Thưa nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, sau nhiều năm cầm bút viết nghiên cứu phê bình văn chương với nhiều bài viết đủ loại, đã tạo được tên tuổi mình trong giới nghề và công chúng độc giả, tại sao đến giờ ông mới cho ra đời cuốn sách in riêng trong sự chờ đợi của độc giả và bè bạn?
NPBVH Phạm Xuân Nguyên: Điều này tôi đã có lời thưa với bạn đọc ở đầu sách như sau: “Đây là cuốn sách viết đầu tiên của tôi sau ba mươi năm vào nghiệp viết nghiên cứu phê bình văn chương, dẫu tôi đã có gần chục đầu sách dịch được xuất bản. Nói cách khác đây là lần đầu tiên cái tên Phạm Xuân Nguyên nằm ở vị trí tác giả của một cuốn sách, trong khi bút danh Ngân Xuyên đã xuất hiện nhiều lần trên các bìa sách ở vị trí dịch giả.
Lý do vì sao tôi chậm ra sách viết thì rất dễ nói - là tôi lười gom bài đã viết để tập hợp lại cho có một hình hài, hệ thống, nhưng lại rất khó nói - là tôi thấy chưa tự bằng lòng với những cái mình viết ra không có một hệ thống, hình hài rõ nét. Nay vì sự ưu ái, thúc giục của các bạn ở Công ty Văn hóa &Truyền thông Nhã Nam suốt bốn năm qua mà mình cứ trây lì, hẹn lên hẹn xuống thì thực sự không phải phép, nên đành cố gắng ra sách. Vậy đây là cuốn sách viết đầu tiên của tôi”.
Tại sao, ông lại đặt tên cho đứa con tinh thần của mình với cái tên cũng rất khác người như Thị Nở vậy?
NPBVH Phạm Xuân Nguyên: Năm 1991, kỷ niệm 40 năm mất của nhà văn Nam Cao, tôi viết được ba bài về ông – một bài mang tính nghiên cứu, một bài phân tích truyện ngắn “Cái móng giò”, và bài “Nhà văn như Thị Nở”.
Truyện “Chí Phèo” thì đã quá quen thuộc rồi, nhưng đọc lại nó vào dịp ấy tôi chợt nảy ra cái ý như tên bài đã nói rõ. Chí Phèo đã cưỡng bức Thị Nở nhưng chính nhờ Thị và bát cháo hành của Thị sau cơn cưỡng bức ấy Chí mới cảm nhận lại được mình là người và muốn làm người.
Trong bài tôi đã viết: “Bát cháo hành của Thị Nở vào lúc đó là đỉnh điểm hạnh phúc của Chí Phèo đồng thời cũng là khởi điểm tấn bi kịch làm người của hắn. Hắn đã được yêu nên hắn tự biết. Hắn không say được nữa rồi dù có uống lại bao nhiêu rượu. Thị Nở đã khơi dậy trong hắn mơ hồ cảm thức về quyền con người được lương thiện.
Bát cháo hành Thị Nở đã thổi bùng đốm lửa hiền trong con người hắn thành trận lửa dữ là chính vì cái câu hỏi không có câu trả lời này. Hơi cháo hành thoang thoảng mà đủ sức mạnh át cả mùi rượu sặc sụa, mà khiến tâm linh cú tỉnh, mà buộc thằng lưu manh phải vùng lên tìm cách đòi quyền sống. Văn học phải sao là cái hơi đó. Nhà văn làm sao tỏa được cái hơi đó. Sao cho mỗi trang văn là một bát cháo hành Thị Nở cho người đọc văn”.
Ông có thể giới thiệu khái quát về tác phẩm Nhà văn như Thị Nở?
NPBVH Phạm Xuân Nguyên: Nhà văn như Thị Nở gồm 59 bài viết về 51 tác giả của văn học Việt Nam hiện đại tính từ đầu thế kỷ XX đến nay từ Nam Trân, Thế Lữ, Hải Triều, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Trương Tửu, Bích Khê, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng... cho đến Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường..., rồi Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Vi Thùy Linh... Đây chưa phải là tập hợp đầy đủ, vẫn còn thiếu một số tác giả tôi đã có bài viết nhưng bản thảo chưa tìm thấy.
Hy vọng nếu sách được tái bản thì sẽ bổ sung. Trong lời thưa cùng bạn đọc tôi đã nêu rõ: “Tôi chọn các bài viết trong cuốn sách đầu tiên này của mình từ đơn vị tác gia, tác giả. Họ là nguồn phát sinh bậc một, làm ra văn bản gốc. Phê bình nghiên cứu là nguồn phát sinh bậc hai, từ văn bản gốc tạo ra văn bản của mình. Không có văn bản của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phát ra, tôi không có gì để viết, dù là viết về con người hay tác phẩm.
Những bài viết này thường nhân dịp kỷ niệm, hội thảo, ra sách, hay sự kiện nào đó, nên tính tản mạn là không tránh khỏi khi xét riêng từng đơn vị, nhưng khi đặt chung vào một tổng thể vẫn có thể thấy một sự liền mạch kết nối. Khi viết về sách luôn có bóng dáng người. Khi nói về người luôn có câu chữ sách. Ấy là tôi muốn từ văn bản của người đến văn bản của mình.”
Ông có thể điểm qua những tác phẩm văn học dịch mà ông đã xuất bản, để độc giả có được thông tin chi tiết về Ngân Xuyên, bút danh dịch của Phạm Xuân Nguyên?
NPBVH Phạm Xuân Nguyên: Dưới bút danh Ngân Xuyên, tôi đã có các tác phẩm dịch sau: Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của thỏ Lốc (truyện cổ Tây Phi, 1986), Sự bất tử (tiểu thuyết, Milan Kundera, 1999), Chậm rãi (tiểu thuyết, Milan Kundera, 1999), Bản nguyên (tiểu thuyết, Milan Kundera, 1999), Ý nghĩ giá bảy triệu (tiểu thuyết, Edi Edigay, 2001), Truyện cổ Myanmar (2001), Người tình Sputnik (tiểu thuyết, Haruki Murakami, 2007), Hoàn cảnh hậu hiện đại (triết học, J-F. Lyotard, 2007), Văn học và cái ác (nghiên cứu, G. Bataille, 2012). Các tác phẩm này tôi dịch từ ba ngữ là Nga, Anh, Pháp. Hiện tại tôi đang dịch một cuốn sách tiếng Pháp về tâm lý học.
Bạn bè, độc giả rất vui khi ông chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách vào ngày 23/3/2014. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình vào lúc này?
NPBVH Phạm Xuân Nguyên: Quả là tôi có hồi hộp chờ đợi sự tiếp nhận của người đọc đối với cuốn sách viết đầu tiên của mình. Lâu nay các độc giả đã quen tên biết tiếng tôi qua nhiều bài viết trên các báo chí, nhưng đây cũng là lần đầu tiên họ đọc tôi một cách tập trung, có hệ thống. Tôi mong có được sự phản hồi khen chê, trao đổi của người đọc từ cuốn sách này để làm nghề được tốt hơn trong thời gian tới.
Xin chúc mừng và chia vui cùng ông!