Một thời hưng thịnh
Được xây dựng vào những năm 60 thế kỷ trước, Nhà hát Hưng Đạo đã có một thời là niềm tự hào của những người mộ điệu cải lương bởi những đêm diễn luôn cháy vé. Các nghệ sỹ cải lương luôn coi được diễn tại Nhà hát Hưng Đạo là sự đánh dấu cho một thành công mới, khán giả các nơi muốn xem cải lương thì Nhà hát Hưng Đạo luôn được nhắc tới đầu tiên. Nhà hát Hưng Đạo là nơi đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga đóng quân và nhiều vở diễn nổi tiếng đã được ra mắt tại rạp như Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng….
Sau năm 1975, trong khi các nhà hát khác ngày một hiu hắt thì may mắn, Nhà hát Hưng Đạo vẫn đều đặn sáng đèn bởi nơi đây được giao cho Nhà hát Trần Hữu Trang- Cánh chim đầu đàn của cải lương phía Nam quản lý. Với đội ngũ nghệ sỹ nổi tiếng, đoàn Trần Hữu Trang đã tiếp tục duy trì Nhà hát Hưng Đạo trở thành điểm sáng của cải lương thành phố. Nơi đây đã từng tổ chức thành công 2 đợt liên hoan Sân khấu Mùa thu của TPHCM (Năm 1998 và năm 2001)và Hội diễn Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2000.
Tuy nhiên theo thời gian, Nhà hát Hưng Đạo đã dần xuống cấp. Theo những người mộ điệu cải lương kể lại thì vào những năm 2000, đi coi cải lương ở Hưng Đạo thì phải vừa coi vừa dè chừng chuột chạy ngang hay thỉnh thoảng nước nhỏ ngay mặt. Nhiều hạng mục đã hư hỏng khiến cho nhà hát bị dột tứ phía, hệ thống âm thanh quá cũ khiến cho chất lượng các vở diễn giảm đi rất nhiều…. Cùng với sự xâm thực của nhiều bộ môn giải trí khác, cải lương thành phố dần xuống cấp cũng một phần do sự xuống cấp của nhà hát.
Chính vì thế, trong chủ trương Bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật Sân khấu do lãnh đạo TPHCM phê duyệt, dự án Nâng cấp- Xây mới Nhà hát Hưng Đạo đã được Sở VH-TT-DL phê duyệt từ năm 2005. Năm 2009, UBND TPHCM tiến hành khảo sát và phê duyệt việc xây dựng Trung tâm nghệ thuật Cải lương Trần Hữu Trang (Tên mới của Nhà hát Hưng Đạo) với tổng kinh phí dự kiến 59 tỷ đồng. Tháng 4/2013, dự án chính thức khởi công với một thiết kế tổng diện tích sàn xây dựng lên đến 6.358 m2, công trình sẽ gồm 5 tầng lầu, một tầng hầm với chiều cao 34m, được xây dựng theo kiến trúc hiện đại gồm 2 khán phòng biểu diễn với tổng số ghế ngồi trên 1.000 ghế. Ngoài ra còn có các khu phụ trợ như khu văn phòng làm việc, khu vực đào tạo, thư viện, khu sản xuất băng đĩa… Tháng 4/2015, Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo được khánh thành với tổng kinh phí được tăng lên 132 tỷ đồng.
Và nỗi đau mang tên... Nhà hát Hưng Ðạo
Tuy nhiên ngay sau khi hoàn thành, Nhà hát Hưng Đạo đã nhận “gáo nước lạnh” đầu tiên khi các nghệ sỹ đồng thanh lên tiếng rằng Nhà hát Hưng Đạo không phải dành cho… sân khấu cải lương. Ngay vị Tân Giám đốc của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ngày đó là NSND Trần Ngọc Giàu đã thẳng thắn cho rằng, sàn diễn của nhà hát mới quá nhỏ, trần thấp không thể dựng vở, thiếu kho chứa đồ, dàn đèn bị bố trí sai kỹ thuật, không có hố ngồi cho dàn nhạc, phòng hoá trang thì quá xa sân khấu… Ngay ở vở diễn đầu tiên, vở diễn Chiến Binh của tác giả Hoàng Song Việt được dự kiến sẽ là vở mở màn cho Nhà hát Hưng Đạo nhưng cuối cùng phải dời điểm diễn bởi không thể dàn dựng tại rạp mới. Cũng đã có vài vở diễn được dựng tại Hưng Đạo nhưng vì quá bất cập nên sau đó, nhiều vở diễn khác của Nhà hát Trần Hữu Trang cũng phải đi thuê rạp nơi khác để trình diễn.
Trước sự phản đối của các nghệ sỹ, đầu năm 2016, sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức thanh tra công trình xây dựng Nhà hát Hưng Đạo. Kết luận của Thanh tra Xây dựng chỉ ra nhiều sai sót của Sở VH-TT-DL và Sở Xây dựng. Các sở đã thiếu kiểm tra đôn đốc, Sở VH-TT-DL giao cho đơn vị thiếu năng lực quản lý làm chủ dự án và thay đổi chủ đầu tư nhiều lần. Các thiết kế sai quy chuẩn, thời gian thực hiện dự án kéo dài không tạo hiệu quả như ban đầu.
Sau kết luận thanh tra, các ngành đã họp kiểm điểm, nhận trách nhiệm và đưa ra phương án sửa chữa, khắc phục những hạn chế của nhà hát mới. Tuy nhiên việc sửa chữa vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn những khiếm khuyết của Nhà hát Hưng Đạo nên các đơn vị biểu diễn vẫn không lựa chọn nơi đây để tổ chức các đêm diễn.
Cho tới thời điểm này, Nhà hát Hưng Đạo vẫn chỉ là nhà hát trống vắng bởi không có các hoạt động biểu diễn. Và trước chủ trương TPHCM sẽ xây Nhà hát Giao hưởng- Thính phòng tại Thủ Thiêm (quận 2), có nhiều ý kiến lo ngại rằng Nhà hát Thủ Thiêm sẽ đi vào “vết xe đổ” của Nhà hát Hưng Đạo. Sự lo ngại này không phải không có cơ sở bởi “nỗi đau” của một nhà hát xây xong rồi đắp chiếu mãi tới tận hôm nay nhưng các cấp lãnh đạo thành phố vẫn chưa có phương án xử lý hiệu quả?
Trao đổi với chúng tôi, một nghệ sỹ cải lương cho rằng khi xây nhà hát Hưng Ðạo, ý kiến đóng góp của các nghệ sỹ đã không được tôn trọng. Sai tới 10 hạng mục so với thiết kế ban đầu là điều không thể chấp nhận được. “Thậm chí chúng tôi còn nghe nói ban đầu chủ đầu tư còn dự tính xây sàn dài như sàn catwalk nhưng sau bị phản đối nên thôi. Nói chung sân khấu hiện đại của Nhà hát Hưng Ðạo hoành tráng này không đáp ứng chuyên môn, quy chuẩn của sân khấu cải lương nên muốn sửa chữa toàn diện thì chỉ có cách đập đi xây lại”- một đạo diễn cho hay.