Cầm triệu USD vẫn không mua nổi căn chung cư
Cheung Ka-long vừa mang về niềm vinh quang cho thể thao Hồng Kông (Trung Quốc) khi giành Huy chương vàng môn đấu kiếm ở Olympic Tokyo 2020. Nhận số tiền thưởng lên tới 7,5 triệu HKD (tương đương 960.000 USD), song người hùng của xứ cảng thơm vẫn chưa thể mua được một căn chung cư như ý. Nguyên nhân là bởi tại Hồng Kông bây giờ, căn hộ 1 phòng ngủ xây mới diện tích khoảng 42m2 có giá lên tới 10,8 triệu HKD, gấp rưỡi số tiền thưởng “khủng” mà Cheung Ka-long nhận được.
Giá nhà Hong Kong lập kỷ lục. Ảnh: BBC |
Tất nhiên, đây là giá nhà tại thời điểm giữa tháng 8/2021, còn sang tháng 9 hay xa hơn, con số chắc chắn sẽ không còn dừng lại ở mức 10,8 triệu HKD. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Công ty BĐS Centaline Property Agency Ltd., cho biết chỉ trong tuần đầu tháng 8 (từ ngày 2/8 - 8/8), giá nhà bán lại tại Hồng Kông đã tăng 0,65%. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhà ở của thành phố đã tăng thêm 8,6%.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tăng vọt, nguồn cung hạn chế và lãi suất tiết kiệm thấp đã đẩy giá nhà tại Hồng Kông lên mức kỷ lục mới. Đáng chú ý, Cushman & Wakefield - công ty BĐS toàn cầu có trụ sở tại Mỹ - dự báo giá nhà ở tại xứ Cảng thơm sẽ tiếp tục tăng thêm 5% nữa trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nguồn cung nhà ở đang không chỉ diễn ra duy nhất tại Hồng Kông. Ở quy mô toàn cầu, giá BĐS cũng đang tăng với tốc độ chóng mặt, bất chấp đại dịch COVID-19.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ trong 1 năm, từ quý IV/2019 đến quý IV/2020, cũng là giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất, giá nhà đất tại 37 quốc gia thuộc tổ chức này đã tăng gần 7%. Đây là mức tăng trưởng hàng năm nhanh nhất trong hai thập kỷ qua.
Các chuyên gia kinh tế lý giải, việc các nước bơm thêm các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, hành vi mua sắm và lối sống thay đổi mang tính bước ngoặt khi mọi người làm việc từ xa nhiều hơn và nguồn cung khan hiếm là những nguyên nhân khiến giá BĐS leo thang. Thêm vào đó, lãi suất mua nhà thấp và việc các nước sắp mở cửa trở lại sau khi đạt miễn dịch cộng đồng, hoạt động đầu tư nước ngoài được thúc đẩy cũng là những yếu tố cộng hưởng tạo thêm động lực cho thị trường BĐS tăng trưởng mạnh mẽ.
Bất động sản Việt: Tiềm năng sinh lời lớn
Thị trường BĐS Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy chung của thế giới. Riêng tại Hà Nội, báo cáo Tổng quan 6 tháng đầu năm 2021 của Savills Việt Nam cho thấy đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng. Giá chào bán sơ cấp trung bình đạt 1.625 USD/m2, tăng 7% theo quý và 11% theo năm. Nếu tính từ năm 2017 đến nay, giá căn hộ sơ cấp đã tăng 14%/năm tại quận Cầu Giấy, 12%/năm tại quận Long Biên. Giá căn hộ tại các quận, huyện Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì cũng ghi nhận mức tăng khá mạnh.
Còn theo báo cáo thị trường của batdongsan.com.vn, bất chấp những tác động tiêu cực do COVID-19, mức độ quan tâm tới BĐS của người Việt đang tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, sau đợt bùng phát COVID-19 thứ nhất, mức độ quan tâm tới thị trường BĐS tăng 306%, sau đợt COVID-19 thứ 2 tăng 62% và sau “làn sóng” COVID-19 thứ 3, lượng quan tâm tới giá nhà đất đã tăng 378%.
Các dự án tiện ích tất cả trong một hấp dẫn cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Các chuyên gia lý giải, giống như xu hướng chung của thế giới, khi các kênh vàng và chứng khoán đang có nhiều biến động, lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục, theo nguyên lý “bình thông nhau”, dòng tiền sẽ đổ vào kênh an toàn hơn là BĐS.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chỉ ra một lực đẩy quan trọng khác khiến thị trường BĐS Việt tăng trưởng mạnh bất chấp đại dịch, đó là dòng vốn ngoại. Năm 2020, vốn đăng ký mới vào BĐS đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất. “Phong độ” của FDI BĐS tiếp tục được giữ vững khi 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD. Bên cạnh đó, năm 2020, các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam đã góp vốn và mua cổ phần trong lĩnh vực BĐS khoảng 2 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn góp, mua cổ phần toàn quốc.
“Rõ ràng, thị trường BĐS đang không chỉ hấp dẫn người Việt Nam mà còn hấp dẫn cả đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lực đánh giá.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoài An, ngoài chính sách nhà ở cởi mở, sức hút của thị trường BĐS Việt Nam đến từ tính cạnh tranh tốt hơn so với nhiều thị trường khác trong khu vực. Đơn cử, xét về khả năng sinh lời thì BĐS Việt đang vượt trội hơn hẳn thị trường Thái Lan, Hồng Kông hay Singapore…vì giá nhà đang thấp hơn, dư địa tăng trưởng còn nhiều hơn.
Đặc biệt, các công ty quốc tế tăng tốc rót vốn giai đoạn này nhằm tận dụng tốc độ đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu gia tăng và cộng đồng chuyên gia quốc tế đến làm việc ngày càng đông đảo.
“Khi kinh tế, xã hội trở lại bình thường sau COVID-19, khả năng bán lại hoặc cho thuê đều rất tốt và mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư”, TS. Hoài An nhận định.