> Dế Mèn phiêu lưu đến bao giờ?
> 'Vác song kiếm bôn tẩu giang hồ'
Tôi gặp Bằng Việt cách đây khoảng chục năm khi theo chân một cô bạn đến phỏng vấn anh. Vốn hâm mộ đàn ông tài hoa, nên khi được bạn rủ rê, tôi hào hứng. Với lại, cô bạn còn quảng cáo rằng: Thi sĩ “Bếp lửa” mới lấy vợ, vợ trẻ lắm. Không phải người yêu tuồng nhưng tôi đặc biệt thích thú với tích “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Vậy nên, nhất định gặp thi nhân.
Trong thế giới phái đẹp có danh hiệu “mỹ nhân không tuổi”. Nếu có danh hiệu ấy trong phái mày râu, cũng nên trao cho thi sỹ Bằng Việt. Sau chục năm gặp lại, thấy anh chẳng thay đổi nhiều. Ai chưa từng gặp người thơ ấy, khó đoán chàng đã sang tuổi 70 vài năm nay. Dáng đi nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát, phóng xe máy vèo vèo… cứ nhìn Bằng Việt, người ta lập tức nghĩ đến sự cần thiết phải thay đổi tuổi nghỉ hưu của nam giới ngay và luôn.
Năm vừa qua cũng là một năm đẹp với anh. Bằng Việt được vinh danh là một trong mười “công dân thủ đô ưu tú” với nhiều công trình văn học nghệ thuật đóng góp cho thành phố: Tham gia tổng tập văn hiến Thăng Long, tủ sách 1.000 năm Thăng Long, Chủ biên “Kẻ sĩ Thăng Long”…
Anh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động liên quan đến thủ đô: Thẩm định dự án cho Seagame, Paragame, giữ vai trò chủ tịch hội đồng giải thưởng Bùi Xuân Phái… Vị “công dân ưu tú” ấy luôn luôn bận rộn như xưa nay vẫn thế. Anh vừa dắt xe máy vào cơ quan đã có một số người đợi sẵn (trong đó có tôi).
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi luôn trong tình trạng bị cắt ngang, bị đan xen bởi những cuộc điện thoại gọi đi, gọi đến của thi nhân rồi những người khách ra vào liên tiếp… Anh cười, bảo: “Công việc của mình là làm dâu trăm họ”. Theo cách nói ấy, có thể đánh giá: Bằng Việt “làm dâu” khá khéo. Chắc không để ai mất lòng? Từng có bài báo ca ngợi anh là “quí ông” giữ lửa trên thi đàn. Trong mắt tôi, Bằng Việt là một trong số những ông “quan” văn nghệ thuộc hàng lịch lãm. Tiếp xúc với anh thấy Xuân Diệu khi xưa thật sáng suốt khi quyết tặng món quà thơ ca của mình cho “những người trẻ tuổi, nhất là trẻ lòng”. Xuân đất trời hữu hạn, xuân trong hồn vô tận bao la. Bằng Việt đã, đang chiếm giữ một “kho báu” bất chấp tuổi tác rập rình.
Từ dạt dào tới tĩnh lặng
Nhắc tới Bằng Việt, bạn trẻ nghĩ ngay bài thơ trong sách giáo khoa “Bếp lửa”. Thi ca thật khó xếp hạng nhưng cho tới nay hiếm có bài thơ nào viết về tình bà cháu “qua mặt” tác phẩm này. (Mặc dù thi nhân chỉ nhận đây là một trong số những bài thơ ưng ý của anh, không hẳn là bài thơ hay nhất: “Trong đời mình có nhiều bài thơ ưng ý nhưng mỗi bài có một ý nghĩa khác nhau. “Bếp lửa” thể hiện được suy nghĩ của một thời, thời gian lao kháng chiến chống Pháp”).
Anh đã từng thử nghiệm với nhiều hình thức thơ: thơ không vần, thơ xuống thang, bắc thang… nhưng sự ghi dấu cái tên Bằng Việt trong lòng công chúng yêu thơ hẳn không phải là những thử nghiệm về mặt hình thức. Dù được đào tạo chuyên ngành luật nhưng thơ Bằng Việt không khô.
Đó là một hồn thơ tinh tế, dạt dào cảm xúc: “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng- Bếp lửa/Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu, có niềm vui trăm ngả/Nhưng vẫn chẳng khi nào quên nhắc nhở/Sáng mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Hay như khi anh viết về Mẹ: “Con bị thương, nằm lại một mùa mưa/Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ/Nhà yên ắng tiếng chân đi rất nhẹ/Gió từng hồi trên mái lá ùa qua”.
Khi viết về Paustovsky, Bằng Việt thể hiện sự lãng mạn, bay bổng tuyệt vời chẳng kém tác giả “Lẵng quả thông”: “Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm/Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa”. Ngay cả khi dịch thơ, Bằng Việt thổi hồn mình vào câu chữ, anh đã tái sinh tác phẩm của nhiều tên tuổi trên thế giới bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Bài thơ được biết đến nhiều nhất chính là “Mùa lá rụng” của O.Berggoltz. Có những câu thơ trong bài qua bản dịch của Bằng Việt đã trở thành bất hủ: “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi/Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia li…”.
Nhiều người nghĩ Bằng Việt có một cuộc đời may mắn, anh đạt được nhiều thứ khiến người khác ghen: sự nghiệp văn chương, con đường “quan chức”, lấy vợ trẻ và hạnh phúc êm đềm.
Bằng Việt cho rằng, con đường anh đi không trải gấm hoa: “Cái năm mình đi học ở Nga, ngành luật, học đến nửa chừng thì “tai họa” khách quan đổ xuống (những biến cố liên quan đến “chống xét lại” thời đó - pv), mình phải về nước, lúc đó đã chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp rồi. Cuối cùng về chỉ được ăn lương trung cấp, bốn mươi lăm đồng, tại thời điểm đó”.
Thời gian gần đây Bằng Việt hay sáng tác thơ Thiền. Lý giải điều này, thi nhân bảo, có thể do tuổi tác, cũng có thể do anh thấy “suy nghĩ của mình có cái gì đó gặp triết lý Thiền”. |
Ngay cái sự đến với ngôi nhà văn chương của anh cũng khó khăn bước đầu: “Mình không được đào tạo văn học ngày nào, xoay ra làm thơ, vì yêu thích. Mình tự sáng tác gửi in báo, sau đó bên Hội Nhà văn, các ông Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên quí mình, mời đến chơi. Họ hỏi, nếu Hội Nhà văn xin mình đi thực tế chiến trường, có đi không? Mình đồng ý liền vì tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hơn nữa lúc đó còn trẻ, công tác ở Viện Luật học khô khan.
Nhờ chuyến đi mình có tập thơ chung với Lưu Quang Vũ. Có tác phẩm, mình được kết nạp vào Hội Nhà văn. Khi chuyển sang Hội Nhà văn mình phải thương lượng với Viện Luật học”. Bằng Việt có một niềm tự hào: Tuổi ở Hội Nhà văn đã lên tới 40 năm, thâm niên hơn cả đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay.
Chục năm trước, trong lần đến Nhật Bản anh viết bài “Vườn Nhật Bản” đã mang màu Thiền: “Thanh tĩnh đến mức nghe được chính mình/Vườn ẩn hiện bất ngờ theo nhịp bước”.
Sau đó bài thơ này được một nhà chùa ở thành phố Hồ Chí Minh khắc lên một tảng đá để ngay trước cửa vườn của chùa, mặc dù những người tu hành không biết Bằng Việt, cũng chưa từng ra Bắc. Qua dòng thơ Thiền, thấy Bằng Việt cũng có duyên khi đụng đến triết lí: “Ta nhỏ nhen hơn xưa mà đa sự hơn xưa/Ta bất tận để mà ta tồn tại”. Hiện nay anh đang là thành viên của viện nghiên cứu Trần Nhân Tông, đặt ở Mỹ, trực thuộc Đại học Harvard.
Không nên khép mình
Hỏi Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội: Liệu vai trò “quan văn” có ảnh hưởng đến vai trò của người sáng tác? Bằng Việt cho rằng: “Bất kỳ một người nào làm văn học cũng nên theo đuổi các hoạt động xã hội, để làm cho tâm hồn phong phú, mở rộng nhận thức, từ đó thông thoáng hơn và có nhiều đề tài để viết. Không nên khép kín, ngồi một chỗ”.
Ngay chuyện đi xe máy cũng là một hoạt động có ý thức của nhà thơ. Ông không muốn biến mình thành người đi ô tô chuyên nghiệp, không muốn trở thành Huy Cận khi về già phải tiếc: Tôi ghen với những người đi xe đạp. Bằng Việt muốn có mối quan hệ bình thường, không xa cách với người xung quanh. Anh vẫn đi ăn, ngồi quán bia tào lao với bạn bè, gặp gỡ học sinh, sinh viên…Việc đi xe máy hàng ngày giúp thi sỹ rèn phản ứng nhanh, đồng thời tiếp nhận sự vận động của cuộc sống ngay trên con đường đi qua.
Chẳng có gì hối tiếc Bằng Việt thuộc hàng thi nhân có vợ trẻ nhất làng Văn Việt Nam đương thời. “Bà xã” kém anh nhẩm nhanh cũng độ 30 tuổi. “Đây là bí quyết trẻ lâu của anh?”, tôi hỏi. Bằng Việt hào hứng: “Cũng có thể”. Hiếm có câu chuyện nào khiến nhà thơ say sưa kể như câu chuyện về gia đình nhỏ của mình. Anh còn đưa máy điện thoại cho tôi ngắm ảnh cậu con trai út ba tuổi kháu khỉnh, kèm theo lời dẫn: “Nó quấn quýt bố, thích chơi với bố. Đi đâu thì thôi, cứ về nhà là nó bám lấy bố, đêm đòi ngủ với bố”. Anh có thú vui đưa gia đình đi du lịch khi có dịp, hai vợ chồng đôi khi cũng trốn con đi chơi riêng. Bằng Việt khoe những bức ảnh anh chụp cùng với phu nhân trong chuyến sang Trung Quốc, nào là ảnh chụp ở chiếc cáng của Lưu Dung, trong phim “Tể tướng Lưu gù”, nào là ảnh bà xã chụp ở sông Tiền Đường, để nói với nàng Kiều rằng: “Phụ nữ hôm nay không còn khổ như phụ nữ xưa”… Kể chuyện về vợ, mắt anh lấp lánh vui. Hai người gặp nhau khi anh đương chức Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Quen nhau khoảng vài năm, anh có ý định đi tới hôn nhân với người phụ nữ có “gương mặt nhìn nghiêng rất giống người Arập, sống mũi cao, trông như nữ diễn viên trong phim nghìn đêm lẻ” (lời tả của Bằng Việt). Nếu ai cũng như thi nhân hẳn không cần đến nghị định phạt tiền cho những chuyện cãi vã, o ép, xúc phạm nhau trong gia đình: “Từ lúc lấy nhau đến giờ, đã 11, 12 năm chúng mình chưa từng to tiếng”. |