Nguyễn Tuân, một giá trị trường tồn

Nguyễn Tuân, một giá trị trường tồn
TP - Sau nửa thế kỷ hoạt động, Hội Nhà văn Việt Nam giờ đã thành một gia đình văn học lớn, nay là tam đại đồng đường, không còn xa sẽ là tứ đại đồng đường.
Nguyễn Tuân, một giá trị trường tồn ảnh 1

Các cây bút trẻ hai mươi tuổi đang mang tới những trang viết đầy sức thanh xuân, ngổn ngang khát vọng, ngổn ngang những yêu thương trăn trở, và bút lực mới mạnh mẽ làm sao, mạnh mẽ tới độ khiến người đọc đôi khi chóng mặt.

Trong lúc ấy thì những người già rủ nhau lần lượt ra đi, đi đến mức làm vãn cả một đoàn thể. Chúng ta vừa mới làm tang cho nhà văn Kim Lân, hôm nay lại gặp nhau để tưởng niệm nhà văn Nguyễn Tuân nhân ngày giỗ lần thứ hai mươi của ông.

Nhanh thế, thời gian đi bằng cách nào không rõ, chỉ thấy mới đấy mà đã hai mươi năm, hai mươi năm ông bỏ bạn bè con cháu mà đi, để ngôi nhà này thành trống vắng, để chúng tôi đám học trò của ông côi cút, Hội Nhà văn mất ông là mất một vị trưởng lão kỳ tài, không ai có thể thay thế được.

Sinh thời nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng thốt lên, bọn ta viết văn, ông cụ viết văn, cũng nhà văn mà sao ta thì lấm láp còn ông cụ lại sang trọng đến thế.

Ngồi lê bên vỉa hè đường Cổ Tân cùng anh em uống vại bia hơi với đĩa lạc thối bán kèm theo tích-kê vậy mà xung quanh ai nấy đều vui vì sự có mặt của ông, người ta há miệng chầu hẫu nghe ông cụ nói, mà có chuyện nào vào chuyện nào.

Nhiều chuyện ai cũng có thể nghe được ở ngoài đường nhưng nó chỉ thành văn chương một khi được ông cúi xuống thong thả nhặt bỏ vào cái túi vải thô suốt đời xách theo mình. Đấy là ống quyển, là một cẩm nang chứa đựng những bí mật không ai có thể giải mã.

Trong cái túi bí hiểm ấy của ông cụ nếu nhìn theo con mắt điều tra thì kỳ thực cũng chẳng thấy có gì đáng để phải giải mã. Ông cụ vẫn thường đổ la liệt ra chiếu để tìm một vật gì đó, hết ngắm nghía cái này cái nọ một lúc lại ném tuốt vào cất đi.

Một chiếc tẩu cổ với một hộp thuốc lá vụn, một lọ tăm tre với mươi chiếc tăm vót công phu, cái bút máy và cuốn sổ ghi chép, chút rượu đế và chút thức nhắm khô được gói cầu kỳ, nhiều khi trong đó chỉ là một con mực nướng.

Ông đã mang cái túi ấy đi khắp gầm trời này, đã lang thang cùng nó rong chơi một đời và cũng đã để lại sau lưng mình một sự nghiệp sáng tạo âm thầm và khó nhọc với những cuốn sách ở đẳng cấp cao. Ông là một người xuất chúng, độc đáo và có vẻ kỳ bí lạ lùng.

Trong một thế giới của riêng mình, trong một không gian rộng nhiều chiều Nguyễn Tuân vẫy vùng bay lượn. Những trang sách của ông viết ra có mang những giá trị trường tồn để giờ đây nhìn lại chúng ta nói ông là một giá trị trường tồn.

Ở đời không gì mỏng manh bằng những tờ giấy trắng, nhưng một khi những tờ giấy kia được những người tài ba như ông đụng vào, đặt bút vẽ ngoằn ngoèo rối mù những chữ là chữ, ấy là lúc nó đã có mang một vẻ đẹp trí tuệ bền vững, rất khó hủy diệt.

Đem đốt không cháy, dìm xuống nước không rã, đâm xé không rách. Đấy mới thực là văn chương, chỉ như thế mới đáng mặt để được gọi là một nhà văn với đúng nghĩa cao quý của từ đó.

Thuở trước có lần Khổng Tử đã nói với đám học trò, đi một đoạn đường đã có thể gặp vài ba kẻ sĩ, nhưng thánh nhân thì phải mất một đời mới mong gặp được.

Một đoạn đường là đơn vị đo lường của không gian, một đời người là đơn vị đo lường của thời gian, cái thước dùng để ướm vào kẻ sĩ không thể mang ướm vào bậc thánh, bởi kẻ sĩ là một phạm trù mà thánh nhân lại là một phạm trù khác.

Hỏi sao lại thế, thưa bởi đó là thánh, có vậy thôi. Cũng giống như thóc là quý nhưng đi chợ đong thóc thì không ai mang theo cân tiểu ly, phải mang cân lớn, phải mang đấu mang thúng, còn cân tiểu ly hãy để lại nhà.

Nói thế tôi không có ý tôn Nguyễn Tuân là thánh, chỉ muốn nói hiểu ông thật không dễ, ông là một trường hợp hiếm thấy, có nhẽ phải rất lâu trong văn học mới có một người như thế.

Lâu là bao lâu, có nhẽ phải đợi ở nhiều đời sau. Các nhà văn lớn mỗi người một vẻ, họ giống như những trái núi nằm đấy ngày ngày ai cũng trông thấy, ấy vậy mà càng ngắm lại càng thấy lạ. Mỗi ngày lại thấy thêm ở họ lộ ra một cái mới.

Cái mới không phải ở cá tính riêng, cá tính dẫu thế nào thì cũng vẫn chỉ là cái dáng kiêu, phần ta cần tìm ở họ là cái lại thuộc về bề sâu, nó là cốt kiêu.

Xưa có một họa sĩ bậc thầy bỏ một đời ra để vẽ núi vẽ đá và vẽ cỏ, đến lúc sắp chết còn ngoảnh ra nói với các môn sinh, thế mà thầy vẫn chưa hiểu cỏ, chưa hiểu đá, chưa hiểu núi, thầy không thể nói ra rành mạch nhưng vẫn muốn được sống thêm để vẽ nữa.

Tôi được mời chuẩn bị để lên phát biểu trong lễ kỷ niệm trang trọng này, như con cháu chân thành nói đôi lời nhân ngày giỗ cụ. Thế rồi tôi đến thư viện mượn mang về nhà mấy cuốn của Nguyễn Tuân, ngày ngày mở ra gấp lại, để mong thêm gần ông, để gợi nhớ hình bóng ông.

Rồi tôi đọc mấy bài nghiên cứu bàn về ông của các anh Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, những người có nhiều công lao lặn lội chăm lo cho những cuốn sách của ông ra đời. Tôi đọc mấy truyện ma, mấy cái tùy bút ông viết vào thời kỳ đầu. Tôi hỏi anh Nhàn liệu đến bao giờ mới có Toàn tập Nguyễn Tuân để tôi được đọc những trang vừa tìm thấy mà ông cụ vứt đâu đó.

Trong bữa cơm bụi một trưa nhân bàn về Nguyễn Tuân, anh Nguyễn Khắc Trường nói một ý tôi cho là phải, chúng ta có không ít những nhà văn lớn, chả thua kém gì các nhà văn lớn ở các nước có nền văn học lớn, tài năng của các cụ có thể hiểu là ngả nghiêng, hiềm một nỗi thiên hạ còn ít biết đến bởi nền văn học ta vốn chưa bao giờ có thương hiệu... Khổ thế đấy.

Sự thực cái sung sướng nhất với mỗi nhà văn là được nhân dân mình trọng vọng, bạn đọc số một của các nhà văn phải là nhân dân mình cái đã, và với mỗi nhà văn không gì thiêng liêng hơn là tiếng mẹ đẻ.

Mọi nhà văn lớn đều có tác động trực tiếp tới sự phát triển ngôn ngữ của dân tộc mình, làm cho nó không ngừng giàu có. Trong công việc này Nguyễn Tuân là một nhà ngôn ngữ học lớn. Người đi đầu tiêu biểu nhất cho sự nghiệp này có lẽ là Nguyễn Du.

Cũng bởi vì nhà văn gắn bó với dân tộc mình như vậy cho nên cái làm nhà văn đau lòng nhất cũng là ở đấy, khi cái viết ra chưa được quê nhà hiểu đúng, chưa được quê nhà trân trọng như nó xứng đáng phải được quê nhà hiểu đúng và trân trọng.

Năm Nguyễn Tuân đưa bản thảo Tôi đọc đến Nhà Văn học rất nhiều người đã khen hay, lại có người không dám chê trước mặt nhưng đã thì thầm nơi này chỗ nọ, bảo trong này có một bài khó dùng vì có vấn đề, đó là bài Tờ hoa.

Tập sách phải tạm gác lại, có người khuyên ông không nên vì Tờ hoa mà để nó không ra được. Ông trả lời, các ông cũng không nên vì Tờ hoa mà để nó không in nổi.

Nhớ lại chuyện này để thấy Nguyễn Tuân đâu phải người cố chấp hoặc kiêu ngạo, ông chỉ là một người biết giữ nguyên tắc sống của mình, không thể khoan nhượng trước mọi u tối luẩn quẩn, luôn luôn biết điều và khoan hòa, trong mọi việc lớn nhỏ ông đều đã khu xử đàng hoàng nhiều tự trọng.

Sau chiến tranh tôi về Hội Nhà văn, được xếp vào bộ phận Sáng tác do ông Bùi Hiển làm Trưởng ban, nghĩa là không phải làm một việc gì, quanh năm chỉ ăn và đi viết. Nguyễn Tuân vẫn còn ở đó, chưa nghỉ hưu, do vậy thỉnh thoảng tôi lại có dịp được ngồi bên ông nhân họp hành gì đó.

Suốt nhiều năm, cho đến lúc ông cụ mất tôi bao giờ cũng e dè mỗi lần đứng trước ông, tôi thấy mình lóng ngóng không thở nổi. Tôi cảm thấy bị ngợp mất cả hồn vía. Từ lâu tôi đã đọc ông những trang viết đầy sức ám ảnh của ông đã đủ khiến tôi lúng túng như vậy.

Không hiểu sao mỗi bận gặp ông Tô Hoài tôi cũng cảm thấy hệt thế, và tôi có ý lảng, ngại gặp, mặc dù từ nhỏ tôi vẫn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ được cắp tráp đi theo các ông.

Với tôi không gì vui bằng được đọc những trang sách hay, lại càng vui hơn nếu được ngồi bên những ai đã viết ra những trang sách đó, để lắng nghe và để cùng trò chuyện. Cả hai điều ấy hình như tôi đều đã có. Hội Nhà văn theo tôi, làm sao phải là một tập hợp của nhiều tài năng, một nơi ra vào của những người có sách.

Sự qua đời của mỗi nhà văn đều nên được xem như một lời kêu gọi thiết tha, một lời dặn dò nghiêm khắc dành cho những người ở lại. Các nhà văn ấy không chỉ để lại những tác phẩm hay, những kỷ niệm đẹp của những cách sống đẹp.

Sau tất cả họ đã để lại cho chúng ta rất nhiều hiểu biết về con người, về thời cuộc, họ để lại cho chúng ta một niềm tin vào tương lai của dân tộc, rộng hơn nữa là niềm tin vào tương lai nhân loại. Một nhà văn lớn sẽ là một niềm an ủi lớn giữa cuộc đời nhiều bấp bênh đen bạc, là danh dự của một dân tộc đang tần tảo mưu sinh.

Vào những năm Trung Quốc có cuộc Cách mạng Văn hóa tôi còn rất trẻ, chẳng rõ mô tê bên láng giềng đang sống ra làm sao, chẳng hiểu cái đám đông vĩ đại kia đang kéo nhau đi về đâu...

Rồi tôi chợt nghĩ tới Lỗ Tấn, một đất nước đã từng sinh ra nhà văn có cốt cách kỳ vĩ đến thế tất không thể tầm thường được, đất nước đó, nhân dân đó nhất định sẽ vượt qua mọi thử thách ngặt nghèo, sẽ đạp lên sương giá tìm tới một ngày mai tốt lành.

Rất nhiều lúc nhà văn đã làm một vẻ đẹp để thanh minh cho dân tộc mình. Người ta có thể đến với các nhà văn như thế để tìm một niềm tin yêu, tìm một điểm tựa tinh thần tin cậy giữa lúc bể dâu.

Lúc ấy những trang văn học hay nhất đủ sức nâng đỡ con người mạnh lên một cách màu nhiệm hơn mọi thứ lý thuyết ở đời. Văn học từ bản chất của nó đã mang sẵn một năng lực góp phần điều hòa, làm ra sự cân bằng sinh thái cho môi trường xã hội.

Ở ta ảnh hưởng của Nguyễn Tuân trong đời sống văn học là rất sâu rộng. Ông làm đẹp cho Hà Nội, ông gửi lại cho Huế và Sài Gòn những kỷ niệm để đời. Nhiều người Việt Nam đang sống phiêu bạt ở xứ người mỗi khi nhớ đến quê nhà đều không quên nhắc tới tên ông.

Các thế hệ nhà văn đến sau đều xem ông là thầy, ông đã qua đời từ hai mươi năm rồi vậy mà niềm tự hào về ông trong lòng mỗi chúng ta vẫn còn nguyên vẹn.

Những tác phẩm của ông, cái viết trước Cách mạng cái viết sau Cách mạng lần lần trở về sau trên nửa thế kỷ loạn lạc ly tán, chúng được in ra thành những tập lớn tập nhỏ, đã in ra, còn tiếp tục in ra, đã tái bản, còn tiếp tục tái bản. Tất cả đều đã được bạn đọc cất giữ, người ta quen gọi là Của Tuân, nghe thật hết sức thân thiết và cảm động.

Ngày nay, khi trông vào năm nghìn trang sách ông để lại chúng ta không thể giấu được sự kinh ngạc và bái phục. Ông viết Vang bóng một thời năm ba mươi tuổi, kể từ đó đến nay thời thế thay đổi liên miên mà cuốn sách vẫn cứ vang bóng như thường.

Trong tư cách một người gắn bó với vận mệnh đất nước, ông trở thành một nhà văn luôn luôn mới mẻ, có sức thu hút mạnh, lay động mạnh và bóng ông giờ đây vẫn tỏa sáng theo năm tháng.

Hà Nội, ngày 15/8/2007

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.