Nguyễn Vĩnh Tiến và phong cách 'Dân gian đương đại'

Nguyễn Vĩnh Tiến và phong cách 'Dân gian đương đại'
TP - Cái cớ để tôi viết bài này là lễ ra mắt CD “Giọt sương bay lên” của bộ ba nổi tiếng trong chương trình Bài hát Việt 2005, Nguyễn Vĩnh Tiến - Ngọc Khuê - Phan Cường. Nhưng đó chỉ là cái cớ.
Nguyễn Vĩnh Tiến và phong cách 'Dân gian đương đại' ảnh 1

Nguyễn Vĩnh Tiến ký tặng thơ các độc giả trẻ trong Ngày thơ Việt Nam (2007)  Ảnh: H.V

Tất cả các tác phẩm trong CD, bao gồm bốn ca khúc đã khá quen thuộc với người yêu  nhạc qua chương trình Bài hát Việt (Bà tôi, Giọt sương bay lên, Giấc mơ dai dẳng, Lời hát dòng nước xoáy) và ba ca khúc mới (Ơi, con chim chào mào, Trai làng tôi, Chim bông lau tìm bóng), đều được khối khí và thể hiện rất công phu.

Ca khúc xuất sắc nhất, theo tôi, là Chim bông lau tìm bóng. Nó vượt lên trên cả Bà tôiGiọt sương bay lên, hai tác phẩm nổi đình đám đã xác lập tên tuổi Nguyễn Vĩnh Tiến với tư cách là một nhạc sĩ.

Tôi tin rằng CD Giọt sương bay lên, và đặc biệt là ca khúc Chim bông lau tìm bóng, đóng vai trò kết thúc giai đoạn mày mò tìm kiếm của phong cách mà gần đây người ta gọi bằng cái tên “Dân gian đương đại”.

Phong cách “Dân gian đương đại” - ta hãy sử dụng thuật ngữ có thể còn gây tranh cãi này - không phải là sáng tạo riêng của Nguyễn Vĩnh Tiến. Chúng ta thấy nó đã thấp thoáng ở Trần Tiến và Nguyễn Cường trước khi xuất hiện đậm đặc ở Ngọc Đại.

...Lê Minh Sơn là người đã đại chúng hóa những gì Ngọc Đại bắt đầu nhờ sự trợ giúp của Sao Mai và giọng hát độc đáo Ngọc Khuê.

Thật ra, theo tôi nhạc của anh ít chất “dân ca đương đại” hơn so với nhạc Ngọc Đại, nghĩa là gần với nhạc châu Âu hơn, nhưng anh vẫn tạo được cảm giác “dân tộc” nhờ cách lựa chọn đề tài và cách thể hiện của ca sĩ…

Phong cách “dân gian đương đại” cuối cùng đã được hưởng ứng rộng rãi nhờ một sự cộng tác may mắn hiếm có giữa Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê và Phan Cường.

Về ca từ, Nguyễn Vĩnh Tiến có lợi thế của một nhà thơ, ngay cả so với Lê Minh Sơn, người cũng trau chuốt về ngôn từ. Ca từ của Nguyễn Vĩnh Tiến khá “vu vơ”, để dành cho người nghe một khoảng tự do rộng rãi để liên tưởng. Thông điệp trong ca từ của Nguyễn Vĩnh Tiến thường khó nắm bắt. Đây là ca từ bài Chim bông tìm lau bóng:

Tôi là một con chim, bay qua dòng sông

Tôi nghiêng đôi cánh, tôi thử soi gương...…

Mặt sóng soi tôi thành một con sóng

Dòng nước soi tôi thành một chiếc lá

Trôi dạt... trôi dạt...…

Tôi bay đi tìm...bóng tôi

Bờ lau hình như hình như ai che tiếng nói

Bờ lau hình như hình như ai gom tiếng sóng

Đoạn điệp khúc tuyệt đẹp cả về âm nhạc lẫn ca từ:

Sóng vỗ, nghe như câu chuyện về dòng sông

Bỏ quên mất bóng cho đôi bờ

Gửi bao héo hắt cho đôi bờ

Tôi chao, chao đi chao lại cùng sương khói

Tìm đâu thấy bóng tôi trôi ngày

Tìm đâu trí nhớ tôi sương mù

Và bài hát kết thúc với một nỗi ưu tư đầy ám ảnh:

Cuối chân trời, mây lững thững bay

Cuối một ngày, sông lững thững trôi…

Còn tôi

Tôi bay qua bóng tối

Tôi tìm bóng tôi.

Cũng thế, nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến lúc khấp khểnh như bước chân trâu trên luống cày, khi chấp chới như những cánh chim lạc. Tác phẩm của anh để dành cho người phối khí, ca sĩ, và cả người nghe khoảng tự do rộng rãi để trở thành đồng tác giả.

Và, như tôi đã nói, Nguyễn Vĩnh Tiến thật may mắn gặp được Phan Cường và Ngọc Khuê. Phan Cường, với bộ gõ rất có hồn và những đoạn ngẫu hứng điêu luyện, cùng với giọng hát như lên đồng của Ngọc Khuê đã đem lại màu sắc huyền ảo và hoàn thiện những bức tranh giai điệu của Tiến.

Có thể nói rằng nếu không có phần phối khí của Phan Cường thì cũng không có Nguyễn Vĩnh Tiến như chúng ta biết hôm nay.

Những ca khúc “dân gian đương đại” của Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại và các nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn Cường, Trần Tiến là một trong những nét nổi bật của ca khúc Việt Nam trong vài năm gần đây.

Rất có thể đó là sự phản ánh và đáp ứng tính hỗn loạn trong tâm thức của con người và xã hội hiện nay. Nhưng phải nói rằng cũng vì thế mà nó khiến cho người nghe chóng mệt.

Sau khi nghe, có lẽ để nghiên cứu hơn là thưởng thức, một album nhạc “dân gian đương đại”, chắc người ta lại có nhu cầu nghe những gì duyên dáng, ngăn nắp, nhịp nhàng. Dù sao thì đời sống âm nhạc cũng giàu có nhờ nhiều mảng khác nhau như thế.

Năm nay 33 tuổi, Nguyễn Vĩnh Tiến từng được bầu là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2005. Anh cũng đã đoạt nhiều giải thưởng về truyện ngắn, thơ và kiến trúc.

MỚI - NÓNG