Cựu kế toán trưởng AIC khai bị bà Nhàn lừa sang Dubai, ‘giam lỏng’ nhiều tháng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 23/10, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.

Phiên toà hôm nay, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC, cùng 3 bị cáo khác đang bỏ trốn bị xét xử vắng mặt.

Khai khống năng lực tài chính

Tại phiên toà, nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC bị cáo Đỗ Văn Sơn khai để bảo đảm đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng, thực hiện điều chỉnh số liệu Báo cáo tài chính các năm 2010, 2011, 2012, 2013.

Cựu kế toán trưởng AIC khai bị bà Nhàn lừa sang Dubai, ‘giam lỏng’ nhiều tháng ảnh 1
Cựu kế toán trưởng AIC khai bị bà Nhàn lừa sang Dubai giam lỏng nhiều tháng.

Đỗ Văn Sơn sau đó đã cung cấp số liệu và chỉ đạo Lê Thị Hương - nhân viên kế toán thực hiện điều chỉnh Báo cáo tài chính các năm 2010, 2011, 2012, 2013 để làm tăng hệ số thanh toán nợ ngắn hạn và tăng vốn chủ sở hữu (so với các báo cáo tài chính đã nộp tại Cục Thuế Hà Nội).

Đỗ Văn Sơn ký bốn báo cáo tài chính đã chỉnh sửa và trình Nguyễn Thị Thanh Nhàn ký xác nhận. Sau đó, các báo cáo tài chính này được cung cấp cho Công ty Kiểm toán KTV để xác nhận kiểm toán rồi đưa vào HSDT để Công ty AIC đủ điều kiện tham gia và trúng ba gói thầu số 01, 02, 05 của Dự án tại bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh.

"Bị cáo biết việc chỉnh sửa số liệu là sai. Tuy nhiên, chị Nhàn nói đó là việc của chúng mày. Chúng mày cũng là người làm công ăn lương, không phải chịu trách nhiệm gì và yêu cầu bị cáo thực hiện. Khi nói với Hương thực hiện việc này, Hương cũng nói với bị cáo điều đó là sai. Bị cáo biết, nhưng mình mà không làm thì chỉ mất việc. Sau đó, bị cáo đã chỉnh sửa báo cáo" - Đỗ Văn Sơn nói.

Cựu kế toán trưởng Công ty AIC cũng khẳng định không được hưởng lợi bất cứ thứ gì về việc làm sai báo cáo tài chính này.

Bị lừa sang Dubai?

Khi được hỏi về quá trình lẩn trốn ra nước ngoài, Đỗ Văn Sơn khai năm 2020 Sơn đã xin nghỉ ở Công ty AIC. Đến tháng 4-2022, vị cựu kế toán trưởng này nhận được điện thoại của bà Nhàn nói rằng công ty không kinh doanh công việc cũ như trước nữa, mà chuyển sang làm mô hình “thành phố thông minh”.

“Bà Nhàn nói với tôi, nếu muốn làm công việc mới này thì phải đi nước ngoài học tập. Thời điểm này đang dịch COVID-19, bị cáo bị ốm; sau đó hai tuần thì bị cáo đồng ý”, bị cáo Sơn khai nhận.

Sau khi đồng ý, bị cáo Sơn được trợ lý của bà Nhàn mua vé máy bay để sang Dubai. Khi vừa xuống sân bay thì được một người đón về ở tại căn phòng thuê từ trước. Ngay sau đó, người này lập tức bị thu điện thoại của bị cáo Sơn.

"Sang Dubai tôi không đi học gì để làm thành phố thông minh mà chỉ ở phòng, không được đi đâu như giam lỏng, lúc này tôi mới nhận ra mình bị lừa. Đến ngày 22/6/2022, tôi về nước đầu thú", bị cáo Sơn nói tại phiên tòa.

Nhận thức được hành vi của mình, thấy việc mình làm là sai. Nói trước toà, Sơn cũng gửi lời khuyên các bị cáo khác còn đang bỏ trốn thì nên trở về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Cựu kế toán trưởng AIC khai bị bà Nhàn lừa sang Dubai, ‘giam lỏng’ nhiều tháng ảnh 2

Sơn cũng gửi lời khuyên các bị cáo khác còn đang bỏ trốn thì nên trở về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sử dụng chiêu bài cũ khi chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các cá nhân tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế trực thuộc Sở Y tế (chủ đầu tư), Sở Y tế, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, tổ chức cho các "quân xanh, quân đỏ" đấu thầu để trúng 6 dự án.

Dưới sự chỉ đạo, dàn xếp của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC đã trúng thầu 6/6 gói thầu của dự án mua sắm trang thiết bị cho BV Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu, tổng trị giá hơn 206 tỉ đồng, Công ty Mopha đứng tên trúng 2 gói thầu, tổng trị giá hơn 25,5 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định giá trị trang thiết bị 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán (số tiền hơn 237,3 tỉ đồng) có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn 15 thiết bị khác trị giá 9,898 tỉ đồng không định giá được do không thu thập được thông tin.

Theo VKSND Tối cao, dù các bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài nhưng vẫn có đủ căn cứ để xét xử.

MỚI - NÓNG