nguyễn Thành, Nguyên Nhung viết nhạc cho vở vũ kịch Việt Nam đầu tiên "Ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh" - tác phẩm đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

Những năm chống Mỹ, Bên cạnh những sáng tác, ông Trác trong cương vị đoàn trưởng đoàn Tổng cục Chính trị đã nhiều lần cùng các nhóm xung kích vào biểu diễn tại chiến trường miền Nam và nhiều nước trên thế giới.

Ông là một trong những nhạc sĩ sáng lập Hội Nhạc sĩ Vệt Nam và là Ủy viên thường trực ban thư ký - ban chấp hành Hội. Ông thật xứng đáng với những huân huy chương được trao tặng và giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Ra đi khỏi cõi đời ở tuổi 86, ông đã để lại cho hôm nay một giấc mơ trong sáng của tuổi thanh xuân - "Mơ đời chiến sĩ".

Nhạc sỹ, thiếu tướng An Thuyên: Với tôi, nhạc sỹ Lương Ngọc Trác là người anh, người thầy

"Tôi không bao giờ quên được hình dáng anh thanh cao, nhanh nhẹn, với khuôn mặt rạng rỡ tươi tắn khi đón tôi tới nhà riêng của anh, ngày tôi mới được lãnh đạo Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam cử về xây dựng lại trường Nghệ thuật Quân đội. Cả anh và chị Thuỳ Chi, vợ anh, tiếp tôi ân cần, tôi nói: "Tổng cục giao em về trường, tiếp bước các anh, việc khó quá, mà em thì thiếu kinh nghiệm quản lí, anh cho em mấy lời khuyên".

Anh nói: "Trường đang trong giai đoạn khủng hoảng, gặp nhiều khó khăn trong định hướng đào tạo. Một dạo tớ cũng đã về làm hiệu trưởng, nhưng chỉ một thời gian ngắn rồi Tổng cục lại điều về làm đoàn trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị lần thứ tư, tớ chưa làm được gì cho trường, thật khó, ngay cả chuyện nội bộ tuy chỉ còn 7 giáo viên 11 học viên nữa thôi mà cũng rất phức tạp. Thuyên cố gắng từng bước mà làm, đừng để đơn vị người ta quay lưng lại với sản phẩm đào tạo của trường".

Khi chia tay anh chị, anh nắm chặt tay tôi: "Phải toàn tâm với nhà trường, đừng cá nhân Thuyên nhé". Sau này, trường đã "ăn nên làm ra" tôi vẫn thường xuyên mời anh về thăm trường và xin ý kiến anh về truyền thống, về hiện tại và tương lai nhà trường. Anh đều chỉ bảo ân cần, giúp tôi và nhà trường nhiều lắm.

Nhạc sỹ Lương Ngọc Trác là nhà quản lí nghệ thuật xuất sắc, có thể nói cả đời ông dâng hiến cho Đoàn văn công Tổng cục Chính trị suốt một thời gian dài nổi tiếng lừng lẫy, là đơn vị "anh cả đỏ" của nghệ thuật cách mạng vẻ vang. Về sáng tác, ông không để lại gia tài đồ sộ nhưng chỉ với các ca khúc "Vũ khúc tưng bừng", "Mơ đời chiến sỹ", "Thủ đô huyết thệ", "Ngày về", "Trường Chinh ca", "Lô Giang"?với những giá trị nghệ thuật cao, có sức sống lâu bền với thời gian, trong lòng người, tôi nghĩ ông là bậc thầy trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG