Nhà văn Trần Thị Trường và Phố Hoài: Không định nói xấu thời bao cấp

Ngoài viết văn, Trần Thị Trường còn là một họa sĩ vừa có triển lãm đầu tay. Ảnh: N.M. Hà
Ngoài viết văn, Trần Thị Trường còn là một họa sĩ vừa có triển lãm đầu tay. Ảnh: N.M. Hà
TP - Nhà văn Trần Thị Trường ở tuổi tròn 70 tung ra cuốn sách mô tả 70 năm biến thiên của lịch sử Việt Nam phản ánh lên số phận của tầng lớp trí thức đô thị. Phố Hoài được viết trong 10 năm dù có khi cả năm tác giả không viết chữ nào. Vì ngần ngại viết ra có khi không được in…

Chị đặt tên tác phẩm - Phố Hoài, phải chăng có ý muốn giảm nhẹ, vì tên sách dường như chưa lột tả được hết nội dung?

Một phần là như thế. Bây giờ có thể người ta trực diện hơn, sự việc thế nào gọi đúng như thế, để bạn đọc khỏi phải hình dung. Nhưng tôi chết cũng không thay đổi được cái lối thơ mộng. Còn bên trong nó ẩn chứa những điều mà mọi người cho rằng kinh khủng, nhưng tôi vẫn dùng giọng văn nhẹ nhàng.

“Phố” gợi ra những gì là tinh hoa, tri thức. Một thành phố thiếu vắng trí thức tôi không hình dung được. Tôi mô tả có thể chính là Hà Nội thời tôi sống hoặc một thành phố nào đó của Việt Nam nhưng nó là thành phố của trí thức, của tinh hoa một thời. Tôi hoài niệm cái phố đấy, bao gồm những con người nói như nhạc sĩ Dương Thụ là sống nặng về tinh thần. Có thể nghèo hơn bây giờ rất nhiều nhưng người ta có một đời sống tinh thần rất phong phú. Những chiều cuối tuần, người ta đến điểm khiêu vũ, đến các CLB, đi xem phim hay bàn thảo những câu chuyện về xã hội, về con người có tính nhân văn. Tôi thấm đẫm tinh thần sống đó.

Tạ Duy Anh (người biên tập cuốn sách) muốn đặt tên thành Nhớ khổ, hẳn muốn nhấn vào thời bao cấp. Tôi không có ý định nhận xét hay nói xấu thời ấy, vì lịch sử diễn ra như thế nào thì chúng ta chấp nhận như thế. Tôi chỉ kể lại ký ức của mình, những câu chuyện mà tôi đi nhiều nơi trên thế giới, người ta cũng không hình dung nổi. Giả dụ có một cặp vợ chồng tôi rất thân, khi đăng ký kết hôn họ được bốc một cái giường. Nhưng nhà họ không có chỗ để kê giường và họ đổi sang phiếu quan tài để dùng gỗ đấy làm gác xép và ngủ trên đó.

Có những nhân vật như Thảo hoàn toàn có thể loại bớt mà không ảnh hưởng gì đến tổng thể?

Tôi cho rằng nhân vật Thảo để tăng độ hấp dẫn của câu chuyện. Cô Thảo ít tuổi hơn lớp chúng tôi. Cô ấy mất thần tượng, không biết đâu là thần tượng cả, cứ thấy người nào có tài thì mê, vì lúc ấy con người ta luôn mơ màng. Lúc ấy chuyện không lấy chồng là không có, nếu có được coi là bất hạnh ghê lắm. Nhưng riêng cô ấy không chịu lấy những người mà cô cảm thấy không đúng như hình dung của cô ấy.

“Tôi không chỉ kể nỗi khổ. Tôi kể số phận. Số phận từng con người trí thức một. Tôi nhấn mạnh vào trí thức và chủ yếu là trí thức Công giáo”.
Nhà văn Trần Thị Trường

Rất nhiều nhân vật nữ của chị hay có kiểu mơ màng, dễ rung động trước nghệ sĩ, trí thức. Họ bị thu hút bởi cái đẹp trong thời điểm cái đẹp còn hiếm và khó có đất sống?

Hình như chính là tôi đấy. Những phụ nữ ước ao một đời sống đẹp, một cuộc sống êm đềm. Và tôi nhớ, các triết gia có nói, ở đâu mà phụ nữ hạnh phúc thì xã hội đó mới an toàn, văn minh. Ở đâu phụ nữ bơ vơ, không tìm thấy những điểm tựa, thì cuộc sống cũng đáng ngại.

Cũng có thể nói nhân vật Thảo khi được tôi đưa vào rồi thì sau 8-9 năm bản thân tôi cũng mắc cái tội tự biên tập nên đã lược bớt những phần về cô ấy. Trong thời gian viết, nhiều khi tôi nghĩ rằng cuốn sách không thể in được. Cứ bảo, thôi viết ra rồi chết…

Trong này, nhiều câu chuyện gọi là duy vật thô thiển, và có thể nói cuốn sách này của tôi không phải dễ đọc. Nên tôi phải đưa cả những chuyện tình vào. Càng có kiến thức đọc sẽ càng thấy hay. Tôi không thể chấp nhận những chuyện ngôn tình tẻ nhạt. Nhiều năm tôi đã viết những chuyện như thế, in rất dễ dàng. Nhưng sau đó tôi tự phỉ báng bản thân kinh khủng.

Nhiều nhân vật trong sách mang tên những người có tiếng vẫn đang sống. Phải chăng chị kể chuyện đời của chính họ?

Tôi rất trân trọng những cái tên đó và muốn đưa ấn tượng tốt đẹp về họ vào sách của mình, tiểu thuyết hóa để cho dễ đọc. Vì tôi là người sống thật. Chúng ta vẫn nói cuộc sống bây giờ chả cần phải sáng tác, hình dung gì cả, cứ viết lại là nó thành tiểu thuyết. Có những cái còn quá sự hình dung của nhà văn.

Tôi hy vọng tên của nhân vật trong sách của tôi trùng khít với người ngoài đời, chứng tỏ họ không khác với trí tưởng tượng của tôi trong cái xã hội mà tôi miêu tả. Ví dụ nhân vật Toán Xồm tôi chỉ biết một chút qua những người ruột thịt của tôi. Nhưng chính tôi khi hư cấu về anh mà còn khóc. Ngoài chơi nhạc, anh còn là người chụp khỏa thân. Phụ nữ tự hiểu cơ thể của họ là đẹp. Nhưng thời chiến, chồng ra trận, không ai ngắm, một mình mình biết. Các bà mẹ chồng và cả xã hội soi mói. Họ cũng không thể ngoại tình. Những phụ nữ như vậy tiếc cái thân họ. Và tìm đến người chụp ảnh. Mà cũng chả lấy ảnh luôn. Mong ông giữ lấy vẻ đẹp đấy. Tâm lý đấy có chứ. Đoạn này tôi nghĩ đến và mượn chuyện Dương Bích Liên vẽ gái đẹp, mỗi lần thấy đẹp quá lại phải đi vào phòng trong thở một tí rồi mới ra vẽ tiếp.

Nhà văn Trần Thị Trường và Phố Hoài: Không định nói xấu thời bao cấp ảnh 1
Hai cặp nhân vật chính khi được chị cho đoàn tụ có vẻ lại theo kiểu Kim-Kiều. Chị có hơi… mạnh tay với hai nam chính?

Thời ấy, đàn bà giấu mình, đàn ông bi kịch, không được sống hết mình như bây giờ. Không phải tôi cố ý lặp lại mà thực sự con người lúc bấy giờ không được sống hết bản chất của người ta. Người ta còn không dám yêu bản thân. Yêu bản thân nghĩa là: Tôi phải được hành động cái gì luật không cấm. Còn đây luật không cấm đã sợ. Tôi mô tả những khát khao kìm nén mà con người ai cũng có, và đến lúc có khi nó cũng phải bùng phát. Nhưng tôi không cố tình mô tả kiểu ăn khách. Thời của tôi chỉ khi yêu mới có chuyện tình dục. Bây giờ người ta không yêu mà vẫn tình dục vì nhu cầu sinh lý chẳng hạn.

Chị cũng khá kén chọn hiện thực để miêu tả, chẳng hạn việc vượt biên trái phép bằng đường biển có thể còn nhiều chuyện khủng khiếp hơn những gì chị viết?

Nhiều vụ việc trong quá khứ người ta nói quá nhiều rồi, dù xuất bản công khai hay xuất bản miệng... Tôi muốn không lặp lại bất kỳ người nào. Có cả những chi tiết mà đọc Quân khu Nam Đồng thấy có, tôi còn bỏ ra cơ mà. Tôi muốn tập trung mô tả những gì xảy ra cho tầng lớp trí thức mà tôi có chứng kiến, có liên hệ.

Liên quan đến cuốn sách này, nhà văn Châu Diên đã “rủa” chị “không viết ra thì chết đi”, còn chị thì thề độc và khóc. Cụ thể thế nào?
Lúc đấy tôi mới viết được 1-2 trăm trang rồi cứ bỏ dở, rồi hay tâm sự với ông ấy. Đúng như ai đó nói, nền xuất bản khuyến khích sự sáng tạo. Sự khích lệ của in ấn quan trọng lắm. Viết mà cứ nghĩ không được xuất bản thì tăm tối, mệt mỏi, chán nản kinh khủng. Mà tôi làm gì cũng hết tâm hết sức. Cứ nghĩ đang yên đang lành in quyển sách ra, đời sống lại đảo lộn. Tự mình sợ. Tôi khóc còn bởi nếu cứ thế này thì khi sách ra, có khi những nguyên mẫu ngoài đời chết hết rồi. Bởi thế tôi vô cùng biết ơn nhà văn Tạ Duy Anh đã làm bà đỡ cho Phố Hoài chào đời trót lọt. 

MỚI - NÓNG