Tại phiên tòa khi được nói sau cùng, ngoài 2 bị cáo về nước đầu thú là những thuộc cấp của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC ( hiện đang bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt) kêu oan, các bị cáo còn lại đều nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt so với mức mà VKSND tỉnh Quảng Ninh đề nghị trước đó.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương, nguyên Trưởng bộ phận thư ký tài chính AIC- người về nước đầu thú, đã bật khóc tại tòa khi được nói lời sau cùng |
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương (nguyên Trưởng bộ phận thư ký tài chính AIC) bật khóc trước tòa và cho biết mình bị oan.
Theo bị cáo Phương, tháng 3/2022 bị cáo xuất cảnh đi Nhật Bản, Dubai và Malaysia để du lịch, chữa bệnh và thăm con trai. Đến tháng 8/2022 vụ án này mới được khởi tố.
“Thời điểm đó tôi đang chữa bệnh ở nước ngoài, khi biết mình bị khởi tố thì nhiều người đã khuyên tôi đừng về nước để đỡ bị tạm giam, tuy nhiên để minh oan cho mình tôi phải về nước”, bị cáo Phương nói.
Khi đối đáp lại quan điểm bào chữa của phía bị cáo Đỗ Văn Sơn và Nguyễn Thị Thu Phương, đại diện VKS cho rằng các quy trình tố tụng đều tuân thủ quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội và khách quan.Đại diện VKS đánh giá vi phạm tại vụ án này được thực hiện bằng thủ đoạn tinh vi với sự phân công cụ thể cho từng cá nhân.
Ngoài ra, bị cáo Phương khẳng định các bị cáo khác do sợ trách nhiệm nên đã “đổ hết tội cho bị cáo”.
Bị cáo Đỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC, người thứ hai trở về nước đầu thú sau khi bị khởi tố điều tra cũng một mực kêu oan và khẳng định không vụ lợi gì trong việc sửa báo cáo tài chính của AIC.
“Bị cáo biết việc chỉnh sửa số liệu là sai. Tuy nhiên, chị Nhàn nói đó là việc của chúng mày. Chúng mày cũng là người làm công ăn lương, không phải chịu trách nhiệm gì và yêu cầu bị cáo thực hiện. Khi nói với Hương ( nhân viên kế toán Công ty AIC- PV) thực hiện việc này, Hương cũng nói với bị cáo điều đó là sai. Bị cáo biết, nhưng mình mà không làm thì chỉ mất việc. Sau đó, bị cáo đã chỉnh sửa báo cáo” - Đỗ Văn Sơn nói trước toà.
Kết thúc phiên xét xử ngày thứ 3, HĐXX chuyển sang phần nghị án và cho biết sẽ tuyên án vào chiều 26/10.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các cá nhân tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế trực thuộc Sở Y tế Quảng Ninh, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, tổ chức cho các “quân xanh, quân đỏ” đấu thầu để trúng 6 dự án mua sắm trang thiết bị y tế cho BV Sản- Nhi tỉnh Quảng Ninh.
Dưới sự chỉ đạo, dàn xếp của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC đã trúng thầu 6/6 gói thầu của dự án. Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu, tổng trị giá hơn 206 tỷ đồng, Công ty Mopha đứng tên trúng 2 gói thầu, tổng trị giá hơn 25,5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định giá trị trang thiết bị 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán (số tiền hơn 237,3 tỷ đồng) có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỷ đồng.
Trong ngày xét xử thứ 3, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho rằng, thân chủ không có mặt tại phiên tòa nên những cáo buộc và những lời khai của các bị cáo vẫn chưa được làm rõ. Dù vậy, việc bà Nhàn bỏ trốn sẽ khiến bị cáo này chịu rất nhiều thiệt thòi trong công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại phiên tòa.