Hoang sơ cội nguồn
Người đàn ông rắn rỏi, nước da nâu đậm, dáng vẻ phong trần với chất giọng trầm ấm: “Tôi vẫn thích lang thang trong rừng sâu như ngày nào để tìm hạt ngọc xưa còn đâu đó giữa đại ngàn Tây Nguyên. Phải trở về cội nguồn, tan vào rừng và khe suối…may ra mới có thêm những ca khúc như xưa được”, nói rồi, nhạc sĩ Y Phôn cười, nụ cười trong lành như cái nắng, cái gió ở Tây Nguyên.
Ngày đó, Y Phôn gắn chặt mình ở quê hương Đliê Yang (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) nơi khởi nguồn của con sông lớn Ea H’leo chảy giữa trái tim Tây Nguyên. Ông viết nhạc bằng bản năng, trong tâm thế của một đứa con trai nương rẫy. Khi rảnh rỗi, ông ôm đàn hát, tập tành sáng tác, khán giả là bà con trong buôn. Ông kể, từ âm thanh cồng chiêng thiêng liêng, ma mị cùng với vốn dân ca, âm nhạc sâu lắng của dân tộc mình đã gieo vào lòng ông những khuôn nhạc ban đầu. Mẹ là nghệ nhân thổi đinh buốt (sáo trúc) rất hay, cha là nghệ nhân đánh, thẩm âm chiêng nổi danh trong vùng, (nay là nghệ sĩ dân gian Y Lắp Mlô). 8 tuổi Y Phôn làm quen với cồng chiêng quý của gia đình, năm 11 tuổi theo cha đem chiêng đi diễn tấu khắp vùng. Ở tuổi 15, tình yêu âm nhạc ngày càng thêm đam mê. Mỗi ngày trên nương về, Y Phôn ôm đàn biểu diễn cùng cha trong ngôi nhà sàn, bên bếp than đỏ lửa…
Năm 1983, Y Phôn Ksơr thi đỗ vào trường Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk, khoa thanh nhạc. Những năm tháng khó khăn ấy, người nghệ sĩ này phải tranh thủ lúc rảnh rỗi về quê làm rẫy phụ giúp gia đình. Vùng đất và cuộc sống còn lam lũ, cơ hàn của người dân ở buôn Sek (xã Đliê Yang) làm Y Phôn thổn thức hóa thành lời và giai điệu thiết tha.
Nhạc sĩ Y Phôn lặng đi trong nỗi xúc động còn vương trên đôi mắt đỏ, ký ức của ông tràn về từ buôn làng, nguồn cội. Tôi nghe thấy âm thanh ngân rung qua ánh mắt của miền đất đỏ bazan ấy: “Cha đi lượm quả ngọt rừng cho con đỡ đói qua đêm/Cha đi lượm từng hạt thóc, cho con một bữa cơm chiều” (Đôi chân trần). Ông nói: “Đó là hình ảnh thân yêu của người cha vất vả gian lao luôn đau đáu trong lòng với những âm thanh vang dội. Y Phôn muốn chôn giấu trong lòng và quên đi nhưng không thể”.
Sau bốn năm học thanh nhạc, theo nguyện vọng của cha, Y Phôn trở về quê và làm việc tại phòng Văn hóa huyện Ea H’leo. Năm 1992, khi tham dự trại sáng tác âm nhạc khu vực Tây Nguyên, Y Phôn như được bay bổng trong đôi cánh âm nhạc. Ông sáng tác ca khúc “Chim phí bay về cội nguồn”. Bài hát được cố nghệ sĩ Y Moan biểu diễn thành công và mở cho Y Phôn một con đường mới. Năm 1993, Y Phôn được chuyển về đoàn ca múa Đắk Lắk, với vai trò vừa là ca sĩ biểu diễn vừa là nhạc sĩ sáng tác.
Được nghe chính ông hát ở không gian nhà dài, vừa uống rượu cần, vừa thưởng thức lời ca như được vắt ra từ trái tim yêu thương cội nguồn của ông mới thật thấm thía. Hồn của ông ở nương rẫy, đôi tay chai lỳ cuốc cỏ đã viết nên bản nhạc mênh mông, hoang thẳm. Nghe là biết nhạc Y Phôn, man mác trong đó là hơi thở dân ca truyền thống Êđê. Nó chảy ra từ chìm đắm hoang dã. Phải đủ thương, đủ đau mới viết được những gì thuộc về nội tâm của một cộng đồng, một con thú, một con suối. Nhạc sĩ Y Phôn nói rằng, ông hát chỉ có hồn, mặc dù còn nặng trái tim sáng tác.
Nghệ sĩ của buôn làng
Nhạc sĩ Y Phôn không phải là người sáng tác nhiều. Khi ông đã viết ra là phải đủ cảm xúc, đủ độ chín. “Thực ra thời gian chín một tác phẩm với tôi vô vàn, khi bắt được câu nào có thể 30 phút viết xong nhưng có khi cả năm cũng không ra được. Cảm xúc là dẫn dắt ca từ, đều được xây dựng hình tượng trước trong tâm trí”, Y Phôn chia sẻ.
Với nhạc sĩ Y Phôn, âm nhạc Tây Nguyên không hẳn luôn bốc lửa, khi biểu diễn không nên lạm dụng gào thét như quan niệm của nhiều người. Lửa Tây Nguyên nó nằm ở nội tâm, khi câu hát vang lên lửa đã cháy rồi. Lời bài hát của ông bao giờ cũng giản dị, được chuyển tải bằng chất liệu âm thanh vừa trữ tình sâu lắng, vừa bay bổng khoáng đạt lại cồn dữ, khát vọng đem lại cho tác phẩm chất lãng du nồng nàn mê say. Để minh chứng cho điều đó, đôi mắt lim dim, ông ôm cây đàn cất lên: “Tôi như con thú đi lang thang trong rừng sâu/ Như dòng sông khao khát lời/Tôi như hạt mưa khao khát lời”...(Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời). Đôi mắt to ấy lại rớm nước, ông kể, khi đó ông công tác ở đoàn ca múa nhạc tỉnh Đắk Lắk. Ông nhận được tin mẹ bị bệnh nên bắt xe về thăm. Đó là vào tháng Tư mùa khô, những con đường bụi đỏ cuốn lên cùng với thảm cỏ xanh mơn mởn. Một mình Y Phôn lang thang gần 13 cây số trên từng vạt rẫy tìm mẹ. Ý nhạc cứ thế nảy ra trong đầu khi thấy dáng lưng hơi khòm của mẹ đang làm trên rẫy. Thương mẹ cùng với cảm xúc tuôn trào, ông đã bật lên thành lời “Hát giữa mọi người không ngại ngần/Lời hát nữ thần mặt trời/nữ thần mặt trời của tôi”. “Với người Êđê theo mẫu hệ, mặt trời là nữ thần, mặt trời cũng là mẹ. Bởi vậy khi tôi viết “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời” là tôi viết cho mẹ mình”, Y Phôn cho biết.
Ngày đó, Y Phôn và Y Jack ở chung phòng. Khi ông sáng tác xong ca khúc, Y Jack cất lên câu đầu. Y Phôn phát hiện giọng rất phù hợp, đó là chất liệu knack (hát sử thi). Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1997, ca sĩ Y Jack Arul đã khiến nhiều người mê đắm khi cất lên câu hát: “Một mình lang thang trên đất này. Một mình qua sông, qua núi đồi. Theo dấu chân cha ông ngàn đời”. Với chất giọng của Y Jack cùng ca từ đậm chất núi rừng, đưa Tây Nguyên thoát khỏi vùng trũng âm nhạc hiện đại, thoát khỏi miền núi, vùng xa.
Y Phôn bảo rằng, với người nghệ sĩ hát đâu cũng là hát nhưng ông vẫn thấy hạnh phúc nhất khi hát cho đồng bào mình nghe. Bây giờ ông đã có nhà ở phố, nhưng cuối tuần ông lại chạy xe về buôn Dlei Yang, có lẽ phải về đó ông mới được tiếp thêm nguồn sống, sức mạnh để chống chọi với sự hỗn tạp của thành phố. Hạnh phúc lớn nhất của một tác giả là tác phẩm của mình được mọi người biết đến và sống trong lòng mọi người…
Nhiều năm nay, Y Phôn không tham gia sáng tác, chưa có ca khúc để lại dấu ấn cho người yêu âm nhạc. Nhạc sĩ tâm sự chẳng cần giấu giếm rằng: “Một phần vì gánh nặng cuộc sống, khống chế đi cảm xúc, nếu sáng tác thì phải chăng chỉ cho có. Có lẽ phải quay về cội nguồn, tan chảy hòa quyện cùng sông suối thì mới có được ca khúc như xưa”.
Hiện nhạc sĩ Y Phôn là Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk. Tình yêu với âm nhạc trong ông chưa bao giờ thay đổi, chỉ là thêm sự âu lo về lớp trẻ bây giờ chẳng mặn mà với truyền thống của dân tộc mình. Dự kiến sắp tới ông sẽ tổ chức một liveshow tại Buôn Ma Thuột.
Y Phôn Ksơr là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu không chỉ của dân tộc Êđê mà cả Tây Nguyên hiện nay. Nhiều ca khúc đã làm say đắm, thổn thức bao trái tim như “Chim phí bay về cội nguồn”; “Đi tìm lời ru mặt trời”; “Đôi chân trần”…