Đạo văn
Nhà văn Trần Đức Tiến kể: Năm 2005, tập truyện ngắn “Hoa cúc áo” gồm Khi thạch sùng vỗ cánh, Kì Nhông trốn tìm, Hoa cúc áo, Tia nắng... của ông đoạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tác cho lứa tuổi mầm non” do NXB Giáo dục tổ chức. Tác phẩm đã được xuất bản và từ đó tới nay, ông chưa nhận được ý kiến gì về việc tái bản cuốn sách trên. Ngày 16/9, nhà văn đã đưa truyện ngắn Hoa cúc áo lên facebook, bạn đọc thông tin cho ông truyện đã được xuất bản dưới dạng truyện tranh do công ty Mỹ thuật và Truyền thông thực hiện và NXB Giáo dục cấp phép. Truyện tranh đứng tên tác giả Thu Hương và đã tái bản tới 8 lần. Nhà văn cho biết: “Nếu bạn đọc không phát hiện, tôi cũng không thể biết tác phẩm của mình đã được chuyển thể thành truyện tranh. Chỉ có điều họ không hỏi tôi một câu, chẳng trả nhuận bút hay hỏi ý kiến việc chuyển thể”.
Nhà văn bỏ công tìm hiểu và biết được thêm truyện Kỳ nhông trốn tìm của ông cũng bị vi phạm. Trong Tuyển tập thơ ca, truyện kể, câu đố cho trẻ mầm non (Thúy Quỳnh, Phương Thảo tuyển chọn- NXB Giáo dục cấp phép). Kỳ Nhông trốn tìm được in và bị đổi tên thành Kỳ Nhông chơi trốn tìm. Sách tái bản đến lần thứ 7. Nhà văn Trần Đức Tiến bức xúc “Truyện Kỳ Nhông trốn tìm được giữ nguyên nội dung nhưng NXB tự ý sửa lại tựa thành Kỳ Nhông chơi trốn tìm, tên tác giả Trần Đức Tiến bị sửa thành Đức Tiến. Họ không hề thông qua tôi. Dĩ nhiên nhuận bút tôi cũng không được nhận”.
Sau khi đưa ý kiến bức xúc về vi phạm bản quyền lên facebook, chiều 16/9, đại diện công ty Mỹ thuật và Truyền thông đã liên lạc với nhà văn. Công ty Mỹ thuật và Truyền thông cho biết họ là đơn vị tổ chức biên tập, xuất bản cuốn truyện tranh Hoa cúc áo. Công ty đã sử dụng bản thảo Hoa cúc áo từ cuộc thi của Bộ Giáo dục để làm cuốn sách nói trên. Ngoài bìa cuốn truyện tranh Hoa cúc áo chỉ in tên sách và tên nhà xuất bản. Nhưng bên trong bìa phụ có in trên đầu trang: “Thu Hương sưu tầm và biên soạn”, bên dưới: “Dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến”, “Tranh: Nguyễn Kim Duẩn”. Công ty mong muốn được làm việc trực tiếp với nhà văn để thỏa thuận giải quyết vụ việc cũng như nhờ nhà văn gỡ giùm thông tin trên facebook.
Nhưng nhà văn Trần Đức Tiến không chấp nhận giải thích của công ty Mỹ thuật và Truyền thông. Bởi Hoa cúc áo là truyện tranh được phóng tác từ truyện ngắn của ông thì ông phải là đồng tác giả. Hơn nữa, việc phóng tác phải có sự đồng thuận từ tác giả, nhưng công ty lẳng lặng làm là sự tùy tiện rất khó chấp nhận. Vì thế nhà văn ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (Nơi nhà văn ký hợp đồng bảo hộ tác quyền) để làm việc.
Sau khi Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam và cuộc, ngày 18/9 công ty Mỹ thuật và Truyền thông đã có công văn gửi cho Trung tâm thừa nhận sai sót, và xin thanh toán nhuận bút cho nhà văn 11 triệu đồng, tặng 30 cuốn truyện tranh Hoa cúc áo, bổ xung đầy đủ tên tác giả trong lần tái bản sau. Công ty cũng gửi email xin lỗi nhà văn.
Tuy nhiên, đến ngày 21/9 Trung tâm quyền tác giả văn học VN đã có công văn khẳng định hành vi của công ty Mỹ thuật và Truyền thông xâm phạm nghiêm trọng các quyền của tác giả theo quy định tại Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: Chiếm đoạt quyền tác giả; Mạo danh tác giả; Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả; Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả; Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; Không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật; Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam đề nghị công ty Mỹ thuật và Truyền thông xin lỗi tác giả Trần Đức Tiến bằng văn bản và công khai văn bản xin lỗi trên phương tiện truyền thông đại chúng nhằm cải chính thông tin chưa chính xác, sai lệch và sai sót trong việc sử dụng tác phẩm; Thu hồi toàn bộ các ấn phẩm Hoa cúc áo được in ấn, phát hành năm 2017 và các ấn phẩm hiện còn lưu hành trên thị trường các năm trước; Ngừng xuất bản tác phẩm Hoa cúc áo cho đến ngày đạt được thỏa thuận mới về việc sử dụng với Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam; Bồi thường thiệt hại cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó tiền làm tác phẩm phái sinh là 50 triệu đồng, tiền nhuận bút cho các ấn phẩm được in ấn từ năm 2008 đến nay là gần 18 triệu đồng, tiền phạt lãi chậm chi trả từ năm 2008 đến nay là gần 40 triệu đồng. Tổng số tiền công ty Mỹ thuật và Truyền thông phải chi trả cho tác giả là 107,5 triệu đồng.
Ra tòa…
Tuy nhiên, công văn phúc đáp tiếp theo ngày 28/9, công ty Mỹ thuật và Truyền thông khẳng định sự việc trên chỉ là sai sót và xin được rút kinh nghiệm, khắc phục bằng cách trả nhuận bút cho nhà văn. Nhà văn Trần Đức Tiến khẳng định công ty Mỹ thuật và Truyền thông chưa có thiện chí sửa sai cũng như cố tình kéo dài vụ việc. “Cho tới chiều ngày 6/10 tôi vẫn chưa được thêm ý kiến phản hồi của công ty Mỹ thuật và Truyền thông. Nếu vụ việc vẫn không được giải quyết theo công văn của Trung tâm quyền tác giả văn học, có thể tôi sẽ đưa ra tòa”.
“Một cuốn sách giáo khoa hằng năm được tái bản lên tới cả vài trăm ngàn bản, vậy mà phải đòi mãi tôi mới được trả số tiền bèo bọt gọi là nhuận bút. Với tôi đòi 10 triệu hay 100 triệu không phải là vấn đề. Tôi muốn làm rõ vụ việc để cho những kẻ làm ăn bất chính, công khai ăn cắp tài sản của người khác để làm giàu sẽ phải run sợ”.
Nhà văn Trần Đức Tiến