Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao?

Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao?
Hơn một năm sau khi đăng quang "Đường lên đỉnh Olympia", Hoàng Thế Anh lên đường đi du học tại trường ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc) với chuyên ngành Viễn thông.

Tháng 6/2013, Hoàng Thế Anh (học sinh lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Bắc Giang) đạt danh hiệu quán quân Đường lên đỉnh Olympia với 285 điểm. Ngày 24/7, nhà vô địch năm thứ 13 cuộc thi lên đường sang du học tại Úc.

Từ leo núi Ba Vì bằng mũi chân đến đăng quang đỉnh Olympia

Thời gian này một năm trước, Hoàng Thế Anh nhận được thông tin đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội với 26,5 điểm (Toán: 8,5; Vật lý: 8; Hóa học 10). Cộng cả điểm khu vực, chàng trai đạt tròn 27 điểm.

Mặc dù đạt học bổng di du học tại Úc sau khi đăng quang nhưng chàng trai này vẫn đăng ký tuyển sinh bởi đại học là một kỳ thi khá quan trọng: “Em không muốn bỏ lỡ cơ hội để thử sức và thể hiện mình sau 12 năm học đã qua”. Đối với Thế Anh, đại học cũng là một đỉnh núi cần chinh phục giống như Olympia vậy.

Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao? ảnh 1

Hoàng Thế Anh trong giây phút đăng quang năm 2013.

Ít ai biết được rằng nhà vô địch Olympia đã từng leo đỉnh núi Ba Vì (Hà Tây) bằng… mũi chân.

Kỷ niệm đáng nhớ này được Thế Anh kể lại: “Ngày học cấp 3, thay vì đi ô tô lên đỉnh núi, các thành viên trong lớp đã cùng nhau đi bộ trên quãng đường 10 km. Đặc biệt, em còn thi với một bạn trong lớp xem ai sẽ là người leo lên đỉnh núi bằng mũi chân nhanh hơn. Kết quả cuộc thi là hòa nhưng tệ hơn bởi mấy ngày sau đó em bàn chân em không còn cảm giác”.

Thích thú khi chinh phục những đỉnh núi, đặc biệt Thế Anh còn mong muốn được thăm những ngôi chùa trên đỉnh cao với không khí trong lành, thanh tịnh. Quán quân Đường lên đỉnh Olympia chia sẻ: “Một ngày nào đó em sẽ thăm những ngôi chùa trên núi như Yên Tử”.

Học kém tiếng Anh đến IELTS 6.5

Sau một năm từ khi đăng quang Đường lên đỉnh Olympia, cuộc sống của Hoàng Thế Anh có nhiều thay đổi. Chàng trai này tâm sự: "Thay vì học đại học, một năm qua em cũng đã cố gắng ôn luyện tiếng Anh để có thể sớm thực hiện ước mơ du học. Những điều này đều khác so với dự tính của em ngày nhỏ".

Học tập tại Hà Nội khiến Thế Anh cảm thấy cuộc sống thêm thú vị: “Dù khoảng thời gian đó không dài nhưng cũng giúp em có thêm bạn mới, đi chơi quanh thủ đô và có thêm sở thích uống trà đá vỉa hè”.

Tuy đỗ ĐH Bách khoa nhưng Thế Anh không nhập trường mà dành toàn bộ thời gian cho việc học tiếng Anh từ trung tâm giáo dục và đào tạo Úc ACET. Từng tự nhận bản thân mình học kém nhất môn tiếng Anh, nhà vô địch Olympia tâm sự: “Mặc dù chỉ đạt được điểm thi IELTS 6.5 nhưng em tự cảm thấy đó như là một sự vượt bậc của bản thân, vì chỉ một năm trước thôi em vẫn còn là người gần như không dám và không bao giờ giao tiếp bằng tiếng Anh”.

Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao? ảnh 2

Ảnh ngoại khóa trong lớp tiếng Anh.

Ngoài thời gian học, Thế Anh đã tham gia một số hoạt động tình nguyện: “Trong chương trình Tiếp sức mùa thi do trường chuyên THPT Bắc Giang tổ chức em đã góp một phần công sức nhỏ. Điều này khiến em rất hạnh phúc vì một phần nào đền đáp được công ơn giáo dục của các thầy cô cũng như toàn trường dành cho mình”.

Mùa hè cận kề thời gian chuẩn bị đi Úc cũng là quãng thời gian Thế Anh dành nhiều thời gian để xem các trận cầu World Cup. Bởi chàng trai này luôn coi bóng đá là niềm đam mê lớn: "Có giai đoạn em rất ham chơi thể thao, thường chơi xong mới học".

Trong mùa World Cup này, tuy không xem đầy đủ được 64 trận đấu nhưng Thế Anh luôn cố gắng thức đêm để cuồng nhiệt cùng bóng dá. Chàng trai sinh năm 1995 bày tỏ: "Chỉ tiếc trong mùa World Cup năm nay, hai đội em yêu thích là Italia và Brazil đều để lại thất vọng. Em hi vọng bốn năm sau tại Nga, hai đội sẽ có những màn trình diễn thuyết phục hơn”.

Sẽ sống tại Úc cùng gia đình Đường lên đỉnh Olympia

Trước giờ Thế Anh rời xa gia đình, bạn bè để du học tại Úc, cậu tâm sự: “Em cảm thấy khá bồn chồn, cộng thêm chút lo lắng khi phải sống trong một nơi ở khác, học theo phương pháp mới, mọi thứ đều lạ lẫm".

Đường lên đỉnh Olympia không chỉ là sân chơi mà còn là một gia đình thân thiết với Thế Anh. Nhận được sự giúp đỡ của các thành viên đi trước nên công việc chuẩn bị du học của chàng trai này khá thuận lợi.

Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao? ảnh 3

Thế Anh cùng các thành viên trong gia đình Olympia.

Sang Úc, Thế Anh sẽ sống cùng gia đình chàng trai Nguyễn Vũ Hoàng - người vô địch năm thứ 6 cùng các anh chị trong gia đình Olympia khác. Quán quân Olympia bày tỏ: “Em dự định sau khi ổn định nơi ở sẽ đi làm thêm, vừa có thêm kinh nghiệm giao tiếp, vừa có thêm thu nhập để chi tiêu trong cuộc sống và cố gắng đi du lịch để khám phá”.

Thế Anh kể, trước khi lên đường sang Úc, chàng trai được một người chị đại diện cho ĐH Swinburne tại Việt Nam tặng cuốn sách nói về đất nước này: “Đây là món quà rất quý gia và sẽ giúp em dễ dàng hòa nhập cũng như tìm hiểu được những điều mới lạ”.

Có niềm đam mê thể thao nên chàng trai này rất ấn tượng với giải quần vợt Australian Open: “Đó cũng là điều đầu tiên em nghĩ đến khi nói về Úc. Chính vì thế em mong có thể một lần được xem một trận đấu ở giải này, đặc biệt là trận chung kết thì rất hạnh phúc”. Trong năm học này, Thế Anh sẽ học chương trình theo chuyên ngành Viễn thông của trường ĐH Kỹ thuật Swinburne để thưc hiện đam mê thuở nhỏ.

Hoàng Thế Anh sinh năm 1995 trong một gia đình có truyền thống học tập ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Bố Thế Anh hiện là Hiệu trưởng trường THCS An Dương (Tân Yên), mẹ là bác sĩ Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh.

Cô Nguyễn Thị Hương (mẹ Thế Anh) chia sẻ: “Là một người mẹ, tôi cũng khá lo lắng khi Thế Anh chuẩn bị sang học tập và sống ở một đất nước xa lạ. Tuy nhiên Thế Anh là người tự lập lại có thời gian một năm chuẩn bị du học tại Úc nên tôi cũng yên tâm phần nào.

Tôi chỉ lo lắng vấn đề sức khỏe khi Thế Anh thường xuyên bị dị ứng thời tiết. Trong hành trang mang theo, tôi cũng gói ghém cho cháu chút thuốc thang, bánh ngọt, mì tôm… đề phòng khi chưa quen khí hậu, món ăn".

"Điều mong mỏi nhất của gia đình, sau khi tới Úc, con sẽ ổn định nơi ăn, chốn ở, hội nhập với bạn bè và đầu tư cho học hành” - cô Hương tâm sự.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG