Nhà văn- Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Cái sướng của ‘kẻ độc hành’

0:00 / 0:00
0:00
Tám năm, Vũ Danh Tuấn với Kẹp Hạt Dẻ vẫn luôn duy trì được "độ nóng" trên thị trường sách Việt cho trẻ em. Bí kíp gói gọn trong một câu đơn giản: Muốn có được tình yêu bền lâu và sâu nặng, trước tiên phải… cho đi.

Xin chào dịch giả Vũ Danh Tuấn! Sau 8 năm đồng hành cùng các độc giả nhí, anh có thể chia sẻ những thành quả Kẹp Hạt Dẻ đã đạt được?

Thành quả rõ nhất của Kẹp Hạt Dẻ là chỗ đứng trên thị trường sách ngoại văn cho thiếu nhi, được độc giả yêu mến và tín nhiệm. Nhưng đáng kể hơn, những cuốn sách của chúng tôi luôn được chờ mong và tìm kiếm.

Trong 8 năm, chúng tôi đã có được 89 cuốn, chuyển ngữ từ các tác phẩm có tiếng vang và đạt giải thưởng của Anh, Mĩ. Nhiều đầu sách đã được tái bản liên tục như: “Lad - Câu chuyện về phẩm giá của một con chó”, “Bộ tứ nhà Melendy”, “Chester”, “Hơi thở Đồng xanh”, “Thung lũng Vui vẻ”, Bác Tai Dài Ngọ Ngoạy…

Nhà văn- Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Cái sướng của ‘kẻ độc hành’ ảnh 1

Nhà văn- dịch giả Vũ Danh Tuấn đã có 8 năm gắn bó với công việc dịch sách thiếu nhi.

Việc giành độc giả nhí trong “cuộc chiến” với ipad, điện thoại có phải là khó khăn lớn nhất với Kẹp Hạt Dẻ?

Tôi nghĩ, đó là khó khăn lớn nhất với tất cả những người làm sách hiện nay. Khó khăn ấy đến từ yếu tố:

Thứ nhất: Các phương tiện nghe nhìn hấp dẫn hơn, động hơn sách giấy trong việc truyền tải thông tin, nên thời gian các bạn nhỏ san sẻ sang "bên đó" là lẽ đương nhiên. Độc giả thay đổi thì mình cũng phải thay đổi để thích nghi thôi. Song song với những cái sâu sắc, lắng đọng, tôi chọn những cuốn vui vẻ, phiêu lưu để giữ cho được cái nếp đọc của các bạn nhỏ.

Thứ hai: Phụ huynh thời nay rất kĩ tính khi chọn sách cho con. Họ không muốn con cái mình mất thời gian đọc những cuốn sách mà giá trị của nó có vẻ “trừu tượng”. Họ yêu sách thật, nhưng cũng muốn đọc xong, con cái mình phải nhận được thứ gì đó hữu hình hơn như kĩ năng mềm, phát triển bản thân, truyền cảm hứng... Nhiều người còn đọc hết trước khi đưa cho con. Vậy là mình phải làm sách vừa cho trẻ con vừa cho người lớn.

Vậy tại sao anh không làm sách kĩ năng hay truyền cảm hứng?

Kĩ năng, về mặt nào đó, cũng giống như một ngành nghề, có lúc sẽ lạc hậu. Còn sách về truyền cảm hứng thì tôi e là hơi nặng. Với trẻ, cần nhẹ nhàng. Học hành trường lớp là đủ nặng lắm rồi.

Và tôi chọn dòng sách làm giàu tâm hồn, sách văn học dòng này chậm lạc hậu. Tâm hồn, trí tưởng tượng, kiến thức về văn hóa xã hội đa dạng, tương tác giữa con người với con người, con người với môi trường sống... mới là những thứ tôi muốn ưu tiên.

Anh vừa nói các phụ huynh chọn sách cho con có xu hướng chọn những thứ "hữu hình", vậy sao anh không làm sách song ngữ. Tôi nghĩ anh có nhiều điều kiện thuận lợi khi làm dạng sách này, vì cách chuyển ngữ của anh được cho là rất linh hoạt. Đó là chưa kể đến các phụ huynh có thể sẽ thích hơn, khi con cái mình kết hợp luôn việc đọc sách với học tiếng Anh.

Tôi không thích truyện song ngữ. Tôi nghĩ việc kết hợp “học” với “đọc” sẽ không hay lắm.

Nhà văn- Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Cái sướng của ‘kẻ độc hành’ ảnh 2

“Với trẻ em, tôi chọn dòng sách làm giàu tâm hồn”.

Với sách song ngữ, một là trẻ sẽ hiểu một từ kiểu đơn nghĩa. Một từ, một câu, có thể bị đóng khung vào một nghĩa rất hẹp, đúng sai, hay dở phụ thuộc hoàn toàn vào dịch giả. Mà trong học ngoại ngữ, kị nhất tư duy kiểu "dịch" như thế.

Hai là, “đọc truyện" đã là “học” rồi. Nhưng việc “học” ấy rất đáng yêu và tế nhị. Giờ muốn kết hợp học thêm ngoại ngữ thì các em nên đọc nguyên bản. Còn việc đọc truyện dịch để đọc được nhiều hơn, nhanh tiếp thu những tinh hoa hơn, khi các em chưa thực sự làm chủ được ngoại ngữ.

Điều anh tự hào nhất sau gần một thập kỷ làm sách cho trẻ em là gì?

Điều tự hào nhất là nhiều độc giả đã chủ động lan tỏa sách Kẹp Hạt Dẻ khi đọc xong. Điều đó cũng có nghĩa, ngày càng có nhiều “tương lai của Việt Nam” đọc sách.

Sau bao năm “độc hành”, thời gian tới, anh có định san sẻ bớt “gánh nặng” với các nhà sách?

Thực ra tôi nhận được rất nhiều đề nghị hợp tác để bán sách, vì sách của Kẹp Hạt Dẻ cũng dễ bán. Điều đó thật tuyệt, nhưng tôi vẫn cố tự mình “bán sách kèm tư vấn”. Với một gia đình bình thường, mua những bộ sách mấy trăm nghìn tới triệu bạc là một quyết định khó khăn. Bởi thế, tôi muốn team của mình hỏi thật kĩ người mua để chọn cho “trúng” cuốn sách cần thiết, không thể bán sách bằng mọi giá được. Không trực tiếp đưa sách tới được trúng đối tượng, tôi không yên tâm. Đôi khi “độc hành” cũng có cái sướng của nó (cười).

Nhà văn- Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Cái sướng của ‘kẻ độc hành’ ảnh 3

Dịch giả chụp ảnh kỷ niệm tại Thành phố Phù Thủy Salem, tiểu bang Massachusetts, Mỹ.

Nhưng anh đã soạn cả cẩm nang đọc sách Kẹp Hạt Dẻ và đăng trên Facebook rồi. Tài liệu ấy có khác gì “hướng dẫn sử dụng” đâu nhỉ?

Nó khác đấy! Ngoài việc chọn được sách đúng tuổi, giới tính, như trong cẩm nang đọc sách Kẹp Hạt Dẻ đã phân loại rất rõ, thì qua trao đổi chúng tôi còn biết được sở thích và tính cách của độc giả, biết được nên ưu tiên những cuốn nào trước.

Ngoài ra, khi bán sách trực tiếp cho độc giả, chúng tôi còn được phản hồi, biết thêm được tâm tư và góp ý của các em, bố mẹ các em. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển của Kẹp Hạt Dẻ.

Dạo này thấy anh “đá” sang cả văn học kỳ ảo, bằng thương hiệu sách Hoa Anh Thảo?

Năm 2018, trong chuyến đi Mỹ, tôi có ghé thăm Thành phố Phù Thủy Salem, tiểu bang Massachusetts. Cả thành phố ngập tràn trong không khí ma mị của thế giới phù thủy khiến tôi rất thích thú. Sau mấy năm chuẩn bị, năm ngoái tôi bắt đầu dịch, và tới cuối năm thì đã có “Áo choàng màu nhiệm”.

Dịch sách kỳ ảo có gì khó hơn so với dòng sách cũ mà Kẹp Hạt Dẻ đang làm?

Với tôi thì phần chuyển ngữ dòng này không quá khó so với dòng Kẹp Hạt Dẻ. Tuy nhiên sách kỳ ảo không phải là sách kỹ năng để đọc xong là con bạn sẽ sống tốt lên hay láu lỉnh hơn, thông minh hơn ngay được. Mà tác dụng của nó khá vô hình, đặc biệt là làm giàu trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Khi dịch sách dòng này, cái khó nhất chính là chiều theo đầu óc non nớt của trẻ con. Vì nó thiên về hội thoại, nên bắt buộc dịch giả phải “chui” vào nhân vật, sống cùng nhân vật và thế giới thần tiên trong đó, thì mới chuyển ngữ thành công được.

Sao anh không tận dụng độ hot của Kẹp Hạt Dẻ mà phải lập riêng một thương hiệu khác?

Vì hai dòng này hoàn toàn khác nhau. Và dòng kỳ ảo cũng xứng đáng được đứng riêng. Tôi muốn ngoài dòng sách Kẹp Hạt Dẻ đang làm, các em có thêm một lựa chọn nữa.

Ngoài việc “thêm một đứa con”, anh còn dự định nào khác không?

Tôi vẫn muốn làm thêm sách điện tử. Ngoài những ưu điểm như tiết kiệm, bảo vệ môi trường…, ta sẽ có cả một giá sách, à không, một thư viện khổng lồ trong tay và được đọc sách bất cứ đâu.

Lại là thiết bị điện tử à? Hình như Kẹp Hạt Dẻ và các phụ huynh đang muốn tránh điều này?

Nhiều phụ huynh ngần ngại khi cho con đọc sách bằng máy đọc sách vì sợ hỏng mắt, nhưng thật ra ánh sáng của nó được cài đặt còn chuẩn hơn các loại đèn chống cận, bảo vệ mắt mà chúng ta đang dùng. Về phần mình, tôi sẽ kiên nhẫn chờ đến khi nào nhiều người Việt có thiết bị đầu cuối này, sẽ làm.

Xin cảm ơn nhà văn- dịch giả đã dành thời gian chia sẻ!

MỚI - NÓNG