Nhà đầu tư Quảng Nam nộp cọc tiền tỷ để đấu giá đất rồi 'tháo chạy'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi nộp hàng tỷ đồng tiền đặt cọc để đấu giá 3 lô đất tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nhà đầu tư đã đấu giá cao gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm rồi bỏ cọc khiến chính quyền địa phương phải hủy kết quả trúng đấu giá.

Trúng đấu giá gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm rồi bỏ cọc

UBND thị xã Điện Bàn vừa ra quyết định về việc hủy bỏ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An do cá nhân ông V.Nh.Th. (ngụ phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) trúng đấu giá trước đó.

Theo đó, lý do hủy quyết định trúng đấu giá là vì ông Th chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Cụ thể, thửa đất 1564 có diện tích 167,9 m2, ông Th trúng đấu giá 4,859 tỷ đồng; thửa đất 1565, diện tích 170,5 m2, ông Th. trúng đấu giá 4,985 tỷ đồng; thửa đất 1566, diện tích 172,9 m2, ông Th trúng đấu giá 4,599 tỷ đồng.

Nhà đầu tư Quảng Nam nộp cọc tiền tỷ để đấu giá đất rồi 'tháo chạy' ảnh 1

Sau khi trúng 3 lô đất tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) với tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng, gần gấp đôi giá khởi điểm, một nhà đầu tư đã bỏ cọc, khiến chính quyền địa phương phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của 3 lô đất vừa nêu. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào tháng 11/2021, Công ty Đấu giá Hợp danh Miền Trung phối hợp Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn - đại diện làm chủ đầu tư đã thông báo việc đấu giá tài sản là 4 lô đất, trong đó có ba lô đất (1564, 1565, 1566) vừa nêu với giá gần 2,6 tỷ đồng/lô. Để tham gia đấu giá, các nhà đầu tư phải đặt cọc ba thửa đất lần lượt là 503 triệu đồng, 511 triệu đồng và 518 triệu đồng.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên có trường hợp trúng đấu giá cao rồi bỏ cọc xảy ra tại khu vực thị xã Điện Bàn. Bởi hồi tháng 11/2021, UBND thị xã này cũng từng ra 11 quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá của một nhà đầu tư ở Đà Nẵng đối với 11 lô đất có diện tích từ 118 -134m2, có giá khởi điểm là 5,3 tỷ đồng, tiền đặt cọc là 975 triệu đồng tại khu Lô Tháp tại thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng.

Tại phiên đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá ở mức 13 tỷ đồng, trong đó có nhiều lô đất trúng đấu giá cao gấp đôi so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền đặt cọc, nhà đầu tư trên lại chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Phòng, chống "rửa tiền" trong kinh doanh bất động sản

Liên quan đến thị trường bất động sản tại Quảng Nam, hồi đầu năm, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, khu dân cư, khu đô thị,... có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi bán lại bất động sản gây “sốt ảo”, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.

Đồng thời, còn có hiện tượng một số chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được cơ quan nhà nước ban hành văn bản đủ điều kiện huy động vốn.

Để kiểm soát tình hình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện dự án để công khai cho Nhân dân biết, theo dõi, thực hiện giám sát; bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Nhà đầu tư Quảng Nam nộp cọc tiền tỷ để đấu giá đất rồi 'tháo chạy' ảnh 2

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, phòng chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh bất động sản. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, phòng chống rửa tiền và các quy định pháp luật có liên quan; chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sai phạm, tùy theo mức độ có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Không được huy động vốn khi chưa đủ điều kiện và chỉ thực hiện giao dịch bất động sản khi đảm bảo đủ điều kiện của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, các pháp luật khác có liên quan và quy định của 6 UBND tỉnh tại Quyết định số 2299/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 Quy định hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Các dự án bất động sản đã đủ điều kiện kinh doanh phải thường xuyên được kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt và các quy định liên quan. Các sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản khi môi giới, giao dịch phải đảm bảo các sản phẩm bất động sản đã đủ điều kiện kinh doanh. Thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Không được rao bán, thông tin, nhận đặt cọc trên các mạng xã hội các bất động sản của các dự án khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng khuyến cáo các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đất nền tại các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở xã hội khi thực hiện 7 mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền dự án phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về dân sự, tên dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận và tình hình triển khai thực tế dự án trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.

Bộ TN-MT vừa có công văn, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất chi tiết, để tổ chức theo dõi, kiểm tra. Trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá (năng lực về tài chính, kỹ thuật, ký quỹ, nguồn vốn của chủ đầu tư, thời gian đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ nếu trúng đấu giá…); làm tốt công tác xác định giá khởi điểm bảo đảm giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc trong các cuộc đấu giá.

MỚI - NÓNG