Trả lời Tiền Phong, đạo diễn Việt Linh cho biết bà vừa đón nhà văn Marc Levy tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 7/11. Ông hoàng lãng mạn nước Pháp sang Việt Nam theo lời mời của đạo diễn Việt Linh. Ông chuẩn bị dự buổi công diễn Mọi điều ta chưa nói - vở kịch chuyển thể từ tác phẩm của ông - tại Nhà hát TP.HCM.
Theo lời đạo diễn Gánh xiếc rong, chị và nhà văn Marc Levy trước đây chưa từng quen biết. Hai người gặp mặt một cách tình cờ. Thời điểm dịch Covid-19, đạo diễn Việt Linh dành thời gian đọc tác phẩm của Marc Levy và đặc biệt ấn tượng với cuốn Mọi điều ta chưa nói.
Đạo diễn Việt Linh (trái) trong buổi phúc khảo Mọi điều ta chưa nói. Ảnh: NVCC. |
Do ngưỡng mộ trí tưởng tượng của ông hoàng lãng mạn nước Pháp, bà gửi mail cho nhà văn, xin phép chuyển thể Mọi điều ta chưa nói thành tác phẩm kịch và mua tác quyền diễn 10 suất.
"Tôi nhận được email đồng ý của ông hai tuần sau đó và khá bất ngờ vì cả hai vốn không quen biết. Tôi quyết định công diễn theo lịch của Marc Levy vì ông ngỏ lời được xem vở kịch", đạo diễn Việt Linh chia sẻ.
Mọi điều ta chưa nói do Việt Linh và Lê Chi Na làm đạo diễn. Tác phẩm kể về tình cha con của nhân vật Julia. Vài ngày trước hôn lễ, Julia nhận được tin cha qua đời đột ngột. Ít lâu sau, cô phát hiện ông để lại cho mình điều bất ngờ. Julia tham gia chuyến đi kỳ lạ và gặp lại chàng trai cô từng yêu thời là sinh viên trường Mỹ thuật Paris, Pháp. Đây cũng là mối tình bị cha cô chia cách. Sau khi tìm hiểu, cô mới biết cha dành rất nhiều tình cảm cho mình.
Vở kịch về tình phụ tử có sự tham gia của nghệ sĩ Công Danh, Lê Chi Na, Đinh Mạnh Phúc, Samuel An, Tăng Trọng Thắng...
Marc Levy được mệnh danh là ông hoàng lãng mạn Pháp. |
Trong ba ngày tại Việt Nam, nhà văn Pháp dự suất diễn dành cho sinh viên Đại học Văn Lang (ngày 8/11) và Nhà Văn hóa Thanh Niên (ngày 9/11). Ngoài ra, ông có lịch giao lưu với độc giả ngày 9/11 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM.
Marc Levy sinh năm 1961 và được mệnh danh là ông hoàng lãng mạn nước Pháp. Tác phẩm xuất bản đầu tay của ông với tên gọi Nếu em không phải một giấc mơ là hiện tượng của văn học thế giới. Loạt sách sau đó của ông đều được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành sách bán chạy toàn cầu. Năm 2008, ông từng sang Việt Nam giao lưu với khán giả Việt.