Nhà mạng 'bó tay' trước tin nhắn rác?

Nhà mạng 'bó tay' trước tin nhắn rác?
Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom, khẳng định không thể có giải pháp nào triệt để cho việc ngăn chặn tin nhắn rác vì đây là dạng tin nhắn chủ động

> Khách hàng Viettel bị lừa bởi đầu số 199 ảo

Các tin nhắn rác quấy rầy “thượng đế”. Ảnh: Hồng Thúy
Các tin nhắn rác quấy rầy “thượng đế”. Ảnh: Hồng Thúy.

Theo thông tin từ 3 nhà mạng có số thuê bao chiếm đa số trên thị trường viễn thông di động Việt Nam là Viettel, Vinaphone và Mobifone, số lượng các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (cung cấp các đầu số tin nhắn dịch vụ giá trị gia tăng, quảng cáo) trên mạng di động hơn 600.

Quấy rầy “thượng đế”

Trong đó, Vinaphone đã ký hợp đồng hợp tác với trên 200 nhà cung cấp, Viettel Telecom cũng có khoảng 200 đối tác và Mobifone trên dưới 200 đối tác. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho biết trên thực tế, số lượng các nhà cung cấp tin nhắn “dội bom” khách còn lớn hơn rất nhiều.

Để đối phó với nạn quấy rầy “thượng đế”, đại diện một nhà mạng nằm trong “top 3” cho rằng chỉ có cách gửi công văn tới từng công ty để yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng, khuyến cáo các công ty không phát tán tin nhắn rác và xử lý nhiều trường hợp phát tán tin nhắn rác như tạm ngừng cung cấp dịch vụ tối thiểu 15 ngày, giảm trừ doanh thu đối tác được hưởng, thu hồi đầu số dịch vụ. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Mobifone, cách xử lý hiện tại chỉ là nhận được tin báo thì cắt dịch vụ và không trả doanh thu cho công ty sai phạm.

Ông Hoàng Sơn khẳng định không thể có giải pháp nào triệt để cho việc ngăn chặn tin nhắn rác vì đây là dạng tin nhắn chủ động. Ông Sơn dẫn ví dụ như trường hợp tin nhắn “lậu” từ nước ngoài gửi về thuê bao trong nước. “Đối với các nhà cung cấp đầu số dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động trong nước, nếu vi phạm việc phát tán tin nhắn rác đến các thuê bao bằng công nghệ nhắn đồng loạt thì phát hiện đến đâu, xử lý đến đó bằng cách khóa cứng đầu số, thậm chí cắt hợp đồng liên doanh, liên kết nếu phát hiện sai phạm” – ông Sơn nói. Theo ông Hoàng Sơn, đến thời điểm này, đã có nhiều công ty bị cắt đầu số hoặc hủy hợp đồng với nhà mạng nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.

“Bó tay” với tin nhắn rác?

Một vấn đề gây bức xúc và phản ứng dữ dội từ phía người tiêu dùng là các tin nhắn rác có nội dung rất phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật như kích động, mê tín di đoạn, khiêu dâm... Trả lời về vấn nạn này, đại diện một nhà mạng cho biết: “Đa số các công ty có ký kết hợp đồng với nhà mạng đã chấp hành quy định khi cung cấp các thông tin hữu ích như giải trí, ngân hàng, thời tiết, tỉ giá....Tuy nhiên, một số công ty đã cung cấp các dịch vụ có tính chất tiêu cực mà nhà mạng không thể kiểm soát được”.

Ông Hoàng Sơn cho rằng nhà mạng không chịu trách nhiệm trong vấn đề này vì việc quản lý là của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp và muốn kiểm soát cũng rất khó vì có tới hàng trăm doanh nghiệp đang hợp tác. Ông Sơn giải thích về sự “bó tay” của nhà mạng là do trên thực tế, các nhà cung cấp nội dung không nhắn tin rác bằng đầu số mà phần lớn áp dụng “chiêu” mua sim số trả trước như người bình thường và nhắn đến điện thoại của khách hàng.

Chưa hết, để tránh việc bị nhà mạng xử lý, các công ty còn dùng sim Viettel nhắn cho Vinaphone, Mobifone… hoặc ngược lại. “Nhà mạng chỉ có thể chặn việc dùng đầu số được cấp để nhắn đồng loạt tới khách hàng” – ông Sơn nói.

Phạt Công ty EMOBI 70 triệu đồng

Ngày 27-4, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định xử hành chính 70 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần EMOBI (quận Đống Đa, Hà Nội) vì phát tán tin nhắn rác (Báo Người Lao Động ngày 27-4 đã thông tin).

Theo quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần EMOBI đã mắc 3 lỗi: Không phải là nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nhưng vẫn phát tán tin nhắn mà không được sự đồng ý của người nhận; cung cấp tin nhắn có nội dung bói toán, kích động mê tín dị đoan và lôi kéo người khác đánh bạc trái phép.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang tổng hợp để đưa ra quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần VNNET (quận Đống Đa, Hà Nội) do có sai phạm tương tự EMOBI.

Theo Thế Dũng
Người lao động

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.