Đó là những đứa trẻ mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi hay sinh ra trong những gia đình nghèo khó… đều được thầy đón nhận và coi chúng như những đứa con của mình.
Đại đức Thích Việt Hòa |
Sau tiếng chuông chùa
Chúng tôi đến thăm chùa Thịnh Đại vào một chiều cuối thu, tiết trời se lạnh. Ngôi chùa cổ kính nằm ẩn mình trong tán cây cổ thụ là nơi nương tựa của gần 30 mảnh đời bất hạnh.
Khác với những ngôi chùa khác là sự yên tĩnh nơi cửa Phật nhưng khi đến đây chúng tôi chứng kiến hình ảnh một vị sư thầy bồng bế những đứa trẻ đang cất tiếng hát ru con trẻ ầu ơ, rồi tiếng đánh vần, cùng tiếng ríu rít cười đùa.
Thầy kể: “Sinh linh tội nghiệp đầu tiên mà tôi đón nhận là vào cuối năm 1993, không biết người mẹ nào đã đặt một bé trai sơ sinh còn chưa khô cuống rốn, trên người chỉ có mảnh vải quấn quanh đặt trước cổng chùa mà không một lời nhắn để lại…”.
Đó là trường hợp đầu tiên được thầy cưu mang. Kể từ đó, thầy đảm nhiệm gánh vác như một người mẹ thực thụ trước đứa con bé bỏng của mình.
Sau mỗi giờ ngồi thiền, thầy lại lên bón sữa cho đứa trẻ, nhiều khi đứa trẻ khát sữa thầy chẳng biết làm cách nào, đành bế những đứa trẻ ra ngoài để xin từng giọt sữa cho con, đến những chậu tã lót thầy cũng tự tay giặt giũ mỗi đêm, khi xóm làng chìm sâu trong giấc ngủ lại nghe tiếng hát ru của thầy cất lên từ chùa…
Hầu hết những đứa trẻ thầy nhận về nuôi từ khi chúng mới sinh được vài ngày hoặc vài tháng tuổi và cũng có đứa được thầy đến tận nơi đón về. Như trường hợp cháu Trần Việt Anh (3 tuổi).
Sau mỗi giờ ngồi thiền, thầy lại lên bón sữa cho đứa trẻ, nhiều khi đứa trẻ khát sữa thầy chẳng biết làm cách nào, đành bế những đứa trẻ ra ngoài để xin từng giọt sữa cho con, đến những chậu tã lót thầy cũng tự tay giặt giũ mỗi đêm, khi xóm làng chìm sâu trong giấc ngủ lại nghe tiếng hát ru của thầy cất lên từ chùa… |
Vào một ngày giữa tháng 7/2005, sư thầy Thích Việt Hòa đang làm lễ tại chùa và nhận được tin, có một bé trai bị bỏ rơi trước cửa Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bố mẹ đứa trẻ đang ở độ tuổi học sinh phổ thông. Thầy phải bỏ dở việc lễ, vội vàng khăn gói bắt xe lên Hà Nội, làm thủ tục xin cháu về nuôi. Đó là đứa trẻ bị người mẹ vị thành niên bỏ lại - bà Lê Thị Hoà người giúp việc trong chùa kể lại.
Tiếp đến là trường hợp cháu Việt Anh (13 tháng tuổi) được đón về từ Bệnh viện Nam Định. Cháu Việt Hải (18 tháng tuổi) được thầy đón tận Tuyên Quang, thầy nhớ lại: “Khi đón cháu Việt Hải về cháu bị trốc hết cả đầu tôi cho cháu uống thuốc ròng rã mấy tháng trời cháu mới khỏi. Mỗi lần thấy các cháu kêu đau cất tiếng gọi mẹ, tôi không cầm được nước mắt…”.
Nhiều người đến ngôi chùa này nhìn vị sư thầy chỉ quen với việc gõ mõ, tụng kinh, niệm phật cứ phân vân, liệu các thầy có nuôi nổi những đứa trẻ không? Nhưng dưới bàn tay chăm sóc của thầy, những đứa trẻ lớn lên khoẻ mạnh.
Thầy còn làm giấy khai sinh, hộ khẩu để các cháu được đến trường. Bà Hòa - người giúp việc tâm sự: “Tôi thấy thầy Hòa đúng là một người mẹ thực thụ của bọn trẻ, thầy lo toan chăm cho chúng từ miếng cơm, giấc ngủ. Là phận làm mẹ như chúng tôi nuôi một, hai đứa đã khó thế mà thầy cáng đáng gần 30 đứa trẻ…”.
18 năm qua, ngôi chùa này đã cưu mang hàng chục đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ có một số phận khác nhau được đưa về từ khắp nơi như Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang… được thầy nuôi và dạy bảo, nên đứa nào cũng biết nghe lời thầy. Đứa lớn chỉ bảo đứa nhỏ, dạy chúng đức tính biết đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, vì vậy mà những đứa trẻ ở đây đều là anh em ruột thịt.
Những đứa trẻ được thầy cưu mang - Ảnh: Đ.T |
Ươm mầm tương lai
Năm 1996, đại đức Thích Việt Hòa chính thức xin với chính quyền địa phương cho phép nhận nuôi các cháu nhỏ bị bỏ rơi, hoặc có những hoàn cảnh éo le… và cho đến bây giờ với bàn tay chăm sóc ân cần của thầy Hòa gần 30 em có hoàn cảnh bất hạnh lớn lên và trưởng thành từ ngôi chùa nhỏ Thịnh Đại.
Đã có nhiều em trưởng thành, thành người có ích cho xã hội. Như anh Linh hiện đang đứng trong hàng ngũ công an tỉnh Hà Nam, anh Phạm Văn Túy đang làm việc tại một bệnh viện trên Hà Nội… và còn rất nhiều em khác nữa được thầy cho đi học nghề, làm công nhân.
Hiện nay đang có tám em theo học các trường đại học và cao đẳng như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thủy sản, Đại học Bách khoa… Thầy Hòa vui mừng nói: “Hạnh phúc nhất của đời tôi lúc này đây là thấy các cháu thành đạt, có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân, là người có ích trong xã hội”.
Tuy nhiên, gánh nặng của thầy cũng chưa bao giờ hết. Vào mỗi năm học mới gánh nặng lại đè lên đôi vai của thầy. Người ta thấy thầy cặm cụi đóng từng tập sách, nhặt nhạnh từng cây bút, lo toan từng bộ quần áo, học phí cho các em được đến trường.
Thầy tâm sự: “Dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố gắng lo cho chúng được đi học. Người dân trong xã thấy thầy vất vả nên nhiều người tự nguyện đến giặt giũ, cơm nước giúp thầy. Những đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi biết vâng lời thầy.
Cứ đến ngày nghỉ, lễ tết ngôi chùa càng trở nên ấm cúng hơn bởi những em học trên Hà Nội và cả những người từ ngôi chùa này đã yên bề gia thất đều về với thầy, với ngôi chùa mà họ coi là ngôi nhà chung. Bằng tấm lòng từ bi của nhà phật, đức hy sinh và tình thương yêu con trẻ nên người dân trong xã ai cũng quý mến thầy.
Bằng nghĩa cử cao đẹp đó, thầy Hoà đã nhận được nhiều bằng khen, huy chương như: Huy chương vì sự nghiệp khuyến học của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và nhiều bằng khen của tỉnh, hội phật giáo Việt Nam nhờ những đóng góp to lớn của thầy, chùa Thịnh Đại luôn nhận được sự quan tâm của tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ vật chất và tinh thần giúp thầy có thêm nghị lực nuôi dạy các cháu.
Nhìn những đứa trẻ, những chồi non xanh tươi được chăm tưới bằng tình thương yêu của thầy, chúng là những hạt mầm của hôm nay và sẽ là những cây đại thụ trong tương lai lớn lên từ gốc chùa Thịnh Đại.